Thời sự 11/03/2014 07:14

Tội phạm ngân hàng nhìn từ vụ lừa đảo ngàn tỉ ở VDB Đăk – Nông

Bằng những bộ hồ sơ giả và sự tiếp tay của một số cán bộ tín dụng, các đối tượng đã vay ngân hàng cả ngàn tỉ đồng rồi chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông, Ngân hàng TMCP Phương Đông và Ngân hàng TMCP Nam Á Chi nhánh Hà Nội.

Trụ sở của VDB Đắk Lắk - Đắk Nông.

Trong vụ án này, các bị cáo thuộc nhóm doanh nghiệp gồm có Cao Bạch Mai - Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Minh Nhật, Trần Thị Xuân - Giám đốc Công ty TNHH thương mại Nhật Tân, Đặng Thị Ngân - Giám đốc Công ty TNHH Thủy Ngân, Nguyễn Thị Vân - Chủ nhiệm HTX Sông Cầu, Nguyễn Thị Kim Loan - Giám đốc Công ty Phát Long và Nguyễn Văn Khánh (“cò” tín dụng).

Các bị cáo làm việc tại các ngân hàng bao gồm: Vũ Việt Hùng (nguyên Giám đốc), Trần Xuân Lộc (nguyên trưởng phòng tín dụng - xuất khẩu), Nguyễn Thị Hồng Liên (nguyên cán bộ tín dụng) của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Đắk Lắk - Đắk Nông (VDB Đắk Lắk - Đắk Nông); Lâm Hữu Hạnh (nguyên giám đốc), Võ Tiến Đạt (nguyên giám đốc), Tạ Thị Xuân Ý (nguyên cán bộ tín dụng) của Ngân hàng TMCP Phương Đông và Trương Đình Hải (nguyên Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á Chi nhánh Hà Nội).

PetroTimes xin đăng tải loạt bài “Tội phạm ngân hàng nhìn từ vụ lừa đảo ngàn tỉ ở Đăk – Nông” đề cập tới những phương thức, thủ đoạn phạm tội của các bị cáo trong vụ án, qua đó phần nào giúp độc giả có cái nhìn cụ thể về loại hình tội phạm này.

Lập hồ sơ, giấy tờ giả, vay vốn ngàn tỉ

Theo tài liệu điều tra của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) – Công an tỉnh ĐăK Nông, năm 2008, khi biết Nhà nước có chính sách cho vay vốn tín dụng xuất khẩu với lãi suất thấp, tài sản đảm bảo chỉ bằng 15% vốn vay theo từng hợp đồng. Thủ tục vay vốn đơn giản, chỉ cần hồ sơ pháp lý của công ty, hợp đồng kinh tế xuất khẩu các mặt hàng trong danh mục được vay vốn tín dụng xuất khẩu với các công ty của nước ngoài... Cao Bạch Mai – Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Minh Nhật thông qua Nguyễn Thị Loan – Giám đốc Công ty TNHH tương mại dịch vụ xuất, nhập khẩu Phát Long đưa tiền cho cháu của Loan là Từ Đại Hùng để Hùng thành lập Công ty TNHH thương mại Quan Heng (Nam Ninh – Trung Quốc).

Sau khi thành lập công ty, theo yêu cầu của Mai, Hùng đã nhiều lần ký khống chỉ và đóng dấu của công ty vào giấy A4 để Mai mang về lập hợp đồng xuất khẩu để làm hợp đồng giả nộp hồ sơ vay vốn ở VDB Đăk Lăk - Đăk Nông. Ngoài ra, Mai còn mang những tờ A4 đã được Hùng ký khống và đóng dấu bán lại cho Trần Thị Xuân – Giám đốc Công ty TNHH thương mại Nhật Tân với giá 20 triệu đồng/1 tờ để Xuân thực hiện hành vi tương tự.

Có công ty trong tay, dễ dàng lập hồ sơ vay vốn ngân hàng, trong 2 năm 2008 – 2009, Cao Bạch Mai đã sử dụng 71 hợp đồng xuất khẩu với các công ty nước ngoài (trong đó có 64 hợp đồng là giả để vay 940 tỉ đồng) để ký 70 hợp đồng tín dụng vay số tiền 1.005 tỉ đồng .

Cũng với cách làm tương tự, Trần Thị Xuân đã sử dụng 65 hợp đồng xuất khẩu giả với các công ty nước ngoài để ký 64 hợp đồng tín dụng vay số tiền lên tới 938,5 tỉ đồng. Số tiền này sau đó đã bị chiếm đoạt 232 tỉ đồng.

Đáng chú ý, trong quá trình thực hiện các hợp đồng tín dụng ký với VDB Đăk Lăk - Đăk – Nông, những đối tượng này còn lập khống, làm giả một loạt các giấy tờ như bảng kê thu mua và phiếu chi tiền mặt để xin giải ngân tạm ứng thu mua nguyên liệu của người dân; làm giả hoá đơn giá trị gia tăng, tờ khai hải quan để thể hiện việc xuất khẩu... để rút tiền từ ngân hàng cũng như thực hiện các thủ tục cần thiết theo yêu cầu của ngân hàng.

Đặc biệt, trong vụ án này, để được giải ngân vốn vay khi chưa có tài sản đảm bảo, các bị can đã thông đồng với lãnh đạo VDB Đăk Lăk - Đăk Nông cho giải ngân trước vào tài khoản của doanh nghiệp tại một ngân hàng thương mại. Sau đó, các bị can đến rút tiền vừa được giải ngân mang nộp ngay vào tài khoản của các bị can đã mở tại VDB Đăk Lăk - Đăk Nông theo hợp đồng cầm cố đã ký sẵn tương ứng với số tiền thế chấp bằng 15%. Do việc rút tiền sau giải ngân và nộp tiền vào tài khoản làm tài sản thế chấp được thực hiện trong cùng một ngày, trên giấy nộp tiền lại không ghi cụ thể thời gian nên hành vi này đã không bị cơ quan chức năng phát hiện.

Với cách làm như trên, Cao Bạch Mai đã chiếm đoạt 198 tỉ đồng và Trần Thị Xuân chiếm đoạt 232 tỉ đồng của VDB Đăk Lăk - Đăk Nông.

Ngân hàng tiếp tay doanh nghiệp lừa đảo ngân hàng

Cây xăng của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Minh Nhật.

Trong quá trình thực hiện các hợp đồng tín dụng xuất khẩu phát sinh nợ quá hạn, Cao Bạch Mai và Trần Thị Xuân đã thông đồng với Vũ Việt Hùng – nguyên Giám đốc VDB Đăk Lăk - Đăk Nông làm giả hạn mức tín dụng... để vay tiền từ Ngân hàng TMCP Phương Đông. Số tiền này sau đó được chuyển về VDB Đăk Lăk - Đăk – Nông.

Theo tài liệu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh ĐăK Nông thì, tháng 4/2010, Công ty TNHH thương mại dịch vụ Minh Nhật và Công ty TNHH thương mại Nhật Tân không có khả năng trả nợ vốn vay tín dụng xuất khẩu đối với các hợp đồng tín dụng đến hạn tại VDB Đăk Lăk - Đăk Nông nên phát sinh nợ quá hạn. Để tránh cho cho các công ty này không có nợ quá hạn và cũng để tránh bị phát hiện, xử lý, VDB Đăk Lăk - Đăk Nông vẫn tiếp tục cho các công ty này đáo nợ. Tuy nhiên, đến tháng 7/2010, khi biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Công tỉnh Đăk Nông đang xác minh, giải quyết nên VDB Đăk Lăk - Đăk Nông không cho vay nữa. Vũ Việt Hùng đã yêu cầu những doanh nghiệp này tìm nguồn vốn để trả nợ, đồng thời hứa sẽ tiếp tục làm hợp đồng tín dụng cho các doanh nghiệp này.

Trước thực tế trên, thông qua một số đối tượng môi giới tín dụng, Mai và Xuân đã cùng Nguyễn Thị Vân - Chủ nhiệm Hợp tác xã Sông Cầu, Đặng Thị Ngân – Giám đốc Công ty TNHH Thuỷ Ngân (Đăk Nông) liên hệ với Ngân hàng TMCP Phương Đông ở TP Hồ Chí Minh để vay vốn. Để thực hiện được điều này, các đối tượng đã thông đồng với cán bộ VDB Đăk Lăk - Đăk Nông ký hợp đồng tiền gửi với số tiền bằng đúng số tiền muốn vay, tuy nhiên, tại thời điểm ký hợp đồng tiền gửi, các bị can hoàn toàn không có tiền.

Các bị can đã sử dụng những hợp đồng tiền gửi chưa có hiệu lực (vì tài khoản không có tiền) này đến liên hệ với Ngân hàng TMCP Phương Đông để vay vốn với mục đích chứng minh năng lực tài chính với VDB Đăk Lăk - Đăk Nông. Số tiền này sau khi được giải ngân sẽ được chuyển vào tài khoản của hợp đồng tiền gửi để hợp đồng tiền gửi có hiệu lực. Điều kiện giải ngân là VDB Đăk Lăk - Đăk Nông phải phong toả các tài khoản này, các đơn vị không sử dụng mà khi hết hạn vay sẽ chuyển trả số tiền trong hợp đồng tiền gửi về lại Ngân hàng TMCP Phương Đông.

Đặc biệt, để tạo niềm tin với các đối tượng môi giới và cán bộ nhân viên Ngân hàng TMCP Phương Đông, các bị can đã thông đồng với Vũ Việt Hùng làm giả cho những doanh nghiệp này các thông báo hạn mức cho vay vốn tín dụng xuất khẩu. Trước khi hợp đồng tiền gửi của các doanh nghiệp này có hiệu lực, Hùng đã ký giấy xác nhận với Ngân hàng TMCP Phương Đông là các đối tượng này có hợp đồng tiền gửi tại VDB Đăk Lăk - Đăk Nông và cam kết chuyển toàn bộ số tiền mà ngân hàng này cho các đối tượng vay.

Với thủ đoạn như trên, Ngân hàng TMCP Phương Đông đã giải ngân cho các đơn vị này vay 530 tỉ đồng. Trong đó, Công ty TNHH thương mại Nhật Tân vay 150 tỉ đồng; Hợp tác xã Sông Cầu vay 50 tỉ đồng; Công ty TNHH thương mại dịch vụ Minh Nhật vay 100 tỉ đồng; Công ty Phát Long vay 200 tỉ đồng và Công ty Thuỷ Ngân vay 30 tỉ đồng.

Số tiền này sau khi được chuyển về tài khoản của các đơn vị mở tại VDB Đăk Lăk - Đăk Nông, Hùng đã chỉ đạo nhân viên làm các thủ tục thu hồi nợ vay tín dụng xuất khẩu của các đơn vị và chuyển 480 tỉ đồng về Hội sở chính. Riêng Hợp tác xã Sông Cầu thì chuyển 50 tỉ về Ngân hàng TMCP Nam Á, Chi nhánh Hà Nội.

Hiện toàn bộ số tiền tiền này đã bị các bị cáo chiếm đoạt.

Theo Thanh Ngọc

Petrotimes

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *