Thời sự 08/08/2021 16:46

Thủ tướng trực tiếp nghe loạt vấn đề "nóng", sức ép 4 ổ khóa chống dịch

Không qua kênh văn bản chuyển tiếp nhiều cấp như thường lệ, các vấn đề "nóng", căng thẳng logistics tại cảng Cát Lái đã được doanh nghiệp báo cáo trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Chủ trì Hội nghị Chính phủ với doanh nghiệp, địa phương hôm nay (8/8), Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tập trung vào 8 từ "đánh giá - giải pháp - thiết thực - hiệu quả", để lắng nghe và tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Lý giải sức ép 4 "ổ khóa"

Ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp Hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), đại diện cho các Hiệp hội phát biểu: Cuộc khủng hoảng từ đại dịch Covid-19 khiến chuỗi vận chuyển và cung ứng bị gián đoạn và đứt gãy. Thậm chí, các quy định chống dịch được thực hiện thiếu đồng loạt tại các địa phương đang gây khó cho các doanh nghiệp ngành logistics. 

Để duy trì chuỗi vận tải, logistics cho hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp ngành logistics đang phải chịu sức ép của 4 ổ khóa phòng dịch. Cụ thể: Ổ khóa thứ nhất là lái xe phải có xét nghiệm; thứ hai là ổ khóa xe vận chuyển phải có mã QR Code nhận diện luồng xanh; ổ khóa thứ ba là hàng hóa phải thuộc diện thiết yếu theo quy định của Bộ Công Thương và ổ khóa thứ tư là các chốt phòng dịch của địa phương.

Thủ tướng trực tiếp nghe loạt vấn đề nóng, sức ép 4 ổ khóa chống dịch - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sáng 8/8 (Ảnh: Đoàn Bắc).

Đặc biệt, căng thẳng về "điểm nóng" hàng hóa cảng Cát Lái, TPHCM những ngày qua được báo cáo trực tiếp lên Thủ tướng.

Theo ông Đào Trọng Khoa, báo cáo về tình trạng ùn tắc, quá tải của cảng Cát Lái do Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn điều hành, quản lý, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất nhập khẩu, tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, logistics, VLA ủng hộ các biện pháp mà Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã đưa ra và đề nghị Chính phủ có chính sách phù hợp để cho phép giải phóng hàng nghìn container hàng "vô chủ" đang bỏ lại tại cảng Cát Lái và một số cảng chính hiện nay đã quá hạn trên 60 ngày.

Vì vậy, giải pháp cần thiết là điều tiết các hãng tàu container về khu vực cảng đã được đầu tư xây dựng và phù hợp với  quy hoạch  vẫn đang còn dư công suất tại khu vực quận 7, Hiệp Phước, Tân Thuận, Bến Nghé, SP-PSA tại Cái Mép - Thị Vải...

Qua sự việc xảy ra với cảng Cát Lái trong thời gian qua cũng như đã xảy ra vào đầu năm 2019, đại diện VLA cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước cần phát huy vai trò điều tiết  giữa các khu vực cảng biển để đảm bảo hàng hóa được lưu thông thuận lợi trong bối cảnh năng lực, công suất của các cảng trong khu vực TPHCM và lân cận còn chưa khai thác hết.

VLA cũng đề xuất thay đổi quy trình thủ tục giám sát hải quan theo hướng thuận lợi hóa thương mại, cho phép các doanh nghiệp khai báo hải quan chung theo tỉnh, thành phố hoặc khu vực lớn hơn và đưa hàng về các địa điểm thông quan trong khu vực dưới sự giám sát của hải quan như thông lệ của các nước Tây Âu - Bắc Mỹ sẽ làm giảm ùn tắc và quá tải cảng cửa ngõ...

Thủ tướng trực tiếp nghe loạt vấn đề nóng, sức ép 4 ổ khóa chống dịch - 2

Thủ tướng trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp, hiệp hội dự họp tại trụ sở Chính phủ (Ảnh: Đoàn Bắc).

Cùng đó, VLA đề xuất Chính phủ  6 giải pháp khắc phục khó khăn, khôi phục chuỗi cung ứng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay. Trong đó, đề nghị Chính phủ chấp thuận đề xuất tại công văn số 4482/BCT-TTTN của Bộ Công thương về việc ban hành Danh mục hàng hóa "cấm lưu thông" thay vì liệt kê danh mục "hàng hóa thiết yếu" được phép lưu thông.

Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu lực và hiệu quả, VLA đề nghị lãnh đạo Chính phủ hoặc Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ký ban hành nhằm được tuân thủ, áp dụng thống nhất trong cả nước qua đó tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp khi triển khai thực hiện. 

Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung thủy sản

Tại Hội nghị, các hiệp hội ngành hàng như dệt may, thủy sản... cho biết sự ùn tắc của hoạt động vận chuyển và chi phí logistics leo thang đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, làm đứt gãy chuỗi cung ứng của các ngành sản xuất, xuất nhập khẩu.

Tại Hội nghị ông Nguyễn Hoài Nam -  Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết, cũng như ngành dệt may, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung thủy sản đã xuất hiện. Nhiều doanh nghiệp trong ngành chế biến thủy sản đã phải gác lại nhiều đơn hàng, hiện tượng mất đơn hàng đã xuất hiện do sản xuất không đáp ứng được yêu cầu.  

Phó Tổng thư ký VASEP thông tin, hiện nay các vật tư, phụ liệu, bao bì... phục vụ chế biến thủy sản cũng bị thu hẹp, giảm công  suất nguồn cung đến 50%. Từ những khó khăn thực tế của các doanh nghiệp thủy sản, cùng với cơ hội sản xuất, xuất khẩu thủy sản mà Việt Nam đang có và kinh nghiệm của tỉnh Bắc Giang vừa qua, Hiệp hội VASEP kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ một số ý kiến để phục hồi sản xuất, chuỗi cung ứng cũng như sinh kế cho hàng triệu công nhân và nông, ngư dân  khai thác, sản xuất nguyên liệu thủy sản.

Thủ tướng trực tiếp nghe loạt vấn đề nóng, sức ép 4 ổ khóa chống dịch - 3

Các doanh nghiệp trực tiếp báo cáo với Thủ tướng những khó khăn, vướng mắc (Ảnh: Đoàn Bắc).

Xác định là sẽ phải sống chung với đại dịch lâu dài, VASEP đề nghị về bộ quy tắc, hướng dẫn thực hiện "y tế tại chỗ". Trong đó, Bộ Y tế hoàn thiện Bộ quy tắc (như CDC Mỹ và một số quốc gia đã có) và tổ chức huấn luyện cho các tỉnh và các doanh nghiệp thực hiện "y tế tại chỗ".

VASEP đã đề xuất cần có hướng dẫn thống nhất trong toàn quốc về việc thực hiện "một cung đường - hai địa điểm" kết hợp tuân thủ quy định 5K và các quy định về phòng dịch của doanh nghiệp và của cơ quan y tế địa phương. Trong đó "một cung đường" là đảm bảo cung đường từ nhà đến công ty và từ công ty về nhà với điều kiện có kiểm soát và "2 địa điểm" là tại nhà máy và nơi cư trú tuân thủ quy định phòng dịch.

VASEP cũng có ý kiến về hỗ trợ công nhân, người lao động gặp khó khăn; đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh việc phối hợp công - tư, bao gồm cả các tổ chức thiện nguyện được chọn để triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ hết sức ý nghĩa vào bối cảnh  hiện nay. 

Chính phủ đã có Nghị quyết 68 và Quyết định 23 với các chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp. VASEP đề nghị Chính phủ chỉ đạo để chính quyền địa phương cùng hành động với các doanh nghiệp và các Hiệp hội doanh nghiệp khẩn trương triển khai các gói hỗ trợ đã có của Chính phủ…

Châu Như Quỳnh

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *