“Hiệp định TPP sẽ chốt trong nửa đầu 2015”

FICA - TTP được cho là Hiệp định có tiêu chuẩn cao vì mức độ cam kết tại TPP rất sâu, hướng đến mục tiêu xóa bỏ 100% thuế nhập khẩu. Nhiều khả năng việc đàm phán Hiệp định này sẽ được kết thúc trong 6 tháng đầu năm.

Các thành viên trong bàn đàm phán TPP

Theo thông tin được Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đưa ra tại Toạ đàm trực tuyến: “Tham gia các FTA - Doanh nghiệp được lợi gì?” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 20/3, tính đến 31/12/2014, Việt Nam đã ký và tham gia 8 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và hiện đang đàm phán thêm 7 FTA khác.

Trong số này có 6 hiệp định mang tính khu vực: Hiệp định thương mại tự do giữa các nước ASEAN, ASEAN với Trung Quốc, ASEAN với Hàn Quốc, ASEAN với Nhật Bản, ASEAN với Ấn Độ và ASEAN với Úc, New Zealand. Hai hiệp định còn là FTA song phương với Nhật Bản và Chile. Như vậy, 7/8 hiệp định ở khu vực Đông Á, tuyệt đại đa số (6/8) hiệp định là ký trong khuôn khổ ASEAN với các đối tác bên ngoài.

Với những đối tác lớn như Hoa Kỳ, EU, Nga thì Việt Nam chưa có quan hệ thương mại tự do. Do vậy, hiện nay, Việt Nam đang đàm phán thêm 7 FTA: Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TTP – đàm phán với Hoa Kỳ và 10 quốc gia khác); FTA với Liên minh châu Âu (EU); với Liên minh hải quan; với Hàn Quốc, với 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Ireland và Liechtenstein.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn phối hợp với ASEAN đàm phán hai hiệp định: Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP hay ASEAN+6) và Hiệp định giữa ASEAN và Hồng Kông.

Trong số này, Thứ trưởng Khánh cho biết, có hai hiệp định về cơ bản đã hoàn tất vào năm 2012 là Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Hải quan và với Hàn Quốc, hiện nay đang rà soát pháp lý để ký kết chính thức. FTA với EU về cơ bản cũng đã đạt được những thỏa thuận tốt, dự kiến kết thúc đàm phán trong một vài tháng tới.

Riêng về TPP, Thứ trưởng Khánh cho biết, Hiệp định này là điển hình của hiệp định thương mại tự do hoàn toàn mới vì bên cạnh các vấn đề truyền thống như thương mại, hàng hóa, thương mại-dịch vụ hay đầu tư thì TPP còn bàn đến những vấn đề phi truyền thống khác như: sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn lao động, tiêu chuẩn môi trường có liên quan thế nào đến thương mại hay việc mua sắm công.

TPP cũng đề cập đến chính sách cạnh tranh của Doanh nghiệp Nhà nước, thương mại điện tử. Đây đều là những lĩnh vực mới, được cho rằng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình môi trường kinh doanh của đầu thế kỉ 21 và cũng là những lĩnh vực khó với Việt Nam. Vì vậy đây là hiệp định toàn diện.

TTP được cho là Hiệp định có tiêu chuẩn cao vì mức độ cam kết tại TPP rất sâu. Cụ thể, TPP hướng đến mục tiêu xóa bỏ 100% thuế nhập khẩu. Trong các hiệp định trước đây việc xóa bỏ thuế nhập khẩu chưa bao giờ lên đến 100%. Hay như Hiệp định với EU cũng đặt ra phương thức chung là phải xóa bỏ 90% thuế nhập khẩu trong tối đa 7 năm. Vì vậy có thể nói đây là Hiệp định tiêu chuẩn cao và lần đầu tiên Việt Nam tiếp cận được một hiệp định như vậy.

Theo thông tin từ Thứ trưởng Khánh, đến giờ phút này TPP đã đàm phán 30 phiên chính thức. Các nước TPP đặt mục tiêu đàm phán kết thúc cuối năm 2013 ở phiên 19, sau đó vẫn phải đàm phán tiếp nên sau con số 19 không gọi là phiên nữa mà gọi là đàm phán bổ sung. Hiệp định đang tiến đến những tháng cuối cùng, khả năng kết thúc trong 6 tháng đầu năm nay.

Chưa bao giờ Việt Nam nỗ lực tham gia FTA nhiều như vậy!

Đánh giá về tốc độ hội nhập của Việt Nam, PGS. TS Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, chưa bao giờ Việt Nam  nỗ lực tham gia các hiệp định nhiều như vậy trong một quãng thời gian không dài.

“Chúng ta có thể thấy tinh thần hội nhập của Việt Nam là ghê gớm, không sợ gì cả. Nói theo ngôn ngữ bình thường là: “Ai đề nghị hiệp định là Việt Nam chơi ngay, không quá do dự” – ông Thiên dí dỏm.

Bên cạnh những thách thức, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng chỉ ra lợi ích đầu tiên khi tham gia các FTA là những cơ hội mới cho phát triển xuất khẩu. Cơ hội đó có thể nhìn thấy rất rõ khi các nước xóa bỏ thuế nhập khẩu. Bên cạnh đó, tham gia TPP tạo ra khả năng cho các doanh nghiệp của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng mới hình thành rất cao. Nếu trở thành 1 mắt xích của chuỗi đó thì việc Việt Nam tham gia vào thị trường toàn cầu sẽ lớn hơn nhiều so với việc tự mình tìm thị trường.

Ngoài ra, các FTA cũng tạo điều kiện cho Việt Nam cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn. Trong quan hệ xuất nhập khẩu cần tránh phụ thuộc quá mức vào 1 thị trường nào đó. Tuy nhiên, đến nay, 70% nhập khẩu của Việt Nam ở khu vực Đông Á và 50% xuất khẩu cũng vào khu vực này. Nên nếu có bất lợi xảy ra trong khu vực sẽ tác động rất lớn, trong khi xuất khẩu là hoạt động chính của tăng trưởng GDP.

Bên cạnh đó, khi đi vào các thị trường mới, Việt Nam có lợi thế trung hạn trước các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt các đối thủ trong khu vực, nhất là ở 1 số thị trường quan trọng như: Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Canada.

Cùng với đó, theo Thứ trưởng Khánh, với tiêu chuẩn rất cao về quản trị minh bạch và hành xử vô tư, các FTA mới sẽ giúp Việt Nam kiện toàn, cải thiện hơn nữa bộ máy Nhà nước theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường trách nhiệm, kỉ luật, kỉ cương của công chức Nhà nước.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *