“Kinh tế Việt Nam đã qua điểm đáy”

FICA – Theo BVSC, các chỉ số chính về tình hình sản xuất thấy tổng cung trong tháng 4 tiếp tục tiến trình phục hồi, củng cố thêm nhận định về việc kinh tế Việt Nam đã qua điểm đáy và đang trong quá trình đi lên khá tích cực.

Theo cập nhật của CTCK Bảo Việt (BVSC) tại báo cáo chiến lược tháng 5/2015, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 đã giảm nhẹ 0,4% so với tháng trước, chủ yếu do nhóm ngành khai khoáng giảm 5,2% (hoạt động khai thác than và dầu thô giảm gần 6% so tháng trước). Ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng chỉ có mức tăng khiêm tốn 1,1%.

Theo BVSC, thường trong bốn tháng đầu năm, do ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ Tết Nguyên Đán nên tốc độ tăng theo tháng của chỉ số sản xuất công nghiệp có độ biến động khá lớn, tuy nhiên từ tháng 5 trở đi, chỉ số này thường có xu hướng tăng ổn định hơn. Tính chung bốn tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,4% so cùng kỳ, cao hơn nhiều mức tăng 5,5% của cùng kỳ năm 2014, cho thấy xu hướng phục hồi khá rõ của lĩnh vực công nghiệp.

Chỉ số PMI tháng 4 lên mức cao nhất kể trong lịch sử khảo sát. Chỉ số nhà quản trị mua hàng của Việt Nam trong tháng 4 bất ngờ có mức tăng rất mạnh, đạt 53,5 điểm từ mức 50,7 điểm trong tháng 3. Đây cũng là mức điểm cao nhất của chỉ số này trong lịch sử khảo sát.

Theo HSBC, trong tháng 4 vừa qua, nhiều nhà sản xuất đã tuyển thêm lao động phục vụ cho nhu cầu sản xuất tăng cao, điều này trái ngược so với xu hướng giảm số việc làm của tháng trước đó. Ngoài ra, kể từ tháng 11/2014, các chi phí đầu vào như xăng dầu, sắt, thép… bắt đầu giảm mạnh, giúp các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam giảm chi phí. Trọng tâm của sự cải thiện là do mức tăng mạnh của đơn hàng mới khi nhiều doanh nghiệp công bố đã kiếm được khách hàng, trong đó đơn hàng từ nước ngoài cũng tăng mạnh.

Nhìn chung, BVSC có phần bất ngờ về mức độ tích cực ngoài dự báo của chỉ số PMI trong tháng vừa qua, tuy nhiên đây là cơ sở để lạc quan vào tình hình sản xuất trong các quý tới. Nhiều khả năng việc đẩy mạnh mua hàng của các doanh nghiệp trong tháng 4 nhằm mục đích chuẩn bị nguyên vật liệu, nhân lực… cho hoạt động kinh doanh sôi động sắp tới.

Như vậy, dựa trên hai chỉ số chính về tình hình sản xuất có thể thấy tổng cung trong tháng 4 tiếp tục tiến trình phục hồi, củng cố thêm nhận định về việc kinh tế Việt Nam đã qua điểm đáy và đang trong quá trình đi lên khá tích cực. Đà tăng trở lại của đơn hàng xuất khẩu cũng là tín hiệu đáng mừng sau các tháng suy giảm gần đây, cho thấy có thể cầu nước ngoài đối với hàng hóa Việt Nam bắt đầu khởi sắc trở lại. Điều này mở ra khả năng tăng tốc cho hoạt động xuất khẩu trong các tháng tới, giúp thu hẹp nhập siêu trong bốn tháng qua, từ đó giảm bớt áp lực lên vấn đề tỷ giá.

Về tiêu dùng trong nước, sau khi có mức giảm 6,4% trong tháng 3, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đã tăng trưởng nhẹ 2,5% trở lại trong tháng 4. Trong vòng một năm trở lại đây, ngoại trừ tháng 3/2015 thì doanh số bán lẻ luôn có mức tăng trưởng dương qua từng tháng. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, loại trừ yếu tố giá thì tăng 8%. Đây tiếp tục là dấu hiệu cho thấy cầu tiêu dùng trong nước vẫn đang trong tiến trình phục hồi.

Về đầu tư tư nhân, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 4 ước tính đạt 2,78%, là mức cao nhất trong vòng 3 năm gần đây (năm 2013 và 2014 có mức tăng tương ứng là 1,04% và 0,53%). Sự khởi sắc của tín dụng trong các tháng gần đây là tín hiệu rất đáng chú ý, cho thấy một cấu thành khác của tổng cầu là đầu tư tư nhân đang dần tăng trở lại. Với mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức tương đối thuận lợi, các doanh nghiệp đang cho thấy sự tự tin nhất định trong kế hoạch vay vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Thanh Nga

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *