Thời sự 25/05/2014 15:23

Tiền vẫn chảy mạnh vào ngân hàng, dù lãi suất giảm

Số liệu vừa được Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho thấy, huy động vốn toàn ngành tiếp tục tăng so với đầu năm. Cụ thể, tính đến ngày 22/4, huy động vốn của toàn hệ thống tăng 3,09% so với đầu năm, trong đó huy động vốn bằng VND tăng 4,26%, huy động vốn bằng ngoại tệ giảm 3,98%. Huy động vốn bằng VND tăng chủ yếu ở khu vực dân cư (tăng 7,48%), cho thấy gửi tiền vào hệ thống ngân hàng vẫn là kênh được nhiều người lựa chọn.

Việc huy động vốn VND tăng cao, trong khi huy động vốn bằng ngoại tệ giảm được xem phù hợp với chủ trương chuyển từ quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ và cho thấy niềm tin của người dân vào hệ thống tổ chức tín dụng tăng lên.

Thanh khoản các tổ chức tín dụng được đảm bảo và dư thừa so với yêu cầu dự trữ bắt buộc cũng như nhu cầu thanh toán. Theo Vụ Chính sách tiền tệ, trong 4 tháng đầu năm, vốn khả dụng bằng VND của các tổ chức tín dụng tương đối ổn định và dư thừa so với yêu cầu dự trữ bắt buộc cũng như nhu cầu thanh toán. Vì thế, nhu cầu vay vốn của các ngân hàng thương mại qua nghiệp vụ thị trường mở và tái cấp vốn từ NHNN không nhiều.

Ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc NamA Bank cho biết, huy động vốn của Ngân hàng tăng trên 10% trong hơn 4 tháng qua.

Tương tự, Sacombank, OCB, VietA Bank cũng đạt mức tăng trưởng huy động vốn trên 10%. Theo lãnh đạo các ngân hàng thương mại, mặc dù trần lãi suất tiết kiệm vừa được điều chỉnh xuống 6% đối với kỳ hạn tiền gửi từ 5 tháng trở xuống, song nguồn tiết kiệm vào ngân hàng vẫn khá dồi dào. Nguyên nhân là chứng khoán, bất động sản phục hồi chậm, trong khi vàng, ngoại tệ không có “sóng” lớn, nên gửi tiết kiệm được nhiều người dân lựa chọn.

Lãi suất tiết kiệm giảm đã giúp các ngân hàng có điều kiện giảm chi phí. Vì vậy, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên chỉ phổ biến ở mức 7 - 8%/năm; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác là 9 - 10,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn; 11 - 12,5%/năm đối với trung và dài hạn.

Hiện lãi suất huy động của tổ chức tín dụng phổ biến ở mức 0,8 - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng; 5,5 - 6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 6 - 7,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng là 7,5 - 8,3%/năm. Vốn huy động dài ngày tăng dần khi xu hướng người dân chọn gửi tiết kiệm dài ngày nhiều hơn, cho dù lãi suất huy động giảm dần.

Thế nhưng, trước tình hình khó khăn hiện nay, đầu ra của dòng tín dụng vẫn rất hạn chế. Thực tế, các ngân hàng thương mại đã rầm rộ đưa ra các gói vốn để cho vay, với lãi suất được cho là ưu đãi, song tín dụng vẫn khó tăng.

Kết thúc quý I, tín dụng của nhiều ngân hàng vẫn rất khó tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng âm. Tại ACB, huy động vốn tăng trưởng trên 4%, nhưng tín dụng tăng chưa tới 1%. Tương tự, tín dụng tại DongA Bank trong 4 tháng đầu năm chỉ tăng gần 1%. Còn tại các ngân hàng thương mại quy mô nhỏ, như PGBank, Southern Bank…, tín dụng vẫn chưa thoát âm.

Theo Vân Linh
baodautu.vn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *