Thời sự 24/11/2013 09:23

Tăng trưởng tín dụng 12% năm 2013: Vì nền kinh tế hay vì thành tích?

Vào cuối năm 2011, đầu năm 2012, tiền đột nhiên hiếm một cách kỳ lạ, nói như ngôn ngữ dân gian là “hiếm như lông ếch”. Các doanh nghiệp, đặc biệt là bất động sản đứng ngồi không yên. Nhà đã bán rồi, dĩ nhiên là chỉ mới thu một phần tiền, thế nhưng cần cẩu đang quay ngang trời bỗng đứng sững, cứ như cánh tay vẫy trời cầu cứu. Hết tiền, hết tất cả.

Ngày ấy, khách xếp hàng ở ngân hàng xin vay tiền đông như ngày hội. Ở quanh ngân hàng, các khách hàng rình nhân viên tín dụng, rình quan chức ngân hàng, chỉ mong được gặp, được… trình bày. Có ông giám đốc chi nhánh ngân hàng phải đi trốn, không dám về nhà, vì khách quen xin vay tiền mai phục ở nhà lúc nào cũng cả chục người. Vô số ông thay số điện thoại, mua sim rác về dùng vì... không dám nghe điện thoại. Rất nhiều trường hợp có tiền trong kho quỹ nhưng không thể cho vay.

Lệnh của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là thắt chặt việc bơm tiền ra, thắt ngay lập tức, thậm chí là cần bóp cổ nguồn tiền cũng bóp. Và tuyệt vời, chỉ trong một năm, lạm phát từ trên 20% xì hơi một phát xuống trên 7%. Lập kỷ lục cỡ thế giới luôn. Tất cả xoa tay: Hiệu quả vô cùng lớn, đã ổn định được thị trường tài chính. 


Ai vay tiền không? (Ảnh minh họa).


Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2013 là 12%


Và cũng chỉ một năm sau, con lắc đi lên, con lắc lại đi xuống. Vào những tháng gần cuối năm 2013, chúng ta lại thấy những cảnh ngược lại. Nhiều giám đốc doanh nghiệp phải trốn các nhân viên ngân hàng. Bây giờ, các nhân viên tín dụng đi khắp nơi, hễ thấy chỗ nào có công nhân vào ra là túa đến, chào mời cho vay tiền. Một loạt các gói ưu đãi đủ mọi kiểu, từ giảm lãi, giảm chi phí dịch vụ, thậm chí rút thăm trúng thưởng như xổ số được triển khai. Nhưng vẫn không cho vay được.

Có nhiều thảm cảnh, tại phòng khách của một doanh nghiệp, chỉ là một doanh nghiệp vừa và nhỏ thôi, mà trong một sáng đầu tháng 11 có mặt của đại diện 7 ngân hàng đến chờ gặp giám đốc chào bán vốn giá rẻ. Ở trong phòng, giám đốc khóc ròng: Nếu cuối năm 2011 chỉ cần có một ngân hàng giúp anh thôi thì doanh nghiệp đã không phải dừng ngang một dự án, thải hồi hàng trăm công nhân là thiệt hại hơn 100 tỷ đồng. Cũng nhờ chịu mất hàng trăm tỷ dừng dự án chứ không cố vay tín dụng đen để phá sản, để bằng mọi cách vay ngân hàng chịu nợ xấu, nên bây giờ các ngân hàng lại tìm đến anh. Nhưng bây giờ thì vay làm gì?

Mua gì, bán gì trong hoàn cảnh các doanh nghiệp vốn làm ăn thất chết mỗi năm hàng chục nghìn, các doanh nghiệp mới sinh hàng chục nghìn, nhưng mà sinh đấy, nhưng có hoạt động đâu mà mua với bán. Hàng hóa tồn kho vẫn cao vợi, ngừng sản xuất, giảm sản xuất lâu rồi mà hàng cũ năm ngoái vẫn còn nguyên trong kho. May mà anh làm hàng cơ khí, để lâu vỏ thùng hỏng chứ hàng không hỏng. Chả lẽ bây giờ vay tiền ngân hàng về để thay vỏ thùng đựng sản phẩm tồn kho à. 



Dĩ nhiên các ngân hàng không có lỗi. Lạm phát giảm, kinh tế đình đốn, hàng trăm doanh nghiệp bỏ thị trường, thu nhập người lao động xuống thấp, chi tiêu giảm. Tỷ lệ tăng trưởng chỉ còn trên 5%, chủ yếu nhờ bán tài nguyên và bán sức lao động giá rẻ trong gia công hàng xuất khẩu. Các nhà nghiên cứu chính sách trắng đêm nghiên cứu đã tìm ra nguyên nhân, bên cạnh thắng lợi vĩ đại về vĩ mô đã ổn định, nhưng một nguyên nhân cơ bản của tăng trưởng giảm thấp, sản xuất đình đốn là do thiếu vốn. Vậy phải tăng bơm tiền ra. Và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2013 đã được xác định: Bằng mọi cách phải đạt chỉ tiêu 12%. 



Khổ, các quý vị nghiên cứu chậm quá, các doanh nghiệp cần vốn sản xuất chết lâu rồi, chỉ còn vay vốn tiêu chơi thôi. Nhân viên ngân hàng nghe thấy mặt tái ngắt, chạy vội, đến giờ vẫn không cho vay được. Khó khăn ở chỗ cái chỉ tiêu 12% này đã được NHNN công bố khắp nơi, từ Chính phủ, Quốc hội, thậm chí cả với các tổ chức tài chính quốc tế. Không đạt thì có mà đeo mo à?



Sản phụ nằm chỗ mà không đẻ được



Sáng 14-11, NHNN tổ chức nhóm họp 14 ngân hàng thương mại lớn để bàn về một số giải pháp thúc đẩy tín dụng thời gian tới. Nội dung quan trọng của cuộc họp là NHNN cùng 14 thành viên nói trên đánh giá về tình hình tăng trưởng tín dụng hiện nay, trong đó đề cập đến việc đánh giá ảnh hưởng của bão lũ vừa qua đối với các doanh nghiệp, hộ dân vay vốn chịu thiệt hại, để tìm hướng hỗ trợ và khắc phục, đẩy tăng tín dụng. Quan trọng nhất tại cuộc họp “G14” là việc tập trung thảo luận về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong thời gian còn lại của năm.

Năm nay, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 12%, nhưng đến thời điểm này mới chỉ đạt được gần 8%. 45 ngày còn lại, để hoàn thành chỉ tiêu, hệ thống các tổ chức tín dụng cần “đẩy” được thêm 4% nữa. Nhưng 4% này thật sự là quả núi khó vượt qua khi mọi khả năng đều đã được khai thác hết trong mấy tháng qua, thậm chí là tăng trưởng cho vay tiêu dùng nhiều rủi ro ở nhiều ngân hàng đã đạt mức kỷ lục. Điều này thể hiện ở nội dung cuộc họp 14 ngân hàng lớn sáng 14-11.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng đã đặt “đề bài” cho các ngân hàng thương mại làm sao để đạt được chỉ tiêu. Và kết quả như đã biết: Một lãnh đạo ngân hàng tham gia cuộc họp trên cho biết, có nhiều ý kiến phát biểu, thảo luận và gần như cả buổi sáng chỉ tập trung để trả lời “đề bài” trên. Tuy nhiên, không có ngân hàng nào trả lời được, hay nói đúng hơn là không có thêm giải pháp mới.


Cũng phải nói để phục vụ cho mục tiêu 12%, bây giờ không còn là mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng nữa mà là mục tiêu chính trị, NHNN đã dùng mọi cách có thể để hỗ trợ các ngân hàng đẩy vốn ra nền kinh tế, thậm chí có những giải pháp phải “nghiến răng” vì không đảm bảo an toàn vốn. Về lãi suất, NHNN đã giảm được lãi suất cho vay về mức khá thấp, giữ được thanh khoản tốt và vốn khả dụng khá dồi dào trong hệ thống qua điều tiết “bơm - hút” vốn…

Đã ban hành Quyết định 780 cho cơ cấu lại nợ mà không chuyển nhóm, để tạo điều kiện cho những doanh nghiệp khó khăn vẫn có thể tiếp cận vốn, ngân hàng cũng bớt áp lực nợ xấu để cho vay ra. Hay sự nhượng bộ bằng lùi thời hạn áp dụng Thông tư 02 thêm 1 năm, tránh siết các điều kiện chặt chẽ hơn tác động đến nguồn vốn các tổ chức tín dụng và hạng mức tín nhiệm của nhiều doanh nghiệp vay vốn. NHNN đã buộc phát hành văn bản số 7558 ngày 14-10-2013, có thể xem là mở van xả lũ khi cho phép tổ chức tín dụng không xem xét các điều kiện về các khoản nợ cũ khi khách hàng vay vốn mới có dự án, phương án kinh doanh có hiệu quả, đảm bảo thu hồi được nợ. Về phía các tổ chức tín dụng, NHNN đã tháo mọi hạn chế về kỹ thuật, thậm chí gần như tháo trần tăng trưởng cho các tổ chức thương mại, tạo cơ chế hỗ trợ vốn, triển khai các gói chính sách hỗ trợ lãi vay…



Tiền nằm trong ngân hàng như con trong bụng mẹ, không cho vay được, không tăng trưởng được thì sản phụ... gay. Nhưng ép các tổ chức tín dụng cho vay bằng mọi giá thì không ngân hàng nào dám làm. Ngay sau hội nghị này, chính ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank) băn khoăn: “Sao đến lúc này chúng ta vẫn đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12% quyết liệt như vậy! Các giải pháp đã làm hết cả rồi. Bản thân các ngân hàng cũng rất muốn đẩy mạnh được tín dụng vì lợi ích của họ chứ. Con số không quá quan trọng, cái chính là chất lượng tín dụng và sức khỏe của doanh nghiệp, sức hấp thụ của nền kinh tế”.

Theo Phan Đức
ANTĐ

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *