“Dự báo CPI tháng 1/2015 tiếp tục giảm”

FICA - Trong tháng đầu năm 2015, tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn, thu nhập và nhu cầu tiêu dùng thấp, cộng với việc giá xăng dầu giảm, giá cước vận tải tiếp tục được điều chỉnh giảm… nên về cơ bản CPI có thể sẽ còn giảm.

Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa), giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh giảm trong khi tổng cầu của nền kinh tế còn yếu và doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hóa đã khiến chỉ số CPI giảm tháng thứ 2 liên tiếp. Theo đó chỉ số CPI tháng 12/201 giảm 0,24% so với tháng trước và so với tháng 12/2013, chỉ tăng 1,84%. Như vậy, bình quân cả năm 2014, CPI chỉ tăng 4,09% so với năm 2013, mức thấp nhất trong 11 năm qua.

Vinpa cho rằng, lạm phát thực tế chỉ bằng 1/2 dự báo cả năm là một điều khá bất ngờ. Do chỉ số CPI diễn biến bất thường nên diễn biến giá cả trong năm 2014 đã có những điều trái quy luật, đó là những tháng cuối năm lẽ ra lạm phát phải tăng thì lạm phát tháng 11, 12 lại giảm.

CPI tăng thấp do nguyên nhân khách quan khó dự báo là giá dầu thế giới giảm sâu kéo theo các mặt hàng khác và nhiều mặt hàng nguyên nhiên liệu đầu vào nhập khẩu cũng giảm theo. Bên cạnh đó, một phần còn do sức mua tiêu dùng trong nước yếu.

Lạm phát thấp về mặt tích cực đã tạo cơ hội thu hút đầu tư, tạo niềm tin của thị trường, kinh tế vĩ mô ổn định hơn, đồng thời chính phủ có điều kiện thực hiện các chính sách tài chính, tiền tệ.

Dù CPI đã ổn định và giảm, song thị trường vẫn còn nhiều tồn tại (tháng 12 giá xăng dầu giảm 02 lần: xăng giảm 2.370 đồng/lit, diesel giảm 1.160 đồng/lit, dầu hỏa giảm 1.850 đồng/lit, mazut giảm 2.010 đồng/kg) nhưng giá hàng hóa thiết yếu không giảm hoặc giảm chậm; giá cước vận tải giảm không tương xứng; hệ thống phân phối còn nhiều bất cập; thậm chí giá cả một số mặt hàng tiêu dùng còn bị thao túng.

Vinpa cũng lưu ý rằng, CPI tăng thấp có nguy cơ tiềm ẩn thiểu phát, tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh. Ngoài ra sức mua kém, tồn kho cao kéo theo cầu đầu tư giảm, tiêu dùng tăng chậm, tác động trực tiếp đến doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế.

Năm 2015, dự báo về triển vọng kinh tế thế giới mà một số tổ chức quốc tế đưa ra có khả quan hơn so với năm 2014 nhưng rất thận trọng vì các khủng hoảng và xung đột trên thế giới có thể tạo ra môi trường không thuận lợi cho quá trình phục hồi kinh tế. Giá cả nhiều hàng hóa cơ bản, thiết yếu còn thiếu tính ổn định và vẫn tiếp tục xu hướng giảm.

Trong tháng đầu năm 2015, theo nhận định của Vinpa, tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn, thu nhập và nhu cầu tiêu dùng thấp, cộng với việc giá xăng dầu giảm, giá cước vận tải tiếp tục được điều chỉnh giảm… nên về cơ bản CPI có thể sẽ còn giảm.

Diễn biến mặt hàng xăng dầu

Trên thị trường Singapore, giá bình quân của các mặt hàng xăng dầu trong tháng 12 đều giảm so với tháng 11; so với năm 2013, giá bình quân các mặt hàng xăng dầu năm 2014 giảm từ 5 - 9%.

Năm 2014, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong nước được điều chỉnh nhiều lần. Mặt hàng xăng (5 lần tăng với tổng mức tăng là 1.430 đồng/lit, 12 lần giảm liên tiếp với tổng mức giảm là 7.760 đồng/lit), mặt hàng diesel (4 lần tăng với tổng mức tăng là 770 đồng/lit, 19 lần giảm với tổng mức giảm là 6.740 đồng/lit).

Giá bán lẻ xăng RON 92 hiện tại là 17.570 đồng/lít., so với thời điểm giá bán lẻ xăng cao nhất vào tháng 7/2014 thì giá bán lẻ xăng đã giảm trên 30%. Giá dầu giảm sẽ tác động tích cực đến sản xuất kinh doanh trong nước nhưng cũng ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rất khó khăn do phải mua cao, bán thấp.

Theo dự báo của Vinpa, giá dầu thế giới thời gian tới chưa có nhiều cải thiện do nguồn cung lớn trong khi nhu cầu chưa có chuyển biến tích cực.

Bích Diệp

Chuyên mục: Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *