Thời sự 28/05/2021 10:23

Thị trường EU: Nhiều cơ hội đến từ EVFTA

Giới chuyên gia nhận định, trong số các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là FTA thế hệ mới mang lại nhiều tác động tích cực đến tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường EU. Tất nhiên, đi kèm với những mặt tích cực sẽ có không ít thách thức, bởi EU là thị trường khó tính, không hề dễ nắm bắt.

Thị trường giàu tiềm năng khai thác...

Ba Lan là thị trường nằm trong khối EU, được đánh giá là thị trường tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của nước nhà. Ngay trong năm EVFTA có hiệu lực (năm 2020), kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã đạt 2,115 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2019. Xuất khẩu của Việt Nam sang Ba Lan đạt gần 1,774 tỷ USD, tăng 18,4%; nhập khẩu của Việt Nam từ Ba Lan đạt 341 triệu USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước.

Với những lợi thế từ việc xóa bỏ thuế nhập khẩu từ gần 90% số dòng thuế, cơ hội đưa hàng hóa sang thị trường EU là rất lớn. Theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, cho đến nay, cam kết trong EVFTA là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các FTA đã được ký kết.

Đáng chú ý, theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), Việt Nam hiện là nhà cung cấp hàng hóa lớn thứ 10 của EU nhưng cũng mới chỉ chiếm khoảng 1,8% thị phần, do vậy thị trường EU, trong đó có Ba Lan còn rất nhiều tiềm năng để các DN Việt khai thác, gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

 

Với hơn 500 triệu dân, EU đang là thị trường lớn để các DN tập trung khai thác, tận dụng tối đa các cơ hội, lợi ích mà EVFTA tạo ra. Trước đến nay, thị trường này vẫn luôn ưa chuộng các sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam, bởi vậy, EVFTA được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy để chúng ta gia tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản, thủy sản, thực phẩm sang thị trường EU.

Đặc biệt, Ba Lan cũng là thị trường ưa chuộng các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Đơn cử, cà phê, trà, gạo, hạt điều, thủy sản... là những mặt hàng được dự báo sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường này. Theo ông Nguyễn Thành Hải, Tham tán thương mại- Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan cho biết, các DN Việt Nam và Ba Lan có nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh ở nhiều lĩnh vực, song tiềm năng hơn cả vẫn là nông sản, thực phẩm. Chỉ rõ hơn về những tiềm năng của thị trường này, ông Hải cho biết, qua nghiên cứu của Thương vụ, gạo là mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu lớn nhất sang Ba Lan. Theo vị này, tuy chưa được hưởng mức thuế suất 0% nhưng Uỷ ban châu Âu đưa ra một quy định riêng và với hạn mức 80.000 tấn gạo/năm được hưởng ưu đãi thuế, bao gồm 20.000 tấn gạo chưa xay xát+ 30.000 tấn gạo xay xát + 30.000 tấn gạo thơm (gạo tấm không bị áp dụng hạn ngạch). Đặc biệt, gạo ST24 và ST25 của Việt Nam có thể cạnh tranh tốt với gạo Thái Lan. Hiện giá CIF các mặt hàng gạo này tới các nước châu Âu đang thấp hơn 2-3% so với gạo Thái Lan, kể cả tính thuế nhập khẩu. Đối tượng chính sử dụng gạo này vẫn là cư dân các nước châu Á, sinh sống làm việc tại Ba Lan, họ vẫn ưa chuộng giống gạo từ Việt Nam. “Xuất khẩu mặt hàng này, DN Việt Nam nên chú trọng bao bì, đóng gói 5kg và 18kg nhưng thị trường Ba Lan phổ biến đóng bao 5kg và không quá ưu chuộng gạo dẻo” Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan khuyến cáo.

Không dễ nắm bắt

Tiếp đến là cà phê, hạt tiêu, hạt điều, các mặt hàng này đã được hưởng thuế suất 0%. Qua khảo sát, 60% nguyên liệu sản xuất cà phê, 40% hạt tiêu, 30% hạt điều tại thị trường Ba Lan đến từ Việt Nam nhưng chủ yếu qua các nhà phân phối lớn của Đức, Hà Lan và chưa có thương hiệu của Việt Nam xuất hiện trên thị trường. Thời gian gần đây, nhu cầu các mặt hàng này của Việt Nam đang mở rộng hơn với lợi thế giá cả cạnh tranh, đặc biệt doanh nghiệp Ba Lan chuyển hướng mua nguyên liệu trực tiếp từ nhà sản xuất.

Thủy sản cũng là mặt hàng có nhiều lợi thế sang thị trường Ba Lan. Theo ông Hải, Ba Lan đã từng là 1 trong 3 thị trường lớn nhất của cá tra và basa Việt Nam tại châu Âu, bên cạnh Hà Lan và Tây Ban Nha. Tuy người dân Ba Lan đã chuyển sang dùng các loại cá thịt trắng khác thay thế như cá minh thái Alaska hay cá rô phinhưng với lợi thế về chất lượng sản phẩm, khả năng cung ứng, DNViệt Nam hoàn toàn có thể giành lại thị phần.

Những lợi thế tại thị trường Ba Lan dù được bộc lộ rất rõ ràng, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Hải, là thị trường nằm trong EU, nên Ba Lan cũng không phải là thị trường dễ nắm bắt, ngược lại, thị trường này có những quy định, quy chuẩn vô cùng khắt khe. Do đó, theo ông Hải, để tận dụng được quy tắc xuất xứ và hưởng ưu đãi, DN Việt Nam phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ, nỗ lực tận dụng các điều khoản linh hoạt. Doanh nghiệp buộc phải đáp ứng các chứng chỉ cho hàng nông sản, thực phẩm như Global GAP, HACCP, IUU. Đáng chú ý, thị trường Ba Lan đang dần chuyển sang tiêu thụ sản phẩm hữu cơ, thân thiện với môi trường. Trong năm 2021 và năm 2022, EU quy định tất cả bao bì đựng thực phẩm trong siêu thị phải chuyển sang sản phẩm thân thiện môi trường, không sử dụng bao bì nhựa. Đây chính là điểm các DN Việt cần phải lưu ý để có chiến lược kinh doanh phù hợp, đáp ứng các quy định tại thị trường này.

Thế Hưng

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *