ADB dự báo GDP tăng 5,6%, lạm phát bình quân 6,2% trong năm 2014

FICA - Chuyên gia ADB đánh giá, khả năng đưa nền kinh tế Việt Nam trở lại tốc độ tăng trưởng cao của những năm trước bị hạn chế bởi tiến độ thận trọng của cải cách hệ thống ngân hàng và DNNN.

 

Ảnh: BD.

Tại cuộc họp báo công bố Báo cáo triển vọng phát triển châu Á diễn ra sáng nay (1/4/2014), chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Dominic Mellor đánh giá, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã cải thiện nhẹ và đạt 5,4% trong năm 2013, tuy nhiên vẫn thấp hơn nhiều so với mức 7-8% của các năm 2004-2007.

Từ góc độ cầu của nền kinh tế, sự gia tăng của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và chi tiêu ngoài ngân sách của Chính phủ cho cơ sở hạ tầng đã giúp tổng đầu tư tăng 5,5% so với mức cơ sở khá thấp trong năm 2012, tỷ lệ tích lũy tài sản/GDP vẫn ở mức 27% trong năm 2013, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh điểm trước kia.

Sự yếu ớt của thị trường lao động và niềm tin người tiêu dung khiến tiêu dùng tư nhân chỉ tăng 5,2%. Tiêu dùng công tăng 7,3%, phù hợp với chính sách tăng chi tiêu thường xuyên của Chính phủ.

Số liệu quý I/2014 cho thấy, GDP tăng trưởng 5% cao hơn so với cùng kỳ năm trước. ADB dự báo, tăng trưởng GDP sẽ tăng nhẹ lên mức 5,6% trong năm 2014 và tiếp tục tăng lên 5,8% trong 2015 cùng với sự phục hồi kinh tế Mỹ và khu vực đồng Euro, cũng như với các bước tiến trong việc khắc phục yếu kém của hệ thống ngân hàng.

Lạm phát theo dự báo của tổ chức này được kỳ vọng ở mức bình quân 6,2% trong năm 2014 với giả định sản lượng lương thức tương đối ổn định, Chính phủ áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế ở mức vừa phải, tiền Đồng được điều chỉnh tỷ giá nhẹ.

Theo đó, lạm phát Việt Nam đã giảm xuống mức 4,4% trong tháng 3/2014. Các thay đổi về giải định, hoặc sự tăng giá mạnh đột ngột đối với những hàng hóa và dịch vụ được trợ giá, theo ADB sẽ dẫn đến tỷ lệ lạm phát cao hơn. Lạm PHát được dự báo sẽ ở mức bình quân 6,6% trong năm 2015, khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh hơn.

Chuyên gia Dominic của ADB cũng chỉ ra rằng, tỷ giá hối đoái tương đối ổn định kể từ tháng 4/2011 đã cải thiện các đánh giá, cảm nhận về tiền Đồng, nhưng một số đợt người dân đổ xô mua trữ vàng và ngoại tệ vẫn cho thấy tâm lý với tiền đồng còn bấp bênh. Giá vàng trong nước cao hơn quốc tế cho thấy các nhà đầu tư vẫn coi vàng là một kênh quan trọng để phòng ngừa rủi ro lạm phát.

Ngoài ra, mục “sai số và bỏ sót” trong thống kê cán cân thanh toán đã tăng tới mức ước tính 6% GDP trong năm 2013, điều này có thể phản ánh khối lượng lớn vàng nằm ngoài hệ thống ngân hàng.

Ông Dominic cũng nhìn nhận rằng, khả năng đưa nền kinh tế trở lại tốc độ tăng trưởng cao của những năm trước bị hạn chế bởi tiến độ thận trọng của cải cách hệ thống ngân hàng và DNNN.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *