Thời sự 26/05/2015 12:30

TS. Vũ Viết Ngoạn: “Tỷ giá điều chỉnh hay không, phụ thuộc ý chí nhà điều hành”

FICA - Theo phán đoán của TS. Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, "tỷ giá USD/VND có điều chỉnh nữa hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của nhà điều hành chính sách". Còn trên thị trường, giá USD vẫn duy trì sát mức trần cho phép.

Bên lề hành lang Quốc hội sáng nay 26/5, TS. Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đã có trao đổi ngắn với báo chí quanh việc tỷ giá USD/VND tăng sát trần biên độ và có hay không một đợt điều chỉnh mới…

 

Ông có bình luận gì về hiện tượng tỷ giá USD/VND lại tiếp tục tăng sát trần, trong khi Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh biên độ thêm 1% vào ngày 7/5 vừa qua?

 

Chính sách tỷ giá trong thời gian qua ưu tiên sự củng cố và làm tăng niềm tin của người dân đối với đồng tiền Việt Nam. Yêu cầu đó đặt ra hết sức đúng đắn và đúng thời điểm, vào năm 2011 khi chúng ta gặp phải một loạt biến cố như lạm phát cao, nhập siêu quá lớn làm cho lòng tin của dân chúng với tiền đồng bị ảnh hưởng và tình trạng đầu cơ ngoại tệ, vàng phổ biến.

 

Cho đến nay chúng ta thực hiện tốt. Tuy nhiên, như chúng ra biết rằng, nhập siêu của Việt Nam đã bắt đầu quay trở lại sau nhiều năm xuất siêu. Kinh tế đã bắt đầu phục hồi nên doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị.

 

Bên cạnh đó, giá cả quốc tế liên tục trong mấy năm qua giảm và ở mức thấp. Năm qua, theo chỉ số của Economic, chỉ số giá lương thực giảm tới 23% làm cho hàng nông sản của chúng ta gặp hết sức khó khăn. Nhập khẩu tăng lên nhưng xuất khẩu gặp khó khăn. Cho nên, điều đó cũng tác động ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế.

 

Bên cạnh những yếu tố trên, phản ứng của thị trường ngoại hối còn có tác động từ yếu tố tâm lý. Điều đó cũng dễ hiểu thôi.

 

Chúng ta cần hiểu rằng, thời điểm hiện nay nhà điều hành chính sách đang nghiên cứu rất kỹ kinh tế học hành vi. Hành vi của thị trường phản ứng theo cách thức nào, suy nghĩ của thị trường nào tác động tới cung cầu ngoại tệ.

 

Từ chỗ yếu tố tâm lý không thuần thiết dừng lại ở tâm lý mà thể hiện bằng hành động cụ thể của các chủ thể trên thị trường đã tác động tới quan hệ cung cầu.

 

Yếu tố này cũng tác động tới cả hành vi găm giữ ngoại tệ của các tổ chức từ tổ chức tín dụng, ngân hàng, người xuất khẩu, nhập khẩu. Hiện các tổ chức tín dụng, người xuất khẩu, nhập khẩu đều có dự trữ ngoại tệ. Các tổ chức tín dụng theo luật định hiện nay trạng thái ngoại tệ của họ cộng trừ 20% so với vốn điều lệ. Cho nên có lúc họ bán trước, có lúc họ mua trước bán sau, đó là hoạt động kinh doanh bình thường.

 

Theo ông, những yếu tố hiện này có tạo nên áp lực phải điều chỉnh tỷ giá trong những tháng cuối năm không?

 

Thực tế, theo báo cáo đánh giá cho thấy, cân đối ngoại tệ chung của chúng ta năm nay vẫn ở trạng thái thặng dư. Đấy là yếu tố hết sức quan trọng.

Bên cạnh đó, các chủ thể trên thị trường cũng cần phải đánh giá để tránh chuyện có những hành vi trên thị trường, ứng xử đi lệch với các yếu tố căn bản. Tôi nghĩ cần phải có thông tin đẩy đủ, phân tích một cách kỹ lưỡng sâu sắc cái trước mắt và lâu dài.

 

Chính sách của chúng ta cũng nhìn nhận theo hướng đó để điều chỉnh cho thích hợp như xuất khẩu, nhập khẩu, cán cân thanh toán nói chung và cung cầu ngoại tệ trên thị trường nói riêng và phải kết hợp đầy đủ đối với các thông tin chính sách cho nó tốt.

 

Tôi tin rằng nếu ta làm tốt vấn đề đó sẽ hạn chế bớt những mặt trái không cần thiết.

 

Bên cạnh đó, yếu tố cơ bản nền tảng cũng đã có sự thay đổi so với trước đây nhưng chưa tạo ra những biến cố lớn. Theo dự báo cán cân thanh toán vẫn thặng dư.  Tuy nhiên, nguồn ngoại tệ chảy vào trong nước rồi có thể chuyển vào hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước hay không còn phụ thuộc vào hành vi ứng xử của thị trường.

 

Cho nên, Ngân hàng Nhà nước cần phải có chính sách điều hành và đưa thông tin như thế nào đó để hành vi ứng xử của thị trường không đi lệch với những yếu tố cơ bản. Đó là điều quan trọng.

 

Liệu việc Chính phủ yêu cầu vay dự trữ ngoại hối có tác động tới biến động tỷ giá hiện nay?

 

Về mặt nào đó, không ít người trên thị trường cũng có suy nghĩ này. Thế nhưng tôi nghĩ, đây mới chỉ là đề xuất vì điều đó chưa được hiện thực hóa, mới chỉ là chủ trương định hướng.

 

Nếu đề xuất này được hiện thực hóa trong tháng tới đây thì sẽ tác động tới tỷ giá thế nào, thưa ông?

 

Khó có thể nói, nhưng hiện Chính phủ mới đang dự tính điều đó. Chính phủ vay bao nhiêu, thời hạn thế nào chưa được đề cập tới, tính toán thời điểm nào cũng chưa được nói rõ. Đây mới chỉ ở giai đoạn chủ trương thôi.

Giả định Chính phủ vay ngắn hạn như trong vài ba tháng hoặc dưới 1 năm, số tiền cũng không lớn lắm thì về cơ bản nó không tác động tới quan hệ cung cầu ngoại tệ. Chỉ có suy nghĩ con người thay đổi thôi.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Khảo sát bảng giá USD tại một số ngân hang phiên sáng nay, giá USD tuy có giảm nhẹ nhưng vẫn bám sát trần. Trong đó, Vietcombank, BIDV niêm yết tỷ giá ở mức 21.795 VND (mua vào) - 21.855 VND/USD (bán ra), giảm 10 đồng so với hôm qua. Eximbank, ACB giữ nguyên tỷ giá ở 21.780 - 21.860 VND/USD.

Tại Agribank, giá USD lên 21.780 VND - 21.865 VND/USD…

Với các mức giá trên, giá USD bán ra cao nhất tại ngân hàng thương mại hiện chỉ cách trần tỷ giá (21.890 VND/USD) 20 - 30 VND.

 

 Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *