Thời sự 22/06/2019 11:04

Tranh cãi đề xuất tăng thuế xuất khẩu dăm gỗ từ 2% lên 5%

Hiện Chính phủ đăng cân nhắc khả năng tăng thuế suất khẩu dăm gỗ ở mức 2% hiện tại lên 5%. Nếu thuế xuất khẩu dăm tăng lên 5%, mỗi năm ngân sách từ nguồn thu này lên gần 900 tỷ đồng. Tuy nhiên vẫn còn quan điểm trái chiều tranh cãi đề xuất tăng thuế xuất khẩu dăm gỗ từ 2% lên 5%.

Tổ chức Forest Trends, Hiệp Hội Gỗ Lâm Sản Việt Nam, Hiệp Hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh và Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương vừa công bố báo cáo nghiên cứu Việt Nam xuất khẩu dăm gỗ: Thực trạng và thay đổi về chính sách được thực hiện bởi 

 

Theo ông Tô Xuân Phúc (Tổ chức Forest Trends) - đại diện nhóm nghiên cứu,dăm gỗ là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam.

Năm 2018 tổng lượng dăm gỗ xuất khẩu của Việt Nam đã vượt 10,3 triệu tấn khô, tương đương gần 20 m3 gỗ nguyên liệu quy tròn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này trong cùng năm đã đạt hơn 1,34 tỉ USD, chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Hiện Chính phủ đăng cân nhắc khả năng tăng thuế suất khẩu dăm gỗ ở mức 2% hiện tại lên 5%. Lộ trình tăng thuế xuất khẩu dăm đã được Chính phủ vạch ra từ trước đó, hướng tới mục tiêu hạn chế xuất khẩu gỗ nguyên liệu thô (dăm gỗ, ván bóc), nhằm tạo nguồn nguyên liệu gỗ lớn, làm nguyên liệu cho ngành chế biến đồ gỗ nội thất, có giá trị gia tăng cao hơn ngành dăm, của Việt Nam. Nếu thuế xuất khẩu dăm tăng lên 5%, mỗi năm ngân sách từ nguồn thu này lên gần 900 tỉ đồng. 

Tranh cãi đề xuất tăng thuế xuất khẩu dăm gỗ từ 2% lên 5%

Theo báo cáo trên, những động thái rục rịch tăng thuế xuất khẩu dăm đã tác động trực tiếp lên xuất khẩu, với lượng dăm xuất khẩu những tháng đầu năm 2019 tăng đột biến. Trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 4 triệu tấn dăm, tương đương với 0,56 tỷ USD về kim ngạch. Lượng xuất tăng nhanh cho thấy động thái "né thuế xuất khẩu" của doanh nghiệp, trước khi mức thuế mới được áp dụng. 

Chưa kể, hiện vẫn còn các quan điểm trái chiều về vai trò của thuế xuất khẩu dăm trong việc tạo dịch chuyển trong nguyên liệu và trong sản xuất. 

Do vậy, ông Phúc cho rằng Chính phủ có thể áp dụng thuế xuất khẩu dăm, giống như một số quốc gia phát triển vẫn đang áp dụng thuế xuất khẩu với một số mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên trước khi ra bất kỳ một mức thuế nào, hoặc trước khi tăng thuế lên một mức mới, một số câu hỏi quan trọng cần trả lời: Mức thuế bao nhiêu là phù hợp để đảm bảo các mục tiêu Chính phủ đề ra khi áp dụng/tăng thuế có thể đạt được? Nguồn thu ngân sách từ thuế được sử dụng như thế nào để phục vụ mục tiêu mà chính phủ đề ra khi áp dụng /tăng thuế?

Hơn nữa đến nay, vẫn chưa có bất cứ đánh giá nào về vai trò của thuế xuất khẩu dăm đối với việc chuyển dịch nguồn nguyên liệu và dịch chuyển trong sản xuất và xuất khẩu. Điều này có nghĩa rằng trước khi thay đổi mức thuế hiện nay, Chính phủ cần có những đánh giá khách quan về hiệu quả và tác động của thuế về các dịch chuyển trong các khâu theo kỳ vọng. Đánh giá cũng cần quan tâm đến khía cạnh tác động của thuế đối với sinh kế của các hộ trồng rừng.

Chính phủ cần đưa ra các cơ chế đảm bảo việc áp dụng, tăng hoặc giảm thuế xuất khẩu không tạo ra bất cứ tác động tiêu cực tới nguồn thu của các hộ trồng rừng. Nguồn thu của hộ trên một đơn vị sản phẩm sau khi áp thuế ít nhất phải bằng với nguồn thu của hộ trên cùng đơn vị sản phẩm trước áp thuế. 

"Không đạt được mục tiêu cốt lõi này sẽ làm giảm giá trị của chính sách thuế, hoặc thậm chí thuế có thể trở thành công cụ để chuyển một phần nguồn thu ít ỏi của hộ trồng rừng, bao gồm nhiều hộ nghèo, thành nguồn thu cho ngân sách. Điều này đi ngược lại với những kỳ vọng xóa đói giảm nghèo của chính phủ", ông Phúc cho biết. 

Bên cạnh đó, nguồn thu của Chính phủ từ thuế xuất khẩu dăm cần sử dụng một cách hợp lý, đảm bảo thực hiện mục tiêu của chính sách. Nguồn thu này có thể được sử dụng làm quỹ đầu tư nhằm khuyến khích các hộ đầu tư trồng rừng gỗ lớn. Nguồn thu này cũng có thể được sử dụng làm quỹ bảo hiểm rừng trồng, nhằm giảm rủi ro cho các hộ dân. Một phần của nguồn thu cũng nên sử dụng để đầu tư vào khâu chọn tạo giống, nhằm đảm bảo các giống rừng trồng (keo) cung ra thị trường có chất lượng tốt.

An Linh

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *