Thời sự 23/03/2015 07:59

TS.Nguyễn Trí Hiếu: Gần 70 tấn vàng vào VN có nhiều mục đích

Chúng ta phải hiểu rằng việc nhập vàng vào Việt Nam không phải chỉ để tăng dự trữ tiền tệ mà còn có nhiều mục đích khác nữa.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu đã đưa ra góc nhìn của mình trước những thông tin trái chiều cho rằng Việt Nam không thể tiêu thụ hết gần 70 tấn vàng - con số mà Hội đồng vàng thế giới vừa công bố.

 

PV: Hội đồng Vàng thế giới (WGC) vừa công bố năm 2014 Việt Nam tiêu thụ hết 69,1 tấn vàng gồm vàng nữ trang và vàng đầu tư. Trong khi đó, giới chuyên môn chỉ đồng tình với con số 12,7 tấn vàng nữ trang, không có cơ sở chứng minh con số 56,4 tấn vàng đầu tư (trong năm 2014, NHNN cũng không tổ chức phiên đấu thầu vàng nào). Vậy phải lý giải về con số 56,4 tấn vàng đầu tư kia ra sao, phải chăng số liệu của WGC là sai? Trong trường hợp đó, tại sao lại có một sự nhầm lẫn lớn đến như vậy?

 

TS Nguyễn Trí Hiếu: - Tôi cho rằng con số của Hội đồng Vàng thế giới đưa ra là tương đối chính xác.

 

Sở dĩ tôi nói như vậy là vì họ có những nguồn thông tin từ các thành viên của Hội đồng và các nước cũng như các tổ chức quốc tế.

 

Dù rằng ở trong nước cũng có những thống kê nhưng nhiều khi không đầy đủ. Bởi vì nơi nhận đôi khi sẽ có những sai số. Ngược lại ở nơi nguồn thì thông tin sẽ đảm bảo hơn.

 

Nói như vậy tức là con số của Việt Nam đưa ra là thống kê của nơi nhận. Trong khi hệ thống của chúng ta không đầy đủ để đón nhận tất cả các thông tin. Cho nên rất khó để khẳng định con số của chúng ta là chắc chắn đúng.

 

Vấn đề bán vàng ở Việt Nam chỉ có một đơn vị duy nhất có thể nhập khẩu vàng đó là Ngân hàng Nhà nước. Con số mà NHNN nhập vào chắc chắn là chính xác nhưng thực tế nhập khẩu vàng vào Việt Nam lại qua rất nhiều ngõ ngách khác nhau. Trong đó có cả buôn lậu.

 

Chính vì vậy thông tin từ nguồn họ có thể biết được số vàng chuyển vào Việt Nam con số sẽ chính xác hơn.

 

Do vậy tôi vẫn có nhiều niềm tin vào con số mà Hội đồng Vàng thế giới đưa ra.

 

Vàng vào Việt Nam có nhiều ngõ ngách và sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau
Vàng vào Việt Nam có nhiều ngõ ngách và sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau

 

PV: - Vậy có nghĩa trong trường hợp này thông tin của WGC có giá trị tham khảo thì phải lý giải thế nào về con số trên: nhập vàng về để dự trữ hay dành cho những mục đích đặc biệt? Theo ông, cần cân nhắc thế nào về khả năng có hiện tượng nhập lậu vàng với số lượng lớn?

 

TS Nguyễn Trí Hiếu: - Chúng ta phải hiểu rằng việc nhập vàng vào Việt Nam không phải chỉ để tăng dự trữ tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước nhập vàng vào như những năm trước là để phục vụ các phiên đấu thầu. Khi không đấu thầu thì bán ra thị trường.

 

Như vậy tức là vàng vào Việt Nam còn phục vụ nhiều mục đích khác nữa.

Còn việc làm thế nào để ngăn chặn việc nhập lậu vàng thì thực sự rất khó loại trừ. Việc nhập lậu vàng kiểm soát rất khó khăn. Ngay như biên giới Trung Quốc không chỉ đơn giản có hàng hóa, sản phẩm tiêu dùng nhập lậu mà còn có cả vàng.

 

Trong khi đó lực lượng biên phòng, công an của chúng ta cũng không đủ để rải khắp các địa bàn, cửa khẩu vùng biên giới. Thành ra việc nhập lậu vàng vẫn rất khó kiểm soát.

 

Dĩ nhiên chúng ta vẫn phải sử dụng các biện pháp hành chính hiện tại như lực lượng an ninh, biên phòng trải ra để kiểm soát các hành vi buôn lậu. Hai nữa là chế độ xử phạt ra tòa những tay đầu cơ, buôn lậu, phạm pháp.

Hiện tại NHNN cũng là cơ quan duy nhất đứng ra nhập khẩu vàng thành ra tất cả các biện pháp phải duy trì cho nên phải tăng cường các hoạt động kiểm soát.

 

PV: - Ngân hàng Nhà nước báo cáo, năm 2014, NHNN quản lý hiệu quả thị trường vàng. Những thông tin nói trên có làm dấy lên nghi ngờ về khẳng định trên hay không và vì sao? Trong trường hợp này, Ngân hàng Nhà nước nên làm như thế nào để thể hiện sự minh bạch thông tin?

 

TS Nguyễn Trí Hiếu: - Trước hết phải nói là thị trường vàng ổ định trong 2 năm vừa qua.

 

Năm 2013 NHNN can thiệp vào thị trường vàng qua việc đấu thầu. Qua năm 2014 mặc dù không đấu thầu vàng nhưng không có cơn sốt nào trên thị trường.

 

Tuy nhiên mức chênh lệch vàng trong nước với thế giới vẫn còn lớn (có những lúc lên đến 5 triệu đồng/lượng). Điều này có nghĩa thị trường vàng trong nước và thế giới chưa liên thông với nhau thành ra cung – cầu trong nước và thế giới là khác nhau.

 

Việc chênh lệch cao như thế cho thấy rõ ràng nhu cầu vàng trong nước vẫn còn rất cao. Nếu không thì nó phải xoay quanh thị trường vàng thế giới.

Nhu cầu thị trường ổn định và sự chênh lệch cao như vậy tôi cho rằng NHNN vẫn phải trở lại bài toán tạo sự liên thông giữa thị trường vàng trong nước và thế giới.

 

Có nghĩa là thay vì chỉ có NHNN thì có thể cho phép một số nhà kinh doanh vàng nhập vàng tùy theo khả năng tài chính của họ. Hai nữa là dần dần phải thành lập một sàn vàng quốc gia.

 

PV: Ông đánh giá như thế nào về thị trường vàng 2015? Hoạt động đấu thầu vàng năm 2013 mang lại lợi nhuận hơn 7000 tỷ đồng, theo ông, liệu trong năm nay sẽ có những phiên đấu thầu hay không và vì sao?

 

TS Nguyễn Trí Hiếu: - Tôi nghĩ là năm 2015 sẽ không có những đợt sóng lớn vì giá vàng thế giới hiện vẫn tiếp tục giảm. Do đó sự ổn định trên thị trường sẽ tiếp tục trong năm 2015.

 

Cho đến thời điểm này tôi chưa nhìn thấy sự cần thiết khiến NHNN phải tổ chức đầu thầu vàng.

 

Nếu không đấu thầu thì dĩ nhiên không có mức lợi nhuận như trước kia. Nhưng không phải vì như thế mà NHNN trở lại thị trường vàng mà nên để cho cung cầu tự điều chỉnh.

 

Tuy nhiên tôi muốn nhắc lại về lâu dài Việt Nam phải có sàn vàng để điều chỉnh cung cầu.

 

Xin trân trọng cảm ơn ông đã nêu ý kiến chia sẻ,

 

Theo Bích Ngọc

Đất Việt

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *