Thời sự 06/01/2018 15:13

Thay đổi Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt có làm giảm thu ngân sách?

“Để đảm bảo thu ngân sách và cân đối ngân sách, sẽ có xu hướng giảm thu đối với doanh thu từ hoạt động xuất nhập khẩu. Và trong quá trình xây dựng, Bộ cũng đã có những tính toán dựa vào dự toán hàng năm.”

Đó là phát biểu của Vụ phó vụ Quan hệ Quốc tế, ông Phạm Tuấn Anh tại buổi họp báo giới thiệu về 10 Nghị định ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện các FTA.

thue-fta
 

Cũng theo ông Tuấn Anh: “Riêng với tác động của 10 Nghị định, trong nhu cầu chính của việc thay đổi 10 Nghị định này so với năm 2016 xuất phát từ việc điều chỉnh Danh mục phân loại và mô tả của các hàng hoá nhập khẩu.”

“Trong đó, phạm vi tác động chưa tới 5% số dòng thuế có sự thay đổi về mặt thuế suất. Và nguyên tắc áp dụng kết hợp thuế suất thì đều dẫn đến hệ quả là thuế suất có thể giảm hơn một chút nữa so với nghị định 2016”, ông Tuấn anh cho biết thêm.

Qua một số đánh giá về chuyên môn nữa, ông Tuấn Anh khẳng định: “10 Nghị định này so với năm 2016 có sự tác tác động rất ít tới ngân sách.”

Điểm mới gì trong những nghị định này

Bộ Tài chính đã đề xuất với Chính phủ ban hành 10 nghị định thay thế các nghị định trước đây với hiệu lực thực thi từ 1/1/2018.

Với mục đích thống nhất với Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam và thực hiện Luật hải quan, đồng thời để tiếp tục thực hiện cam kết của Việt Nam về thuế nhập khẩu trong các Hiệp định Thương mại tự do trong các năm tiếp theo.

Trong sự thay đổi lần này của Bộ Tài chính, có một số điểm mới đáng chú ý như, việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt cho giai đoạn 5 năm, từ 2018 – 2022/2023. Điều này đảm bảo tính ổn định và dễ theo dõi cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, sự bổ sung quy định về thuế suất nhập khẩu trong và ngoài hạn ngạch thuế quan cũng là điển đáng lưu tâm. Bởi, mức thuế suất nhập khẩu ngoài hạn ngạch sẽ áp dụng theo quy định của Chính phủ tại thời điểm nhập khẩu. Còn số lượng nhập khẩu hàng năm sẽ theo quy định của Bộ Công Thương.

Về 4 điều kiện được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt, Vụ phó vụ Quan hệ Quốc tế, ông Phạm Tuấn Anh cho biết: “Về cơ bản nghị định mới có chút thay đổi về câu chữ nhưng bản chất không thay đổi. Điều kiện thứ nhất là hàng hoá thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Nghị định.”

“Bên cạnh đó, hàng hoá phải được nhập khẩu từ các nước là thành viên của Hiệp định vào Việt Nam, được vận chuyển trực tiếp từ nước xuất khẩu vào Việt Nam. Cuối cùng, hàng hoá đáp ứng các quy định về xuất xứ theo Hiệp định, có Giấy chứng nhận xuất xứu hàng hoá (C/O) theo quy định”, ông Tuấn Anh nói.

“Điểm thay đổi cuối cùng là bổ sung thêm quy định về các chú giải và quy tắc tổng quát giải thích việc phân loại hàng hoá theo Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam”, ông Tuấn Anh cho biết thêm.

Thay đổi chi tiết trong biểu thuế mới với khu vực ASEAN

Trong 10 Nghị định về Biểu thuế trong năm 2018, đáng chú ý có Nghị định ban hành biểu thuế ASEAN (ATIGA).

Về số dòng thuế, Biểu thuế ATIGA gồm 10.813 dòng thuế chi tiết ở cấp độ 8 số (tăng 1.255 dòng so với biểu thuế cũ), giữ nguyên mô tả và mã số của 7.810 dòng, gộp 682 dòng; tách mã và mở dòng mới mô tả mới là 2.321 dòng.

Theo cam kết, Việt Nam đã hoàn thành cơ bản việc xoá bỏ thuế quan trong ASEAN vào năm 2015, chỉ còn 7% dòng thuế được linh hoạt đến năm 2018. Trong đó, chủ yếu tập trung vào nhóm hàng ô tô, xe máy, phụ tùng linh kiện ô tô xe máy, đồ điện dân dụng,…

Hiệp định này đã đến giai đoạn cuối của việc cắt giảm thuế quan nên số lượng dòng thuế cắt giảm còn lại rất ít. Tuy nhiên, những dòng thuế còn lại đó lại thu hút được rất nhiều sự quan tâm của các đối tượng tham gia xuất nhập khẩu và người tiêu dùng như ô tô.

Đánh giá về 10 Nghị định mới này, ông Phạm Tuấn Anh cho rằng: “Nó đã đáp ứng nhu cầu của thực tiễn và sự đồng bộ của pháp luật. Ngoài ra, nó còn đáp ứng được các thay đổi, đổi mới của khoa học công nghệ phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.”

Thế Hưng

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *