Thời sự 30/08/2020 09:50

Tài liệu mật rò rỉ, đại biểu “dính” nghi vấn chi triệu đô mua quốc tịch Síp

Câu chuyện ông Phạm Phú Quốc - đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM vướng vào nghi vấn mua “hộ chiếu vàng” quốc đảo Síp với giá 2,5 triệu USD đã làm nóng dư luận tuần qua.

Hãng tin Al Jazeera (hãng tin nhà nước của Qatar) mới đây đã tung ra một tài liệu mật cho thấy chương trình hộ chiếu của Cyprus, cho phép các chính trị gia mua hộ chiếu châu Âu. Hộ chiếu của quốc đảo Cộng hòa Síp (Cyprus) ở châu Âu có giá là khoản đầu tư tối thiểu 2,15 triệu Euro để trở thành công dân EU. 

Theo danh sách Al Jareeza nêu ra có tên một nhân vật được nêu đích danh là "Pham Phu Quoc" - một doanh nhân, nhà chính trị ở TP.HCM, Việt Nam.

Trả lời trên báo giới, đại biểu Phạm Phú Quốc thừa nhận có quốc tịch đảo Síp vào năm 2018 và quốc tịch của ông do “gia đình bảo lãnh”, đang tiến hành các thủ tục để báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

Bộ KH&ĐT: Không ai được cấp phép đầu tư sang Síp, kể cả ông Phạm Phú Quốc!

Về vấn đề này, Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) khẳng định: “Chúng tôi chưa từng cấp bất kỳ giấy chứng nhận đầu tư cho cá nhân nào sang Síp cả. Và hiện tại chỉ có duy nhất doanh nghiệp đầu tư sang Síp theo dạng xúc tiến thương mại với vốn 300.000 Euro - (8,4 tỷ đồng - PV)”.

Tài liệu mật rò rỉ, đại biểu “dính” nghi vấn chi triệu đô mua quốc tịch Síp - 1

Đại biểu, doanh nhân Phạm Phú Quốc, người có hai quốc tịch Việt Nam và Síp

Theo đại diện của Cục Đầu tư nước ngoài, đầu tư là kinh doanh ra nước ngoài chỉ được quyền hạn kinh doanh, hoặc cho thuê lại. Còn cấm mua tài sản riêng như mua nhà, mua xe.

"Hiện nay, rất khó để lợi dụng đầu tư ra nước ngoài để có tiền mua quốc tịch, mua đất đai, nhà cửa xe cộ bởi vì ai đi qua đường đầu tư chính thức sẽ bị quản lý chặt chẽ", đại diện này cho biết.

Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài khẳng định: Qua rà soát dữ liệu, trong danh sách đầu tư nước ngoài của Việt Nam vào Síp không có tên ông Phạm Phú Quốc, tên doanh nghiệp Tân Thuận của ông này cũng không xuất hiện.

Tiền “mua” hộ chiếu đảo Síp của ông Phạm Phú Quốc bằng thu nhập 90 năm của cán bộ Công ty Tân Thuận

Về chế độ tiền lương, tiền thưởng của Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận ( Công ty Tân Thuận - IPC), báo cáo số 126/IPC.20 do Tổng giám đốc Phạm Phú Quốc ký ban hành vào tháng 3/2020 cho thấy, trong năm 2018, tiền lương của người lao động rơi vào khoảng 27,38 triệu đồng/tháng. Lương bình quân của 12 người trong ban lãnh đạo IPC ở mức 53,588 triệu đồng/người/tháng (kế hoạch 54,83 triệu đồng/người/tháng).

Theo kế hoạch của năm 2019, lương của người lao động giảm so với các năm trước, còn khoảng 25,06 triệu đồng/tháng, Ban lãnh đạo IPC giảm về số lượng nhưng thu nhập chênh lệch không đáng kể so với năm trước (54,47 triệu đồng). Như vậy, nếu ước tính theo con số này mức thu nhập bình quân của viên chức quản lý tại Công ty Tân Thuận (IPC), nơi ông Phạm Phú Quốc làm Tổng giám đốc trong năm 2018 và 2019 đều trên 600 triệu đồng.

Trong khi đó, mức giá để mua quyền công dân tại Quốc đảo Síp được hãng thông tấn Al-Jazeera nêu là khoảng 2,5 triệu USD (tương đương khoảng 58 tỷ đồng).

Như vậy, viên chức quản lý tại Công ty Tân Thuận (IPC), phải mất tới 90 năm mới “tích” được khoản tiền tương đương mức giá để mua “hộ chiếu vàng” Cyprus (Đảo Síp).

Tân Thuận - IPC ra sao dưới sự điều hành của ông Phạm Phú Quốc?

Vào đầu tháng 12/2019, Uỷ ban Nhân dân TPHCM đã ra quyết định điều động và bổ nhiệm ông Phạm Phú Quốc giữ chức vụ Thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC).

Sau nửa năm dưới sự điều hành của ông Phạm Phú Quốc, Tân Thuận - IPC đạt 19,71 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 10,1% so với nửa đầu năm 2019. Tuy vậy, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế 6 tháng đầu năm tăng đáng kể, gấp 3,2 lần cùng kỳ lên 679,73 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt xấp xỉ 663 tỷ đồng, tăng 3,2%.

Nguyên nhân khiến lợi nhuận Tân Thuận - IPC cao gấp nhiều lần doanh thu đến từ thu nhập khác trong nửa đầu năm ghi nhận đạt 644,15 tỷ đồng. Khoản này chủ yếu là lợi nhuận được chia từ Công ty TNHH PT Phú Mỹ Hưng (456,8 tỷ đồng); Công ty TNHH Tân Thuận (114,15 tỷ đồng)…

Riêng trong quý 2 vừa rồi, doanh thu thuần của Tân Thuận - IPC đạt 9,85 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ so với quý 1. Lợi nhuận kế toán trước thuế tăng lên 637,43 tỷ đồng, tăng gấp 15 lần quý 1/2020. Lãi sau thuế đạt 624 tỷ đồng trong quý 2, tăng gấp 16 lần quý trước.

Người Việt cần bao nhiêu tiền để nhập quốc tịch “thiên đường thuế” đảo Síp?

Tháng 3/2014, giới chức Síp đã ban hành một đạo luật mới cho phép các nhà đầu tư nước ngoài trở thành công dân, có được hộ chiếu và có được thẻ xanh đảo Síp thông qua chương trình đầu tư bất động sản Síp với những điều kiện thuận lợi và dễ dàng.

Tài liệu mật rò rỉ, đại biểu “dính” nghi vấn chi triệu đô mua quốc tịch Síp - 2

Điều tra của Al Jazeera: Quan chức nhiều nước chi 2,5 triệu USD mua quốc tịch Síp

Một chuyên viên tư vấn đầu tư định cư vào châu Âu cho biết, chương trình đầu tư lấy quốc tịch đảo Síp là cách đơn giản và hiệu quả nhất để nhà đầu tư được cấp quốc tịch Liên minh châu Âu. Đây là chương trình duy nhất cho phép nhà đầu tư lấy ngay quốc tịch châu Âu trong 90 ngày mà không cần phải đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào về thời gian cư trú.

Nhà đầu tư và các thành viên trong gia đình được hưởng đủ mọi quyền lợi của công dân châu Âu, bao gồm quyền được sinh sống và làm việc ngay lập tức tại bất kỳ quốc gia thành viên nào thuộc khối châu Âu.

Bên cạnh đó, người nhập quốc tịch Síp vẫn được quyền giữ quốc tịch Việt Nam và được truyền lại quốc tịch cho thế hệ sau. 

Để được nhập quốc tịch Síp, khách hàng có thể đầu tư theo 1 trong các phương thức như đầu tư tối thiểu 2.000.000 euro (khoảng 53 tỷ đồng) vào một bất động sản cư trú mới và được sử dụng như địa chỉ thường trú hoặc đầu tư tối thiểu 2.500.000 euro ( khoảng 67 tỷ đồng) vào bất động sản cư trú trước đây đã được sử dụng cho chương trình CIP...

Ngoài ra, khách hàng cũng được yêu cầu đóng một khoản quyên góp không hoàn lại trị giá 75.000 euro (khoảng 2 tỷ đồng) cho Quỹ nghiên cứu và Đổi mới và 75.000 euro (khoảng 2 tỷ đồng) cho Tập đoàn phát triển đất đai của Cộng hòa Síp.

Cha mẹ phụ thuộc cũng phải giữ một bất động sản trị giá tối thiểu 500.000 euro (khoảng 13 tỷ đồng) như một địa chỉ thường trú hoặc giữ một cổ phần của chương trình thường trú nhân với giá trị tối thiểu là 500.000 euro.

Rò rỉ tài liệu của Síp về cuộc di cư bí mật của giới nhà giàu Trung Quốc

Tài liệu bị rò rỉ do đơn vị điều tra của đài Al Jazzeera thu thập được cũng cho thấy hơn 500 người Trung Quốc đã có quốc tịch châu Âu tại đảo Síp trong khoảng thời gian từ năm 2017-2019.

Tài liệu này chứa đựng thông tin của 2.500 người nhập cư đến đảo Síp trong thời gian trên đã làm sáng tỏ về cuộc di cư bí mật của giới thượng lưu Trung Quốc.

Trung Quốc có quy định rất nghiêm ngặt đối với các nhân viên của các cơ quan chính phủ và các tổ chức công, cũng như các lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp nhà nước. Theo luật mới của Trung Quốc vừa có hiệu lực hồi tháng 7/2020, “các nhân viên trong lĩnh vực công” có thể bị sa thải nếu bị phát hiện có quốc tịch nước ngoài hoặc thường trú ở nước ngoài mà chưa được thông qua.

Theo Al Jazeera, hiện công dân Trung Quốc đứng thứ 2 về số lượng người nộp đơn tham gia chương trình hộ chiếu vàng của Síp, sau Nga. Chương trình này yêu cầu người tham gia phải đầu tư ít nhất 2,15 triệu Euro (tương đương 2,54 triệu USD) mới có hộ chiếu của quốc đảo này.

Mai Chi (tổng hợp)

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *