Thời sự 27/09/2014 16:47

Siết đầu, nới đuôi?

Nhiều ngân hàng (NH) bất ngờ trước dự thảo Thông tư Quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng qua công ty tài chính của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành.

Thêm quy định "siết cửa" tiêu dùng

NHNN vừa đưa ra dự thảo Thông tư Quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính. Đáng chú ý, quy định NHTM nếu cho vay tiêu dùng (cho vay trả góp, cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng, phát hành thẻ mua hàng) phải thành lập công ty tài chính.

Mục tiêu, định hướng xây dựng thông tư này nhằm tách biệt và hạn chế rủi ro cho NH khi cho vay tiêu dùng đối với khách hàng phi tiêu chuẩn. Cho phép tổ chức tài chính nước ngoài, NHTM trong nước mua lại công ty tài chính để chuyển đổi thành công ty tài chính tín dụng tiêu dùng là giải pháp khả thi để tái cơ cấu công ty tài chính.

Mặt khác, hoạt động tín dụng tiêu dùng của NHTM và công ty tài chính hiện đan xen nhau. Hai tổ chức này đều cung cấp một số sản phẩm tín dụng tiêu dùng. Nên nếu kết hợp hai mô hình sẽ hạn chế rủi ro, đảm bảo tính chuyên nghiệp.

Cũng theo NHNN, quy định này không quá khó khăn vì thực tế, thời gian qua, một số NH đã "nhanh chân" trong việc mua lại các công ty tài chính như: NH TMCP Phát triển Nhà TP.HCM (HDBank) mua lại Công ty Tài chính Việt - Sài Gòn, NH TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) mua lại Công ty Tài chính than khoáng sản... và chuyển đổi hoạt động sang lĩnh vực tín dụng tiêu dùng.

Cả hai thương vụ thâu tóm, mua bán trên tuy không được tiết lộ giá trị nhưng được coi là những thương vụ mở màn cho làn sóng mua lại hoặc thành lập các công ty tài chính trực thuộc NHTM thời gian tới. Không chỉ vậy, những NH lớn như Vietcombank, BIDV, Viettinbank... cũng đã đầu tư rất bài bản để phát triển những công ty tài chính sẵn có.

Vì vậy, với xu hướng chuyển đổi này, sắp tới những NH có sẵn công ty cứ đà này mà phát triển. Còn lại, sẽ có nhiều NHTM có nhu cầu thành lập công ty con trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng.

Ngân hàng sẽ gặp khó

Cho dù vậy, khi được hỏi về dự thảo thông tư, nhiều NHTM tỏ ra khá bất ngờ. Đại diện các NH cho rằng, dù tốt đến đâu thì mỗi chính sách ban hành đều có 2 mặt. Lãnh đạo một NHTM chia sẻ, có thể NHNN cho rằng dịch vụ cho vay tiêu dùng thời gian qua được các NH tận dụng để kiếm lợi nhuận khi cho vay sản xuất, kinh doanh bị tắc đầu ra.

Nhiều chương trình cho vay tiêu dùng với lãi suất hấp dẫn được tung ra mời chào khách vay, song nhìn chung lãi suất vay tiêu dùng hiện vẫn ở mức cao (trên 12%/năm). Theo đó, NHNN đưa ra dự thảo trên nhằm tách bạch kinh doanh tại NH.

Tuy nhiên, điều này có thể gây khó cho các NH. Ví dụ, NHNN vẫn song song cho phép NHTM mở rộng mạng lưới, cấp phép thành lập chi nhánh nhưng lại thu hẹp quyền kinh doanh. Cũng cảm thấy bất ngờ với dự thảo này, một phó tổng giám đốc NHTM tại TP.HCM đoán rằng, đây có thể là một biện pháp kỹ thuật mà NHNN thực hiện để hợp thức hóa các công ty tài chính vốn "vất vưởng" từ lâu.

Theo vị lãnh đạo này, những công ty tài chính của các tập đoàn, tổng công ty nhiều năm nay hoạt động không hiệu quả, nợ xấu cao ngất ngưởng.

Ngoài ra, việc cho vay tiêu dùng dựa vào mạng lưới riêng thì các công ty tài chính không có, trước nay họ đều phải dựa vào mạng lưới của NH để hoạt động.

Do đó, kết hợp theo quy định của thông tư hóa ra tạo thêm gánh nặng cho NH. "Nếu dự thảo được áp dụng thì các NHTM buộc phải mua lại hay thành lập công ty tài chính cho vay tiêu dùng. So với việc thành lập mới, các NHTM sẽ không phải gánh khoản nợ xấu hiện hữu của các công ty cũ nhưng để thành lập mới chưa chắc dễ dàng", vị này nhận định.

Một điểm bất cập nữa mà NHTM sẽ phải đối mặt là những công ty tài chính hiện có thường là các công ty cho vay vốn trung và dài hạn. Trong khi đó, NHTM cho vay tiêu dùng lại là những khoản vay nhỏ, ngắn hạn. Do đó, dù có muốn mua lại công ty tài chính để thực hiện các nghiệp vụ mới sẽ phải mất rất nhiều thời gian...

Rõ ràng, khi tách bạch thì việc cho vay tiêu dùng vẫn thực hiện được vì nhu cầu vay tiêu dùng luôn cao. Cùng với đó, NHNN cũng kiểm soát chặt chẽ nên các NHTM phải thận trọng thẩm định kiểm soát hoạt động của công ty tài chính bằng nhiều lớp theo yêu cầu của NHNN. Vì thế, việc tăng trưởng tín dụng có thể sẽ bị chậm lại. Thậm chí, nếu không thật sự cần thiết, NH sẽ không bung tiền để tránh rủi ro nợ xấu.

 
Theo Linh Chi
DNSG
Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *