“Tâm lý phải xài hết tiền ngân sách đã giao có ở các ngành, địa phương”

FICA - Tâm lý xin ngân sách năm sau cao hơn năm trước có ở hầu hết các ngành, địa phương, do đó, muốn được cấp nhiều hơn thì năm nay phải tiêu cho hết phần đã được giao.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) phản ánh với Quốc hội việc ông vừa nhận được điện thoại của một cử tri, vốn là một cán bộ lão thành phó ban tuyên giáo Chính phủ cung cấp thông tin: Chúng ta đang cố gắng siết lại kỷ luật ngân sách, làm việc có hiệu quả, kiến nghị chống lãng phí, thất thoát. Tuy nhiên có tình trạng làm tăng nhu cầu ngân sách mà Quốc hội không kiểm soát được. Đó là, hàng năm số lượng đơn vị hành chính tăng lên mấy chục huyện, từ đó tăng lên mấy chục phường xã, với số lượng đơn vị hành chính này thì ngân sách bắt buộc phải chi cho những cái tăng này. Do đó, Quốc hội cần thiết phải kiểm soát được mức chi này để thấy rằng nó thiết thực, hiệu quả, khả thi.

“Hầu như không Nhà nước nào có thể nói ngân sách luôn luôn đủ với nhu cả, nên nhu cầu quá cao, ngân sách quá thấp không phải là lý do chính đáng để hàng năm chúng ta tăng việc cấp phát ngân sách lên”, đại biểu Nghĩa nói.

Cũng theo phản ánh của đại biểu Trương Trọng Nghĩa phản ánh, tâm lý xin ngân sách năm sau cao hơn năm trước có ở hầu hết các ngành, địa phương dù nhu cầu thực tế không phải năm nào cũng vậy. Điều này dẫn tới việc, các địa phương muốn năm tới được trung ương cấp nhiều hơn thì năm nay phải tiêu cho hết phần đã được giao.

“Nếu năm nay anh xài 100 đồng, thì năm sau anh xin 110 đồng, tức tăng 10% là hợp lý. Sự thật có nơi, năm nay chỉ cần chi 80 đồng là đủ, nhưng đã xin được 100 đồng rồi nên phải cố tiêu hết. Vì lo rằng tiêu không hết thì năm sau sẽ bị cắt”, ông Nghĩa cho hay.

Do đó, ông Nghĩa cho hay, nếu phá vỡ thói quen “xài cho kỳ hết” thì ngân sách sẽ tiết kiệm được rất nhiều. “Làm sao có quy định xài không hết nhưng năm sau vẫn có thể được cấp nhiều hơn nếu nhu cầu đó là cấp thiết. Tôi không biết là quy luật ngầm hay thói quen về ngân sách, vì vẫn còn tình trạng phải xài cho kỳ hết, dẫn tới tình trạng lãng phí ngân sách rất nhiều. Từ Luật Ngân sách này, chúng ta cần ban hành quy định để các địa phương, các ngành yên tâm, nếu anh không xài hết tiền, anh cứ để đó mà trả lại. Còn năm sau anh cần nhiều hơn sẽ được cấp nhiều hơn”, ông đề nghị.

Đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) và đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) lại nhấn mạnh tới những bất cập của việc lồng ghép ngân sách. Ông Tấn cho hay, lồng ghép ngân sách Nhà nước dễ dẫn đến trùng lắp thẩm quyền và trách nhiệm các cấp. Do đó, ông Tấn đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát làm rõ vấn đề: ngân sách Nhà nước là thống nhất, có quản lý và đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, phải làm rõ nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương gắn với nhiệm vụ chi quốc gia.

Còn theo đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM), vấn đề tồn tại lớn nhất hiện nay đó là “chúng ta duy trì quá lâu lồng ghép ngân sách trung ương và địa phương, làm không minh bạch, tạo cơ chế xin - cho và thiếu minh bạch kỷ luật ngân sách”.

Do đó, ông Lịch nhấn mạnh tới thực tế, lồng ghép ngân sách khiến ngân sách địa phương mất tính tự chủ, không khai thác hết nguồn thu và sử dụng hiệu quả chi, khiến các địa phương thụ động trong kiểm soát ngân sách...

“Vậy có thể giải quyết được không? Giải quyết được, nhưng vấn đề là chúng ta muốn hay không. Chúng ta phải minh bạch các điều khoản của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Cái gì của địa phương thì địa phương chịu trách nhiệm, cái gì của trung ương thì Quốc hội chịu trách nhiệm”, đại biểu Trần Du Lịch đề xuất.

Do đó, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị ban soạn thảo bổ sung các quy định nhằm tăng tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan liên quan trong Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Theo đại biểu Khánh, ngay cả đại biểu Quốc hội cũng rất khó biết được việc sử dụng tiền thuế thu của dân, tiền vay viện trợ nước ngoài như thế nào, hiệu quả ra sao.

Đại biểu Lê Văn Tân (Hà Nam) cho rằng, dự thảo quy định 6 hình thức công khai ngân sách nhà nước nhưng thực chất chỉ công khai tại kỳ họp thường niên của Quốc hội. Do đó, cần quy định công khai cả tình hình thực hiện dự toán, quyết toán ngân sách; không áp dụng cơ chế báo cáo mật đối với dự toán, quyết toán khi trình ra cơ quan dân cử.

Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) nhận xét, kỷ luật tài chính còn chưa nghiêm, vẫn còn sử dụng kém hiệu quả, lãng phí, thất thoát vẫn còn. Vì vậy, ông Thụ đề nghị Quốc hội ban hành Luật Ngân sách thường niên thay cho Nghị quyết ngân sách hàng năm, nhằm nâng cao tính pháp lý và tăng kỷ luật tài chính.

Theo đó, vào kỳ họp giữa năm, Quốc hội sẽ quyết định khung ngân sách, sẽ xem xét tổng thu, tổng chi, định hướng ưu tiên một số ngành, lĩnh vực... Trên cơ sở đó, cuối năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội dự toán thu - chi chính thức và phương án phân bổ ngân sách trung ương cụ thể để Quốc hội quyết định.

Đại biểu Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) cho rằng, việc sửa đổi này cũng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, hầu hết các nội dung đang thực hiện ghi thu, ghi chi vào ngân sách từ nguồn thu phí tại các đơn vị sự nghiệp sẽ không được phản ánh vào ngân sách. Thêm nữa, việc quy định nguồn thu vào ngân sách Nhà nước đối với các khoản thu phí có khấu trừ chi phí hoạt động của cơ quan nhà nước trong trường hợp được khoán chi phí hoạt động sẽ dẫn đến sự bất bình đẳng trong phân bổ ngân sách và thực tế là không có căn cứ để xác định việc khoán chi phí hoạt động.

“Quan điểm chung là phải nuôi dưỡng nguồn thu. Theo đó, khống chế tỷ lệ hỗ trợ cho các địa phương tối đa không vượt quá 30% tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách Trung ương sẽ không khuyến khích được các địa bàn động lực làm cơ sở nuôi dưỡng nguồn thu, thúc đẩy phát triển bền vững, theo tôi nên đưa lên mức 50%”, đại biểu Thực đề xuất.

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *