140.000 doanh nghiệp "chết không thể chôn"!

FICA - Hiện tại đang có một lượng lớn doanh nghiệp không còn hoạt động nhưng không thực hiện quy trình giải thể, phá sản (khoảng 140.000 doanh nghiệp).


Theo nhận xét của ông Đỗ Tiến Thịnh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong vòng đời doanh nghiệp, khi gặp khó khăn, doanh nghiệp có thể ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một thời gian nhất định. Đây là một dạng rút lui tạm thời khỏi thị trường. Tuy nhiên, khi không thể tiếp tục hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường thông qua hình thức giải thể hoặc phá sản doanh nghiệp.

Ông Thịnh cho hay, do điều kiện kinh doanh khó khăn, từ năm 2010 đến nay, số doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động tăng cao. Năm 2011, tổng số doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động là 53,9 ngàn doanh nghiệp, tăng 24,8% so với năm 2010; trong đó, số doanh nghiệp đã chính thức giải thể là 7,6 ngàn, tăng gần 15% so với năm 2010. 

Năm 2013, cả nước có 60,7 ngàn doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động (trong đó, số doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể là 9,8 ngàn doanh nghiệp, số doanh nghiệp gặp khó khăn và rơi vào trạng thái tạm ngừng hoạt động là 50,9 ngàn doanh nghiệp - tăng 11,9 % so với năm 2012).

Theo ông Thịnh, về mặt số liệu, thực trạng trên cho thấy, giải thể doanh nghiệp đang nổi lên vấn đề “tồn kho” một lượng rất lớn doanh nghiệp đã không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tỷ trọng doanh nghiệp tuân thủ nghĩa vụ giải thể doanh nghiệp chỉ dao động từ 14% đến 17% trong tổng số doanh nghiệp cần giải thể, phá sản. Đây là một tỷ lệ khá thấp. 

Do vậy, có một lượng lớn doanh nghiệp không còn hoạt động nhưng không thực hiện quy trình giải thể, phá sản (con số này được ông Thịnh ước lượng khoảng 140.000 doanh nghiệp). Điều này dẫn tới việc Nhà nước thất thu thuế, người lao động bị xâm hại quyền lợi... và làm sai lệch các thông tin thống kê về doanh nghiệp, ảnh hưởng tới sự minh bạch của môi trường kinh doanh. 

Đặc biệt, việc doanh nghiệp đã ngừng hoạt động nhưng vẫn gây hậu quả kéo dài đang thể hiện rõ đối với những trường hợp chủ doanh nghiệp là người nước ngoài, có thuê đất nhà nước, còn nợ thuế, nợ khách hàng, nợ lương người lao động... nhưng chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn về nước nên không có người chịu trách nhiệm để thực hiện các thủ tục giải thể, phá sản doanh nghiệp theo quy định.

Doanh nghiệp muốn “ra đi” còn phải qua “cò”

Những khó khăn, vướng mắc trong vấn đề giải thể doanh nghiệp xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, theo ông Thịnh, vấn đề pháp lý liên quan đến hồ sơ, trình tự, thủ tục giải thể đang được quy định tại Luật Doanh nghiệp không phải nguyên nhân cơ bản.

Việc doanh nghiệp “ngại” giải thể không phải mới xuất hiện trong thời gian gần đây mà đã diễn ra ngay từ khi nước ta triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp năm 1999. Điều này xuất phát từ một số nguyên do sau:

Thứ nhất, nhận thức pháp luật của nhiều doanh nghiệp còn thấp, ý thức chấp hành các quy định về giải thể, phá sản theo quy định chưa cao.

Thứ hai, chế tài xử lý đối với các chủ doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật không chịu chấp hành các quy định về giải thể, phá sản chưa đủ răn đe, dẫn tới nhiều chủ doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật không quan tâm tới nghĩa vụ giải thể, phá sản doanh nghiệp.

Thứ ba, hệ thống quy định về phá sản doanh nghiệp có nhiều bất cập. Vì vậy, doanh nghiệp muốn tuân thủ theo đúng quy định cũng rất khó. Trong số 140.000 doanh nghiệp không còn hoạt động, một tỷ lệ lớn các doanh nghiệp là lâm vào tình trạng phá sản (do không thể thanh toán hết các khoản nợ), vì vậy, không thể thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động theo quy trình đơn giản là giải thể doanh nghiệp.

Tuy nhiên, để thực hiện được quy trình theo quy định của Luật Phá sản, mỗi doanh nghiệp phải mất 3 đến 5 năm mới hoàn tất thủ tục. Điều này dẫn tới, tỷ lệ doanh nghiệp đã và đang thực hiện thủ tục phá sản gần như không có ý nghĩa trong thực tế.

Thứ tư, trong nhiều trường hợp, việc hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoàn thành nhanh chóng các thủ tục hành chính liên quan theo quy trình giải thể tại một số cơ quan quản lý nhà nước địa phương chưa được tốt; đặc biệt, thủ tục hoàn tất nghĩa vụ thuế còn gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài. Nhiều trường hợp phản ánh, doanh nghiệp muốn “ra đi” còn phải qua “cò”. 

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện nay về việc giải thể của doanh nghiệp, ông Đỗ Tiến Thịnh cho rằng, một trong các biện pháp là cần tiếp tục nghiên cứu, đơn giản hóa những thủ tục hành chính của doanh nghiệp tại các cơ quan quản lý nhà nước trước khi doanh nghiệp thực hiện nộp bộ hồ sơ giải thể tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Trong đó, tập trung đơn giản hóa quy trình về kê khai và quyết toán thuế cho doanh nghiệp sau khi doanh nghiệp quyết định giải thể.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *