Thời sự 30/11/2018 18:18

"Tận thu" vốn lẻ FDI: Lượng nhiều, chất ít, dễ dính bẫy vốn giá rẻ

"Nhiều dự án chất lượng chỉ vài triệu USD khiến chất lượng đầu tư thấp kém và các địa phương dễ dính bẫy đầu tư giá rẻ đi kèm chất lượng xuống cấp".

Theo PGS, TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam tương đối phức tạp do phạm vi ưu đãi quá rộng, có 30 lĩnh vực khuyến khích đầu tư và 27 lĩnh vực được hưởng ưu đãi đặc biệt khi đầu tư, trong đó có ưu đãi về thuế.

Các chuyên gia kinh tế, học giả trong nước vừa có trao đổi về bài học kinh nghiệm để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam được Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức tại Hà Nội sáng 30/11.

Cảnh báo các địa phương dễ rơi vào bẫy nếu tận thu vốn lẻ FDI

Theo ông Cường, Việt Nam cần nghiên cứu giảm việc áp dụng hình thức ưu đãi về thời gian miễn, giảm thuế. Thay vào đó, đơn giản hóa thủ tục, quy trình thực hiện nghĩa vụ thuế.

Cũng theo ông này, việc tận thu những dòng vốn lẻ FDI bằng nhiều cách khác nhau để đạt mục tiêu tăng trưởng của các tỉnh hiện nay dẫn đến lượng vốn đầu tư/dự án rất thấp, xé lẻ và không có quy hoạch.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM, các địa phương dường như đang tư duy năm ngoái thu hút FDI đạt 7 tỷ USD, năm nay tăng lên 8 tỷ là mừng lắm, chứ ít quan tâm tới dự án FDI đó mang lại bao nhiêu giá trị cho Việt Nam, có tạo ra chuỗi liên kết với DN nội địa.

Theo nghiên cứu của CIEM, nhiều kết quả khảo sát doanh nghiệp (DN) cũng cho thấy các yếu tố quan trọng nhất mà các nhà đầu tư quan tâm khi thực hiện đầu tư xếp theo thứ tự là sự ổn định về kinh tế và chính trị, chi phí lao động, chính sách thuế, khung pháp lý và chất lượng kết cấu hạ tầng.

Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), cho rằng dường như Việt Nam quá "sính ngoại", luôn cố gắng ưu đãi hết mức cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi đó ít quan tâm tới hỗ trợ DN trong nước.

Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào khối ngoại, chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu, cán cân thương mại do khối ngoại quyết định. "Giả sử một ngày nào đó Samsung chuyển nhà máy sang Ấn Độ... Việt Nam sẽ giải quyết bài toán ổn định kinh tế vĩ mô thế nào, hậu quả chắc chắn sẽ không hề nhỏ", ông Hòe nêu vấn đề.

Nhìn lại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Hòe đánh giá, những ưu đãi dành cho các DN trong nước hết sức chung chung. DN không biết mình sẽ được hưởng những ưu đãi nào khi tiếp cận đất đai, điện, quảng cáo sản phẩm... Đó là lý do khiến DN Việt không thể "lớn", những cái gì ngon nhất đang dành cho khối ngoại hưởng.

Nghiên cứu cụ thể về trường hợp của tỉnh Bắc Giang, báo cáo của CIEM cho biết, tính đến tháng 6/2018 có 1.482 dự án đầu tư còn hiệu lực. Năm 2010, giá trị nộp ngân sách nhà nước từ các dự án đầu tư trên địa bàn đạt 547 tỷ đồng (bằng 24,4% tổng thu ngân sách trên địa bàn). Năm 2017, giá trị nộp ngân sách từ các dự án đầu tư trên địa bàn đạt 1.569,3 tỷ đồng (bằng 24,8% tổng thu ngân sách trên địa bàn).

Tuy nhiên, thu hút đầu tư ở Bắc Giang vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, các ưu đãi tạo ra môi trường kinh doanh tương đối không bình đẳng. 56% DN FDI được nhận ưu đãi và khuyến khích đầu tư. Với DN tư nhân trong nước, con số này chỉ là 25%.

An Linh

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *