Thời sự 29/11/2013 10:50

VAMC: Người mua khó tính

Theo một chuyên gia ngân hàng, những khoản nợ khó thu hồi nhất là “món hàng” mà các NHTM muốn bán nhiều nhất. Nhưng trên thực tế, không phải món nợ nào VAMC cũng mua. Lãnh đạo các ngân hàng bán nợ cũng cho biết, VAMC khá “kỹ tính”.

“Hàng” ngày một nhiều…

 

Càng đến cuối năm 2013, có thêm nhiều ngân hàng ngỏ ý bán nợ cho VAMC. Phó chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC Nguyễn Quốc Hùng cho biết, tính đến chiều 26/11, VAMC đã mua trên 18.000 tỷ đồng nợ gốc của 21 ngân hàng, tương đương 14.700 tỷ đồng giá trị trái phiếu đặc biệt (TPĐB). “Và cũng tính đến thời điểm này, đã có 24 TCTD gửi hồ sơ đề nghị bán nợ xấu cho VAMC có tổng giá trị trên 40.000 tỷ đồng”, ông Hùng cho biết thêm.

 

Đó là chưa kể một số ngân hàng đang lên kế hoạch bán nợ xấu cho VAMC như Maritime Bank, HDBank… Dự kiến trong tuần này, BIDV sẽ bán cho VAMC khoảng 1.500 tỷ đồng nợ xấu.

 

Đến nay, trong số các ngân hàng bán nợ cho VAMC, SCB và Agribank là 2 đơn vị đứng đầu về khối lượng bán. Cụ thể, con số bán nợ của Agribank là 1.723 tỷ đồng, SCB là 1.739 tỷ đồng. Quyền Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn cho biết, nếu hồ sơ bán nợ mới mà ngân hàng này được duyệt, thì số nợ bán cho VAMC đạt khoảng 3.000 tỷ đồng.

 


Các NHTM có thêm nguồn lực hỗ trợ tái cơ cấu nhờ bán nợ cho VAMC.

 

Lý do thay đổi tâm lý từ e ngại đến tích cực bán nợ xấu cho VAMC được các ngân hàng đưa ra là việc bán nợ cho VAMC sẽ giúp bảng cân đối kế toán của họ lành mạnh hơn. Trên cơ sở đó, vừa giúp ngân hàng khơi thông dòng chảy tín dụng, lại có thêm nguồn lực tái cơ cấu. Đặc biệt, với những ngân hàng trong diện khó khăn thì đây là cơ hội làm lại “cuộc đời”.

 

Ông Văn chia sẻ, nhờ có VAMC chúng tôi tự tin hơn với kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng. “Nếu không có cơ chế này tôi không biết làm gì với khối lượng nợ xấu của ngân hàng nhiều như vậy. Bán nợ xấu cho VAMC, bảng cân đối tài sản sáng sủa hơn, ngân hàng sẽ khởi động lại nhiều chương trình hoạt động kinh doanh.

 

Lãnh đạo một ngân hàng khác phân tích: Nếu không bán nợ xấu, để các ngân hàng tự xử lý theo cơ chế của Quyết định 780/QĐ-NHNN ngày 23/4/2012 của NHNN về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ, sẽ mất nhiều thời gian với nhiều công đoạn. Và không thể có ngân hàng nào có được “quyền năng” để “bốc” nợ xấu ra khỏi bảng cân đối tài sản.

 

Là một ngân hàng bán nợ thành công cho VAMC, Phó Tổng giám đốc Maritime Bank Trần Xuân Quảng kỳ vọng: với những khoản cho vay đối với dự án của DN đang vướng mắc, khi chuyển qua VAMC và với cơ chế đặc thù của Công ty này, sẽ “thúc” các đơn vị liên quan hoàn thiện nhanh hơn về thủ tục để dự án có thể dễ dàng chuyển nhượng khi ngân hàng tìm đối tác.

 

“Quan trọng là nếu không tính toán một cách chính xác hoặc bán bớt nợ xấu thì đến tháng 6/2014 là thời điểm Thông tư 02/2013/TT-NHNN được chính thức áp dụng, con số nợ xấu của ngân hàng đó sẽ “phình to” lên. Vì thế, việc xử lý số nợ xấu này càng sớm sẽ giúp cho các ngân hàng vơi đi nỗi lo. Mặt khác, các DN có cơ hội được tiếp tục vay vốn và duy trì hoạt động. DN tồn tại thì ngân hàng mới trụ được”, một chuyên gia ngân hàng nhận định.

 

Người mua thận trọng chọn lựa

 

Theo vị chuyên gia trên, những khoản nợ khó thu hồi nhất là “món hàng” mà các NHTM muốn bán nhiều nhất. Nhưng trên thực tế, không phải món nợ nào VAMC cũng mua. Lãnh đạo các ngân hàng bán nợ cũng cho biết, VAMC khá “kỹ tính”.

 

Ông Văn cho hay, VAMC chọn lọc những khoản nợ có thế chấp tốt và chắc chắn mới duyệt mua. Đó cũng là lý do mặc dù đến thời điểm này có tới hơn 40.000 tỷ đồng nợ xấu sẵn sàng bán cho VAMC nhưng quan điểm của công ty này vẫn chỉ mua khoảng 30.000 – 35.000 tỷ đồng nợ xấu.

 

Thừa nhận điều này, ông Hùng cho biết, có ngân hàng nộp hồ sơ bán nợ 10.000 tỷ đồng nợ xấu, nhưng VAMC chỉ mua 1.000 tỷ đồng nợ xấu. Điều đó cho thấy, VAMC chọn lọc rất kỹ càng để hạn chế rủi ro phát sinh từ các khoản nợ chứ không đơn giản là “chuyển giao” nợ xấu. Có người cho rằng VAMC chỉ nắm đằng chuôi khi chọn món nợ xấu còn “ngon”, nhưng một số chuyên gia nhận định, đây là điều cần thiết.

 

Khi mua nợ, mặc dù quyền tài sản sẽ thuộc về VAMC nhưng trách nhiệm thu hồi nợ vẫn là của NHTM, trong khi các ngân hàng đã trút bỏ được tài sản “độc hại” và thay vào đó, họ nhận được TPĐB là tài sản tốt.

 

“Theo nguyên lý bảo toàn năng lượng, năng lượng không tự nhiên mất đi mà chỉ được chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác. Do vậy, một món nợ mua về nhưng con nợ sập tiệm thì ai là người phải gánh? Chắc chắn là VAMC, vì là tài sản của họ nên VAMC cũng chịu nhiều rủi ro” - một chuyên gia phân tích. Lãnh đạo VAMC cũng bày tỏ quan điểm, khi mua nợ, VAMC căn cứ vào những tiêu chí trong Nghị định 53 và Thông tư 19. Đối với những khoản nợ không đáp ứng yêu cầu theo quy định, TCTD phải tự xử lý.

 

Đến thời điểm này, bản thân các NHTM cũng nắm khá chắc tiêu chí và quy định nên họ chủ động hơn trong việc chọn món nợ xấu để bán cho VAMC. Theo lãnh đạo một NHTMCP, nếu cố tình nộp hồ sơ bán nợ không đủ tiêu chí mà VAMC đưa ra, khoản nợ đó chắc chắn bị gạt đi và ngân hàng lỡ cơ hội bán nợ xấu. Nợ xấu không bán được thì đồng nghĩa với việc hoạt động kinh doanh với đối tác của ngân hàng đó chưa thể khởi động lại. Thêm vào đó, vì ngày càng có nhiều hồ sơ bán nợ cho VAMC, nhất là vào thời điểm cuối năm, nên nhiều ngân hàng tranh thủ chọn khoản nợ xấu đảm bảo quy định với hy vọng thủ tục, đàm phán nhanh hơn, cơ hội bán nợ thành công cao hơn.

 

Lãnh đạo VAMC nhiều lần khẳng định, công ty không phải là “cây đũa thần” xử lý nợ xấu. Và bản thân các ngân hàng cũng thừa nhận việc bán nợ xấu cho VAMC chỉ là kỹ thuật giảm tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ để giúp ngân hàng trở lại hoạt động bình thường và giảm áp lực tài chính. Vì sau khi mua nợ, VAMC lại ủy quyền cho ngân hàng tiếp tục làm việc với người vay trong quá trình xử lý khoản nợ đó như tái cơ cấu, miễn, giảm lãi, bán tài sản… cuối cùng thu nợ cho ngân hàng. Song để thực hiện được điều này trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì không phải ngày một ngày hai thực hiện được.

 

Theo Hà Thành
TBNH

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *