Thời sự 24/04/2019 10:18

Thủ tướng: Phải nhìn thẳng vào yếu kém, hạn chế trong quá trình hội nhập

Trong hội nhập, vị thế địa chiến lược và địa kinh tế của Việt Nam chưa được khai thác tối đa và cách tiếp cận trong một số vấn đề còn chưa đủ tự tin, quyết đoán, nhất là tính kịp thời, tính phổ cập thông tin trong toàn dân.

Đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị của Ban chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế mới đây. 

Thủ tướng cho biết, qua nhiều năm kiên trì đổi mới, lấy hội nhập quốc tế làm động lực và thước đo cho sự phát triển của đất nước, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu và vị thế của đất nước được nâng lên tầm cao mới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị của Ban chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế

Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ khẳng định trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam bộc lộ một số hạn chế, yếu kém.

Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam có câu “Thắng không kiêu, bại không nản”. Hôm nay, chúng ta phải thẳng thắn về những hạn chế, yếu kém, thua thiệt cần rút kinh nghiệm sâu sắc để khắc phục và làm tốt hơn".

Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ thực tế của thế giới, trong đó môi trường quốc tế biến động nhanh và phức tạp; hợp tác và cạnh tranh luôn đan xen, biến đổi linh hoạt và cạnh tranh gay gắt, quyết liệt trong khu vực, trên thế giới. 

"Tất cả đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết đối với hội nhập quốc tế của ta. Trong đó gìn giữ môi trường hòa bình cho phát triển và nguy cơ tụt hậu luôn là những thách thức thường xuyên, rất to lớn đối với tất cả chúng ta", Thủ tướng nói,

Một đặc điểm được xem là xu hướng mà Thủ tướng nêu rõ là: "Tự do hóa và mở cửa thị trường đi đôi với những hình thức bảo hộ tinh vi hơn thông qua những hàng rào kỹ thuật của nhiều nước. Số lượng các vụ khiếu nại, khiếu kiện, tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế gia tăng. Qua đó tác động trực tiếp đến thu hút đầu tư, xuất nhập khẩu, nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lao động, việc làm, thu nhập, đời sống".

"Hội nhập quốc tế sâu rộng hơn cũng đặt nước ta vào vị trí có thể bị tác động nhanh hơn, cạnh tranh mạnh hơn bởi những biến động quốc tế. Đây là những vấn đề chúng ta phải hết sức chú trọng, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống", Thủ tướng nhắc.

Thủ tướng nêu: Năng lực cạnh tranh của Việt Nam hiện còn thấp, một số ngành sản xuất đang đứng trước những thách thức lớn từ dỡ bỏ bảo hộ trong quá trình hội nhập, như mía đường, chăn nuôi… và thách thức từ khoa học công nghệ, CMCN 4.0 như dệt may, da giầy, nông nghiệp, chế biến, chế tạo, điện tử… 

Theo Thủ tướng, hiện nhiều chỉ số môi trường kinh doanh còn khoảng cách khá xa so với các nước ASEAN-4, chưa nói đến chuẩn mực OECD. Hiệu quả hội nhập ở cấp địa phương, doanh nghiệp còn có những hạn chế, một phần do công tác thông tin, hỗ trợ còn thiếu, phần khác do một số nơi vẫn còn tâm lý thụ động, chờ đợi vào Trung ương....

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định: Đây là những vấn đề lớn cần quán triệt tốt hơn, hiểu biết rõ hơn.

Thủ tướng gợi mở, để hội nhập thành công với thế giới, nền kinh tế Việt Nam,doanh nghiệp, người Việt Nam phải ưu tiên chođổi mới sáng tạo.

"Phải coi doanh nghiệp và người dân là chủ thể của hội nhập quốc tế, nếu như các cấp uỷ chính quyền, các cấp bộ ngành không quan tâm tới những đối tượng chủ thể hội nhập là người dân và doanh nghiệp thì chúng ta không thành công. Các cơ quan nhà nước phải đổi mới, phải bám sát vào để hỗ trợ, tạo điều kiện, tạo niềm tin đối với người dân và doanh nghiệp'', Thủ tướng nhắc nhở.
 

An Linh

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *