Thời sự 03/12/2022 11:16

Tăng giá điện lúc nào hợp lý?

Biến động giá cả đầu vào sản xuất khiến chi phí sản xuất điện và mua điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng mạnh thời gian qua. Tập đoàn này tính toán, theo diễn biến giá nhiên liệu các tháng đầu năm và căn cứ kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được phê duyệt thì kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 có thể lỗ gần 65 nghìn tỷ đồng.

EVN đã phải tối ưu hóa các nguồn điện nhưng vẫn không bù đắp được chi phí mua điện tăng cao so với kế hoạch, và mức lỗ dự kiến cả năm 2022 hơn 31 nghìn tỷ đồng. Trước thực tế đó, EVN đã đề xuất tăng giá bán lẻ điện.

Việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả hàng hóa thiết yếu, từ đó ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhất là những lao động nghèo, chưa kể rất nhiều người đang trong tình trạng thiếu ổn định về việc làm và thu nhập.

Nhưng không tăng giá điện sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế trong trung và dài hạn, đó là nguy cơ kìm hãm thu hút đầu tư, ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế. Giá bán điện của Việt Nam lâu nay thấp hơn so với nhiều nước trên thế giới. Vì lý do đó nên những năm gần đây hầu như không thu hút được nhà đầu tư vào phát triển nguồn điện, từ đó dẫn đến nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới và tạo ra vòng lặp lẩn quẩn trong đầu tư phát triển kinh tế. Chưa kể, lâu nay nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được hưởng lợi thế điện giá rẻ.

Giá bán lẻ điện bình quân theo quy định vẫn giữ ở mức 1.864,44 đồng/kWh trong ba năm qua, kể từ 2019. Tăng giá bán điện thời gian tới, đòi hỏi phải có sự cân nhắc rất nhiều về thời điểm tăng giá, tăng ở mức bao nhiêu là phù hợp, và mức tăng thế nào là một quyết định khó khăn của các nhà hoạch định chính sách. Trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động, chưa phục hồi hoàn toàn sau COVID-19; cuộc sống của nhiều người dân dễ tổn thương như hiện nay nếu tăng ở mức cao sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó tránh khỏi. Lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay, bộ này đang cùng các bộ, ngành rà soát theo đề xuất tăng giá điện của EVN.

Tuy nhiên, vấn đề không phải là khi nào tăng và tăng bao nhiêu, mà cần phải có những câu trả lời thuyết phục về việc tăng giá đó. TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cần có một hội đồng độc lập để giúp giám sát và đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp liên quan đến điều chỉnh giá điện và hoạt động kinh doanh của ngành điện. Đây cũng là một yêu cầu rất lành mạnh giúp ngành điện phát triển và nhận được sự ủng hộ của người dân.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, cần có cơ chế điều chỉnh giá điện linh hoạt, phù hợp với từng hoản cảnh, khung thời gian cụ thể, thay vì cách điều hành như hiện nay. Bên cạnh đó cần minh bạch về cơ cấu giá điện nhằm giúp người dân an tâm và ngành điện sẽ tăng được độ tin cậy với khách hàng của mình.

Theo Đ.D

Tiền Phong

Chuyên mục: Thời sự , Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *