“Kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng”

Tôi nghĩ nền kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng, Đại sứ Australia tại Việt Nam, ông Hugh Borrowman trao đổi với VnEconomy trước thềm Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015.

“Kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng”

Đại sứ Australia tại Việt Nam, ông Hugh Borrowman.

 

Đề cập nhiều biện pháp cải cách quan trọng để tái cơ cấu nền kinh tế đang được Chính phủ Việt Nam thực hiện, ông Hugh Borrowman nhấn mạnh: mọi cải cách đều cần thời gian và ý chí chính trị to lớn.

Australia và cá nhân ông rất quan tâm đến tiến trình tái cơ cấu tổng thể kinh tế Việt Nam, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Theo ông, chìa khóa cho sự thành công của tiến trình cải cách này là gì?

Gần đây Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp cải cách quan trọng để tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng một mô hình tăng trưởng hiệu quả và bền vững hơn, ví dụ như cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách đầu tư công và cải cách thể chế để thúc đẩy tăng trưởng khu vực tư nhân. 

Việc loại bỏ những can thiệp không cần thiết từ nhà nước, ví dụ như đòi hỏi kế hoạch kinh doanh chi tiết khi cấp phép, cũng là một bước quan trọng để đảm bảo hoạt động hiệu quả của nền kinh tế thị trường.

Chúng ta cũng cần làm cho hệ thống thể chế minh bạch hơn và giảm chi phí tuân thủ để khu vực tư nhân có thể hoạt động tốt và cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, mọi cải cách đều cần thời gian và ý chí chính trị to lớn. Do đó, cần có mối quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa Nhà nước, khu vực tư nhân và toàn xã hội để thực hiện các sáng kiến cải cách. Chúng tôi tự hào khi hỗ trợ mối quan hệ đối tác này thông qua Dự án Tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (RCV).

Các chỉ số và chỉ báo kinh tế vĩ mô cho thấy kinh tế Việt Nam cơ bản đã ổn định trở lại và đang bước vào một giai đoạn phát triển mới. Quan điểm cá nhân ông thế nào về nhận định này?

Tôi nghĩ nền kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng. Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và các tổ chức quốc tế khác ngày càng đồng thuận rằng tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ cao hơn. 

Với lạm phát thấp, lãi suất giảm, nhu cầu nội địa mạnh và môi trường thể chế đang cải thiện thì triển vọng kinh tế Việt Nam 2015 và những năm tới sẽ tươi sáng hơn. Tiếp cận thị trường rộng hơn nhờ Cộng đồng kinh tế ASEAN và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp được ký kết cũng sẽ giúp tăng nhu cầu quốc tế và dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. 

Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro như thâm hụt ngân sách, nợ công và nợ xấu, và cần có sự quan tâm sát sao để những rủi ro này không làm mất ổn định môi trường kinh tế vĩ mô. Hội nhập sâu hơn cũng sẽ đem đến nhiều thách thức mà Việt Nam cần chuẩn bị kỹ để có thể vượt lên trong cuộc cạnh tranh quốc tế.

Một trong các mục tiêu quan trọng của Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra vào cuối tháng Tư là làm rõ quan điểm và các bước cải cách cụ thể tiếp theo nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Theo ông, cải cách nào là quan trọng nhất?

Tôi nghĩ trong tình hình hiện tại, Việt Nam cần thực hiện nhiều biện pháp cải cách đồng thời và có liên quan đến nhau, do đó khó có thể chỉ ra cải cách nào quan trọng nhất.

Tuy nhiên, một số lĩnh vực cần ưu tiên là: (i) xây dựng nền tảng pháp lý cho nền kinh tế thị trường hiện đại, bao gồm bảo vệ quyền sở hữu tốt hơn, thực thi hợp đồng tốt hơn và cạnh tranh lành mạnh; (ii) tinh giản các quy định kinh doanh và củng cố giám sát thi hành pháp luật; và (iii) tiếp tục chống tham nhũng để giảm chi phí và rủi ro kinh doanh ở Việt Nam.

Báo cáo Môi trường kinh doanh 2015 của WB công bố ngày 29/10/2014 chỉ ra Việt Nam xếp thứ 78 trong tổng số 189 nền kinh tế được khảo sát. Theo ông, kết quả xếp hạng này có hấp dẫn các nhà đầu tư Úc vào kinh doanh làm ăn lâu dài ở Việt Nam? Ông có thể chỉ ra 3 vấn đề cốt lõi nhất liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh mà các nhà đầu tư Úc mong muốn Việt Nam cần sớm cải thiện là gì?

Các chỉ số môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới là một nguồn thông tin quan trọng cho các nhà đầu tư khi họ cân nhắc đầu tư. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cân nhắc nhiều chỉ số khác, ví vụ như chi phí lao động, vị trí địa lý, quy mô thị trường, tiềm năng tăng trưởng và các thông tin khác. 

Tôi tin Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Úc, và thực tế là đầu tư của Úc vào Việt Nam đã tăng liên tục. Đến cuối năm 2014, có hơn 300 dự án đầu tư của Úc ở Việt Nam với tổng vốn đầu tư là gần 3 tỷ đô la Úc. 

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là các nhà đầu tư Úc không có quan ngại về môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Ví dụ, nhiều nhà đầu tư tiếp tục gặp khó khăn khi đối mặt với các thủ tục phiền hà, chính sách và quy định thiếu minh bạch và khó dự báo, và các hành vi tham nhũng. Chính phủ Việt Nam hiểu rất rõ những vấn đề này và tôi tin rằng cam kết cải cách mạnh mẽ của Chính phủ sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh trong nước.

An ninh tài chính-tiền tệ là vấn đề rất quan trọng trong tiến trình cải cách kinh tế - một nội dung Australia đang quan tâm hỗ trợ Việt Nam.  Ông có thể chia sẻ với bạn đọc VnEconomy kinh nghiệm của Úc cũng như của quốc tế?

Chúng ta đều biết tầm quan trọng của một hệ thống tài chính ổn định, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Việt Nam đang thực hiện nhiều biện pháp quan trọng để nâng cao ổn định và hiệu quả của hệ thống tài chính, ngân hàng trong nước với một số thành công ban đầu.

 Các nước khác, trong đó có Úc, cũng đang thực hiện các biện pháp cải cách. Sau cuộc khủng hoảng toàn cầu 2008, Úc và các nước G20 khác đã nhanh chóng củng cố hệ thống tài chính, ngân hàng của mình bằng cách nâng cao yêu cầu về vốn và thanh khoản, và áp dụng các quy định giám sát và công bố thông tin chặt chẽ hơn.

Gần đây, Úc đã hoàn tất một Báo cáo Điều tra Hệ thống Tài chính để tạo cơ sở cho thảo luận chính sách và cải cách. Báo cáo đề ra những khuyến nghị như: (i) nâng cao yêu cầu về vốn đối với các cơ sở nhận tiền gửi, (ii) củng cố quyền lực, nguồn lực và trách nhiệm giải trình của các cơ quan điều tiết độc lập, (iii) tập trung mạnh hơn vào thúc đẩy cạnh tranh trong hệ thống tài chính.

Chính phủ Úc đang tìm cách thực hiện những khuyến nghị này trong thời gian tới và chúng tôi sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm của Báo cáo Điều tra Hệ thống Tài chính và các biện pháp cải cách tài chính khác với Việt Nam.

 

Theo Nguyên Thảo 

VnEconomy

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *