Thời sự 28/03/2021 09:58

Thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử có thay thế được giấy phép lái xe?

Thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử có thể tích hợp thêm nhiều thông tin về bảo hiểm y tế, bằng lái xe,... Vậy khi tham gia giao thông, người dân có cần mang theo giấy phép lái xe nữa không?

Nhiều người băn khoăn, so với thẻ căn cước công dân (CCCD) có mã vạch thì thẻ CCCD có gắn chip điện tử có thể tích hợp thêm nhiều thông tin về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bằng lái xe…

Vậy khi người dân khi tham gia giao thông, có thể sử dụng thẻ CCCD có gắn chip điện tử để thay thế giấy phép lái xe (bằng lái xe) hay không?

Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với phóng viên Dân trí, Đại tá Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết: "Nhiều dữ liệu sẽ được tích hợp trong thẻ căn cước công dân như bằng lái xe, bảo hiểm y tế,... Nhưng khi người dân tham gia giao thông thì vẫn phải cầm bằng lái xe, vì CSGT trên đường làm sao có thiết bị để kiểm tra dữ liệu trong chip điện tử trên thẻ CCCD đó được".

Thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử có thay thế được giấy phép lái xe? - 1

(Ảnh minh họa).

Còn theo Bộ Công an, thẻ CCCD gắn chip điện tử có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như: Ứng dụng chữ ký số, ứng dụng sinh trắc học, ứng dụng mật khẩu một lần… có thể được sử dụng và kết nối rộng rãi cho các dịch vụ công cộng và tư nhân. 

Thời gian tới khi thẻ CCCD gắn chip điện tử có tích hợp đầy đủ các thông tin, lúc đó người dân đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ mà chỉ cần dùng một tấm thẻ CCCD có gắn chip.

Ngoài ra, việc tích hợp chip trên CCCD đem lại tính linh hoạt khi cần bổ sung hoặc sửa đổi thông tin trên thẻ sau khi phát hành. Dữ liệu trên chip có thể truy cập ngay lập tức mà không bị phụ thuộc vào kết nối mạng thông qua các thiết bị cho phép đọc thông tin trên chip, giúp cho việc xác thực danh tính được thực hiện ngay lập tức, hạn chế tối đa việc giả mạo danh tính. 

Bộ Công an cho biết, từ tháng 7/2021, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ hoàn thiện để kết nối với dự án cấp căn cước công dân gắn chip. Mục tiêu đặt ra là cấp 50 triệu căn cước mới trước 1/7/2021.

Hơn 2 tháng qua, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội của công an các tỉnh, thành phố đã làm việc 3 ca mỗi ngày, kể cả cuối tuần, để thu nhận và xử lý hồ sơ cấp căn cước gắn chip.

Mọi người dân từ đủ 14 tuổi trở lên đều đủ điều kiện cấp loại giấy tờ gắn chip mới. Tuy nhiên, trước ngày 1/7/2021, việc cấp căn cước gắn chip sẽ ưu tiên cho 3 nhóm, gồm: Người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa từng được cấp giấy tờ tùy thân; người đang có chứng minh nhân dân 9 số; người được cấp căn cước 12 số hay căn cước mã vạch nhưng bị hỏng, mất, hết thời hạn hoặc cần thay đổi thông tin.

Chứng minh thư nhân dân ở tỉnh khác, hộ khẩu ở Hà Nội có làm được căn cước gắn chip?

Một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, nếu chứng minh thư nhân dân (CMND) cũ ở tỉnh khác nhưng có khẩu ở Hà Nội thì người dân vẫn thực hiện thủ tục xin cấp căn cước công dân gắn chip ở Hà Nội như bình thường theo luật định.

CMND không phải là giấy tờ bắt buộc phải cung cấp khi xin cấp căn cước công dân gắn chip. Nếu cơ quan cấp căn cước công dân yêu cầu thì người dân xin xác nhận của công an xã /phường nơi có hộ khẩu thường trú trong CMND cũ để hoàn tất thủ tục.

Tuy nhiên, vị luật sư trên cho biết thêm, theo quy định thì không bắt buộc người dân đang sử dụng CMND phải đổi sang căn cước công dân gắn chip. 

"Hiểu được ý nghĩa của căn cước công dân gắn chip, để thuận tiện cho quá trình quản lý dữ liệu công dân và kế hoạch xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính phủ điện tử trong tương lai, giảm bớt thủ tục hành chính thì người dân nên làm thẻ căn cước công dân gắn chip để thuận tiện cho sau này", vị luật sư cho biết.

Nguyễn Dương

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *