Thời sự 22/11/2013 07:36

Tăng trưởng tín dụng: Không cần nôn nóng

Đạt 3/4 chỉ tiêu sau hơn 3 quý của năm 2013, tăng trưởng tín dụng của hệ thống Ngân hàng dường như đã sắp hoàn thành kế hoạch...

Năm 2013, ngành ngân hàng đã có khá nhiều nỗ lực. Làm thế nào để đưa tín dụng ra nền kinh tế, trong bối cảnh phải đảm bảo chất lượng đồng vốn được đưa ra khi đồng vốn đó liền khúc ruột với tài sản khách hàng, cũng là tài sản của mỗi ngân hàng, là vô cùng áp lực.

 

 Biểu đồ tăng trưởng tín dụng qua các năm.

 

Bí quyết xin... cho vay

Khảo sát mới nhất của HSBC về kinh tế VN cho thấy đến tháng 11/2013, lượng đơn hàng mới của DN xuất khẩu tăng 2 tháng liên tiếp. Chuyên gia kinh tế Trinh Nguyên của HSBC nhận định “chỉ số PMI tiếp tục được cải thiện cho thấy hoạt động sản xuất ở trong nước đang dần ổn định. Chúng tôi kỳ vọng hoạt động kinh tế tiếp tục được thúc đẩy nhờ vào hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ với sự hỗ trợ của nguồn vốn FDI ổn định. Điều này giúp VN vượt qua giai đoạn cắt giảm nợ, với dòng vốn nước ngoài đang đổ vào cân bằng với nhu cầu yếu ở trong nước”. Trở lại với vấn đề tín dụng, không hoãn Thông tư 02 và không có Quyết định 780, liệu bao nhiêu DN đủ sức để thoát khỏi vòng vây nợ nần, chờ đợi được đến giai đoạn “hoạt động dần ổn định”, bước vào chu kì khá hơn kể từ tháng 10 năm nay?

Cái gì cũng có hai mặt. Với những chính sách này, điểm nghẽn tín dụng trong nền kinh tế có thể sẽ phình to. May là điểm nghẽn đã được khoanh hẹp. Trên cơ sở khoanh hẹp vùng bệnh và có thêm phương án giải cứu, giảm áp lực thời gian và trích nợ dự phòng rủi ro nhờ VAMC, các ngân hàng rảnh tay nỗ lực tiếp cận vốn tới mỗi DN. Giờ đây, chìa khóa cạnh tranh của các ngân hàng không còn ngồi một chỗ, chờ khách đến gõ cửa xin vay mà là đi đến tận DN, gõ cửa xin cho vay. Thậm chí, ngân hàng nỗ lực phát tờ rơi, mở tổng đài gọi điện 16/24 h đến khách hàng DN lẫn cá nhân. Nhiều DN… than thở không vay được tiền, nhưng số DN than thở vì “bị” nhiều ngân hàng chào đón cũng nhiều không kém.

Ông Nguyễn Tiến A - Giám đốc Cty TNHH MTV Ngân Hà nói với báo Diễn đàn Doanh nghiệp, nội chuyện tiếp ngân hàng, đã có lúc bộ phận kế toán của ông phải cử hẳn một kế toán viên để làm tiếp... nguyên tháng. “Mà đó là Ngân Hà mới thuộc nhóm tư nhân kinh doanh quy mô nhỏ. Còn có những DN bạn quy mô lớn, đặc biệt nhóm xuất khẩu thì hiện tại để “trông nhiều giỏ mà bỏ thóc”, mỗi DN có khi mở tới vài ba tín dụng thư khác nhau ở các ngân hàng khác nhau. Các DN muốn vay bao nhiêu cũng có, NH sẵn sàng đến tận nơi làm hồ sơ chứ không như lúc trước DN phải đến NH và chịu hạch sách. Nhưng tất nhiên “chuẩn” tín dụng của NH vẫn rất cao. Các NH không dễ dàng và không “bừa” như trước”.

Ông Phạm Linh - Phó Tổng Giám đốc NH OCB cho biết mặc dù tăng trưởng tín dụng khó khăn, song đối với khối khách hàng DN, OCB cũng có “đối sách”. Không chỉ là “xem mặt đặt tên”, xây dựng hệ thống khách hàng thân thiết truyền thống và đồng hành với những DN khỏe, cho các DN này vay vốn mà OCB cũng đã tích cực tiếp cận những DN “yêu yếu” nhưng có tiềm năng, có khả năng triển khai phương án kinh doanh vừa trả nợ ngân hàng, vừa tái sản xuất. Với những DN như vậy, ngân hàng sẵn sàng ngồi lại, tham vấn, cùng xây dựng kế hoạch tài chính, kế hoạch kinh doanh và từ đó, kí kết hợp đồng cho vay. “Nhờ đó, tính riêng về tăng trưởng tín dụng khối khách hàng DN, OCB đã đạt chỉ tiêu tới 20% tính đến tháng 10/2013” - ông Linh nói.

Còn theo ông Phạm Khắc Khoan - TGĐ KienLongBank, xây dựng bộ phận nghiên cứu DN đã và đang là công việc thường nhật của KienLong. Ngay từ bây giờ, KienLongBank đã xác định và khoanh vùng, nghiên cứu, tiếp cận các DN có hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu thuộc đối tượng nằm trong nhóm được hưởng lợi của Hiệp định Đối tác Kinh tế thương mại Xuyên Thái Dương - TPP. Xác định khách hàng sớm, cơ hội tiếp cận, tư vấn cho khách hàng và kí kết vốn, mức độ đảm bảo đồng vốn cho vay đều cao hơn. “TPP chỉ là một ví dụ vì trước nay, KienLongBank đều làm theo cách này. Cũng như, gắn bó với các DN kể cả lúc họ khó khăn nhất thời là một bí quyết để giữ khách hàng. Khi DN khó khăn mà mình không bỏ rơi họ, DN cũng không rời bỏ mình” - ông Phạm Khắc Khoan cho biết.

Tự tháo áp lực

Với các nỗ lực nhiều phía, dù không tăng mạnh nhưng vốn đưa ra thị trường thời gian qua đã có chất lượng hơn. Nói chung trên một địa bàn, chẳng hạn tại TP HCM, chất lượng vốn đã tập trung cho sản xuất. Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc chi nhánh NHNN chi nhánh TP HCM cho biết, tính đến cuối tháng 9/2013, nếu dư nợ ước đạt 900.000 tỉ đồng, trong số đó 84% dư nợ cho vay là tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Theo quy luật thông thường của nền kinh tế, từ nay đến cuối năm, DN vào mùa Tết sẽ tăng nhu cầu vay vốn. Theo đó, tín dụng sẽ tăng trưởng nhanh hơn. TS Lê Thẩm Dương cho rằng hiện tại, đang hội tụ nhiều yếu tố để tăng trưởng tín dụng được đẩy ra nhịp nhàng, phù hợp với nền kinh tế.

“Thứ nhất, mặc dù tháng 10/2013 nền kinh tế VN trở lại xuất siêu, song tính chung 10 tháng, kinh tế đã tăng nhập siêu hơn 15% so với cùng kỳ. Nhập siêu là một tín hiệu cho thấy các DN bắt đầu nhập nguyên vật liệu sản xuất trở lại và nền kinh tế đã bước qua đáy. Thứ hai, yếu tố thời vụ là đương nhiên khiến tín dụng tăng, thứ ba, các chính sách của NHNN sẽ “ngấm”. Đây mới là nền tảng để tăng trưởng tín dụng sẽ tốt hơn mà không nhất thiết phải “nôn nóng” chỉ vì chỉ tiêu. Thậm chí năm 2014, tín dụng sẽ có nền tảng sẽ tăng tốt hơn mà không nhất thiết phụ thuộc yếu tố chu kỳ hay tác động mạnh từ kinh tế thế giới".

Hay như ý kiến của TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương: Trong một nền kinh tế phát triển ổn định, bình thường thì tăng trưởng tín dụng trên 10%, thậm chí 14-16% vẫn là mức khá cao và do đó, việc tăng trưởng tín dụng thấp đi trong những năm gần đây cho thấy nền kinh tế dần “bình tĩnh” hơn với câu chuyện tăng trưởng. Việc duy trì tăng trưởng tín dụng thấp có thể ví như một minh chứng cho nỗ lực kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, hạ nhiệt mức tăng trưởng nóng và giảm ICOR – hiệu quả sử dụng vốn đầu tư vốn đã cao ngất của VN trong những năm đầu mở cửa và hội nhập.

Nỗ lực chính sách

Tháng 5/2013, NHNN công bố hoãn thời hạn thi hành có hiệu lực với Thông tư 02/TT-NHNN từ ngày 1/6/2013 sang ngày 1/6/2014 quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Mặc dù đã nhận được một số ý kiến trái chiều cho rằng đây là động thái giúp hệ thống NHNN “chạy” nợ xấu; nhưng xét trên thực trạng của nền kinh tế, bao gồm sức khỏe hệ thống ngân hàng và sức khỏe các DN, đây có thể xem là quyết định cần để ngân hàng và DN có thêm thời gian hồi phục sức khỏe, tạo nền tảng, điều kiện đủ trước khi diễn ra quá trình siết lại chất lượng cho vay vốn.

Theo quy định này, hàng loạt khoản nợ vay cũ không bị chuyển nhóm nợ. DN có cơ hội để tiếp cận vốn “đỡ” hơn. “Đỡ” hơn nhưng chưa hẳn là tốt hơn, vì các NH cũng vẫn phải xem xét bài toán sức khỏe của DN. Trong tình huống này thì câu nói “thà một lần thật đau còn hơn đau nhiều lần” không được xem là phương thuốc thần hiệu nghiệm để chữa dứt nọc các vấn đề của hệ thống NH, vì thực tế trích lập dự phòng và phân loại nợ chưa theo chuẩn quốc tế Basel III mới chỉ là một trong nhiều vấn đề của ngành NH. Câu chuyện sàng lọc NH tất nhiên không thể dựa trên giải pháp siết chỗ này, cắt chỗ kia mà hi vọng thanh lọc được ngay, nhất là khi sức khỏe NH lại đang dựa trên cái nền sức khỏe DN.

Trước hoãn Thông tư 02, Quyết định 780/QĐ-NHNN về việc phân loại nợ đối với nợ điều chỉnh kỳ hạn trả nợ; gia hạn nợ đã giúp DN được cơ cấu lại nợ, khoanh, giãn nợ, thay đổi kỳ hạn hoặc số tiền trên kỳ hạn nợ. Những DN có phương án trả nợ, có dự án sản xuất kinh doanh trả nợ khả thi, tiếp tục được vay vốn kinh doanh. Thậm chí, theo TS Lê Thẩm Dương, ĐH Ngân hàng TP HCM, DN có nợ xấu cũng có khả năng tiếp cận vốn vay với Quyết định 780 và vì vậy cần đánh giá cao công nghệ “lấy nợ nuôi nợ” này của NHNH. Đây là một cú cứu nguy cho rất nhiều DN.

Ông Nguyễn Viết Mạnh Vụ trưởng Vụ tín dụng NHNN: Tăng trưởng tín dụng sẽ đạt 11-12%

Đến cuối tháng 10/2013, tăng trưởng tín dụng của hệ thống đạt mức 7,02%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2012 (chỉ tăng 3,54%). Trên cơ sở kết quả đạt được những năm vừa qua, đặc biệt là trong năm 2012, có cơ sở để chúng tôi tin tưởng rằng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống cuối năm 2013 sẽ đạt khoảng 11 - 12%.

Ngay Văn bản số 7558/NHNN-TD ngày 14/10/2013 của NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng xem xét thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn liên quan đến điều kiện và thủ tục tín dụng đã mang lại nhiều cơ hội cho DN trong việc tiếp cận vốn ngân hàng. Theo đó, các ngân hàng phải phối hợp chặt chẽ với DN để tháo gỡ khó khăn trong trường hợp nhiều ngân hàng cùng cho vay đối với một khách hàng. NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng xem xét và quyết định xử lý đối với các khoản nợ đến hạn mà khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ như: Miễn, giảm lãi vốn vay; không thu lãi quá hạn; ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau.... Đặc biệt, cơ quan này cho phép các ngân hàng không xem xét các điều kiện về các khoản nợ cũ khi khách hàng vay vốn mới có dự án, phương án kinh doanh có hiệu quả, đảm bảo thu hồi được nợ.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa khép lại năm 2013, các NHTM đang đẩy mạnh nguồn vốn ra thị trường thông qua các gói tín dụng trị giá hàng tỉ đồng với lãi suất hấp dẫn nhằm đạt các chỉ tiêu tín dụng đã đề ra.

Ông Trần Xuân Quảng Phó Tổng Giám đốc Thường trực Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank): Kinh tế phục hồi sẽ kích thích tăng sức cầu

So với những năm trước, nhu cầu vốn của DN trong "mùa tín dụng" năm nay thấp hơn. Nguyên nhân do kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng, nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn, nhu cầu về đầu tư mở rộng sản xuất của các DN thấp hơn nhiều so với các năm, việc tính toán lựa chọn triển khai tại nhiều dự án cũng rất thận trọng. Khó khăn cũng khiến người dân thắt chặt chi tiêu, hạn chế sức tiêu thụ hàng hóa của các DN… Chính vì thế, việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, không chỉ có Maritime Bank, mà theo tôi được biết nhiều ngân hàng đã có kế hoạch để có thể bơm vốn ra nền kinh tế, đảm bảo lợi nhuận ngân hàng cũng như góp phần giúp DN đầu tư sản xuất, kinh doanh cuối năm.

Vậy giải pháp nào để dòng tín dụng thực sự được khai thông? Theo tôi, kinh tế phục hồi sẽ kích thích sự gia tăng của sức cầu, thúc đẩy sự luân chuyển hàng hóa tốt hơn. Về phía NHNN cần điều hành thông qua chính sách tiền tệ linh hoạt hơn; Duy trì tốt hệ thống thanh khoản cho các ngân hàng thương mại và nền kinh tế. Việc kiểm soát tốt tỷ giá, lãi suất cũng sẽ góp phần lấy lại sự tự tin cho các DN khi cân nhắc đầu tư. Ngoài ra, xử lý nợ xấu thông qua Cty mua bán tài sản quốc gia (VAMC) cũng góp phần hỗ trợ các DN, giúp các ngân hàng thương mại có cơ hội tiếp tục tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, bản thân các DN cũng cần phải có những nỗ lực lớn để thay đổi, cải thiện năng lực tài chính và kinh doanh.

TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - Tiền tệ quốc gia: Cẩn trọng bài học nợ xấu

Mặc dù mức tăng trưởng đã cải thiện hơn, nhưng vẫn khá chậm và thấp so với kế hoạch đề ra cho cả năm, trong khi thời gian còn lại của năm nay không còn nhiều. Điều này đã khiến nhiều NH phải đua nhau giảm lãi suất cho vay tiêu dùng xuống thấp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, thậm chí có NH còn đưa lãi suất xuống còn 0%/năm.

Sở dĩ các ngân hàng này có thể hạ lãi vay thấp hơn cả trần lãi suất huy động là do họ có thể huy động được nguồn vốn rẻ. Điều đó sẽ giúp người vay tiền có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn vay thúc đẩy tiêu dùng cũng như sản xuất kinh doanh. Hiện chỉ số tồn kho của các ngành đã tăng trở lại sau khi giảm liên tiếp trong những tháng đầu năm. Vì vậy tín dụng tăng nhanh vừa qua có thể do các ngân hàng cơ cấu lại nợ và nhu cầu đảo nợ của DN hoặc đơn thuần chỉ là cho vay tiêu dùng các loại hàng hóa thương mại, nhập khẩu mà vốn vẫn chưa chảy trực tiếp vào sản xuất.

Vấn đề đặt ra là trong hơn 1 tháng nữa bắt buộc toàn hệ thống phải đạt tăng trưởng hơn 5% để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 12%, trong khi 10 tháng vừa qua mức tăng trưởng cũng không khả quan hơn là bao nhiêu. Vì vậy, nếu áp lực tăng trưởng bằng mọi giá liệu các ngân hàng có vội vàng bỏ qua các quy định chặt chẽ để cho vay dễ dàng hay tập trung tăng trưởng tín dụng tiêu dùng nhằm kéo tỉ lệ tăng trưởng lên? Bài học cho thấy, tín dụng tiêu dùng là một trong những lĩnh vực dễ phát sinh nợ xấu cho hệ thống trong thời gian qua vẫn còn nguyên giá trị.

Hà Phương ghi

 

Theo Lê Mỹ
DĐDN

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *