Thời sự 23/02/2014 07:04

Thêm ràng buộc cho các dự án vay vốn ngân hàng

FICA - Trong tương lai ngành ngân hàng Việt Nam phải xây dựng được chiến lược kinh doanh phù hợp với chiến lược của Nhà nước đã đề ra về bảo vệ môi trường, theo đó, các dự án đầu tư có nguồn vốn tín dụng ngân hàng tham gia phải bị ràng buộc bởi những quy định về bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Theo dự thảo Thông tư quy định về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài báo cáo bằng văn bản cho NHNN (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế) về hoạt động quản lý rủi ro môi trường và xã hội theo định kỳ hàng quý.

Báo cáo  bao gồm số lượng và tỷ lệ các giao dịch tín dụng tuân thủ theo Quy trình quản lý rủi ro môi trường và xã hội của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; tỷ lệ các giao dịch được xếp loại rủi ro thấp, trung bình và cao; và số lượng hồ sơ cấp tín dụng bị từ chối và/hoặc được chấp nhận vì lý do môi trường và/hoặc xã hội.

Hàng năm, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng phải báo cáo NHNN (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế) về hoạt động quản lý rủi ro môi trường và xã hội. Báo cáo này bao gồm một số các nội dung như: năng lực quản lý rủi ro môi trường và xã hội của tổ chức; phương pháp giám sát và đảm bảo quản lý rủi ro môi trường và xã hội hiệu quả và công tác báo cáo nội bộ về hoạt động môi trường và xã hội của tổ chức.

Theo NHNN, quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta trong thời gian qua còn chưa quan tâm thích đáng đến yếu tố môi trường và xã hội của các dự án đầu tư. Rất nhiều sự kiện, vụ việc liên quan đến môi trường đã xảy ra với nhiều hậu quả nặng nề (như vụ việc nhà máy Vedan xả nước thải chưa qua xử lý gây đầu độc con sông Thị Vải trong một thời gian dài, hay vụ làng ung thư ở Thạch Sơn, Lâm Thao do chất thải của Nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao..).

Tất cả những vụ việc trên là hồi chuông cảnh báo cơ quan quản lý cần có những biện pháp kiên quyết hơn để đảm bảo việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.

NHNN cho rằng, ngành ngân hàng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế và phát triển thông qua hoạt động cho vay và đầu tư bởi vì hệ thống này là một mắt xích quan trọng trong việc quyết định nguồn vốn đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đóng vai trò là yếu tố tăng cường tác động phát triển tích cực tới xã hội và cũng góp phần vào việc bảo vệ cộng đồng và môi trường tại những nơi các TCTD và khách hàng của các TCTD đang hoạt động.

Do đó, trong tương lai ngành ngân hàng Việt Nam phải xây dựng được chiến lược kinh doanh phù hợp với chiến lược của Nhà nước đã đề ra về bảo vệ môi trường, theo đó, các dự án đầu tư có nguồn vốn tín dụng ngân hàng tham gia phải bị ràng buộc bởi những quy định về bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng. Về phía các TCTD, việc thực hiện chính sách tín dụng bền vững sẽ đảm bảo cho TCTD hạn chế rủi ro, hoạt động an toàn, hiệu quả và bền vững.

Rủi ro môi trường và xã hội liên quan đến các giao dịch có thể mang đến cả trách nhiệm và cơ hội tiềm ẩn cho các TCTD và khách hàng. Những rủi ro này có thể tạo ra những nghĩa vụ tài chính, pháp lý, thị trường và danh tiếng cho các khách hàng của TCTD. Nếu TCTD không quản lý những rủi ro môi trường và xã hội một cách đúng đắn, TCTD có thể phải gánh chịu những tổn thất do giảm giá trị tài sản thế chấp, đối mặt với những truy cứu trách nhiệm pháp lý, tổn thất uy tín, thị phần do các vấn đề về môi trường và xã hội mang lại.

Việc xác định và quản lý tất cả những nghĩa vụ tiềm tàng trong mỗi giao dịch trước khi giải ngân sẽ giúp nâng cao chất lượng danh mục đầu tư của TCTD, giúp giảm trích lập dự phòng, nâng cao hiệu quả tài chính và tăng vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, việc xác định các cơ hội hưởng lợi từ việc hoạt động có trách nhiệm hơn với môi trường và xã hội có thể tạo điều kiện cho TCTD cải thiện hiệu quả hoạt động, thúc đẩy cải tiến các sản phẩm mới, tiếp cận thị trường mới, và tiếp cận các nguồn vốn mới có chi phí thấp hơn, tất cả đều có thể góp phần cải thiện hiệu quả tài chính của các TCTD và khách hàng.

Dù vậy, theo NHNN, khi áp dụng quy định mới này, chi phí có thể gia tăng trong ngắn hạn vì cần đầu tư tài chính và nhân lực để xây dựng chính sách, quy trình mới cũng như tuyển dụng nhân sự mới và đào tạo đội ngũ cán bộ hiện có về lĩnh vực mới này để đảm bảo chính sách và quy trình mới được thực hiện.

Ngoài ra, TCTD có thể phải có những quyết định bất lợi đối với một số khách hàng hiện có hoặc từ chối hợp tác với những khách hàng mới nếu những khách hàng này không cam kết tuân thủ hoặc không có khả năng tuân thủ các quy định về môi trường và xã hội của TCTD. Mặt khác, những khách hàng hiện có của TCTD có thể tìm đến các TCTD thực hiện quản lý rủi ro môi trường và xã hội kém nghiêm ngặt hơn.

 

Phương Dung

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *