Thời sự 01/01/2020 16:35

Sau 34 năm “Đổi mới”, kinh tế Việt Nam đạt thành tựu rực rỡ, lịch sử

Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2019 đạt 500 tỷ USD, trong đó nền kinh tế xuất siêu hơn 10 tỷ USD, con số kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam ghi nhận bằng tổng kim ngạch của toàn bộ các nước châu Phi trong năm 2019 cộng lại… Đây chỉ là một minh chứng trong thành công của kinh tế Việt Nam trước hàng loạt biến động lớn, khó lường của kinh tế thế giới, khu vực.

Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh những thành tựu lớn của kinh tế Việt Nam cùng đưa ra nêu rõ nhiều thách thức của nền kinh tế đất nước trong thập kỷ mới.

Sau 34 năm “Đổi mới”, kinh tế Việt Nam đạt thành tựu rực rỡ, lịch sử - 1

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định dù kinh tế Việt Nam đạt những thành tựu lịch sử, rực rỡ nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đang chờ đón phía trước.

Nhân dịp năm mới 2020, Dân Trí xin trích đăng một số ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về những khát vọng của năm 2020.

Thưa ông, năm 2019, bức tranh kinh tế được cho là có nhiều thành tựu, ông có đánh giá gì về mặt được hoặc chưa được của kinh tế năm 2019 dưới góc nhìn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư?

- Duy trì nền tảng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát ở mức thấp; tăng trưởng kinh tế khá cao, củng cố và mở rộng các cân đối lớn của nền kinh tế... là những thành công vượt bậc của Việt Nam năm 2019.

Theo tôi nền kinh tế đang được cơ cấu lại một cách thực chất hơn khi tăng trưởng không còn dựa vào khai thác dầu thô, khoáng sản. Sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò động lực cho tăng trưởng Việt Nam. 

Năm 2019, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, tập trung tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính...

Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, năm 2019 kinh tế Việt Nam lần đầu tiên vươn lên trong nửa trên của bảng xếp hạng thế giới, vị trí 67/141 nền kinh tế được xếp hạng (tăng 10 bậc so với năm 2018), xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư (tăng 15 bậc so với năm 2018).

Tuy nhiên, cải cách khu vực Nhà nước chậm, độ mở kinh tế Việt Nam rộng, dễ dẫn đến tổn thương cao, tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, chất lượng tăng trưởng còn nhiều hạn chế?

- Hiện nay, mô hình tăng trưởng của nền kinh tế vẫn chưa trở thành động lực để tạo phát triển bứt phá, đưa kinh tế tiến nhanh, tiến kịp các quốc gia trên trường quốc tế và khu vực. 

Những hạn chế, yếu kém về mặt văn hóa và con người đang cản trở sự phát triển đất nước. Tình trạng ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp; tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan… tác động đến chất lượng phát triển

Mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế năm 2020 là 6,8%, theo Bộ trưởng, năm tới đâu sẽ là động lực để kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng cao và ổn định?

- Nhìn chung từ đầu nhiệm kỳ, tình hình kinh tế vĩ mô nước ta cơ bản duy trì ổn định, lạm phát thấp, thu nhập tăng, tầng lớp trung lưu tăng nhanh.

Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt kết quả tích cực, động lực tăng trưởng kinh tế dần được cải thiện qua các năm...

Năm 2020 tiếp tục là năm kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, thách thức: Tăng trưởng chậm, bảo hộ, cạnh tranh phức tạp... Trong khi đó, với độ mở kinh tế lớn, các tác động tiêu cực của kinh tế thế giới đến kinh tế trong nước có thể diễn ra nhanh và mạnh hơn.

Chính vì vậy, chúng ta cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và sự nỗ lực không ngừng của các cơ quan để cải cách, đổi mới, tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế...

Năm 2019, nền kinh tế Việt Nam có thế và lực mới mới và dần chứng tỏ được vai trò quan trọng trong kinh tế khu vực và toàn cầu. Theo Bộ trưởng, những nút thắt nào của nền kinh tế cần tháo gỡ để Việt Nam tận dụng và bứt phá trong thời gian tới?

- Sau 33 năm thực hiện công cuộc “Đổi mới” đất nước (kể từ năm 1986), đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, thế và lực của nước ta đã lớn mạnh; quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; tính độc lập, tự chủ được cải thiện. 

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro, khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài còn yếu. Các yếu tố nền tảng (thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực...) để sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại còn thấp xa so với yêu cầu. 

Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu xa hơn về kinh tế vẫn hiển hiện trước mắt. Xu hướng già hóa dân số tăng nhanh áp lực lên an sinh xã hội và tăng trưởng kinh tế.

Nhưng, chúng ta đang sống trong thời đại mở với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, tác động sâu rộng, đa chiều đến hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế toàn cầu.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi phải có tư duy mới, tầm nhìn mới. Việt Nam phải lấy “phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” là động lực quan trọng của tăng trưởng. 

Năm 2019, điểm nghẽn giải ngân đầu tư công đã tác động rõ đến các thành phần kinh tế khác, vậy năm 2020, chúng ta nên tháo gỡ các nút thắt để đầu tư công như thế nào để đây thực sự trở thành động lực cho cuộc bứt phá kinh tế trong kỷ nguyên mới?

- Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm do nhiều nguyên nhân, nguyên nhân chủ quan, khách quan. Trong năm 2020, chúng ta cần phân bổ chi tiết mức vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 theo tổng mức vốn đã phê duyệt trong danh mục dự án đã được Thủ tướng giao. Đây là một điểm mới so với các năm trước.

Các cơ quan chức năng cần chủ động đề xuất điều chuyển khối lượng thi công của các nhà thầu có nguy cơ chậm tiến độ cho các nhà thầu khác có khả năng thực hiện tốt, không chậm tiến độ.

Đặc biệt, có chế tài xử lý nghiêm các cá nhân trong đơn vị cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án. Thay thế những viên chức, người lao động yếu kém hoặc nhũng nhiễu, tiêu cực trong công tác đấu thầu.

Về mặt quản lý Nhà nước, rõ ràng để giải ngân đầu tư công chậm có trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương liên quan khi có khá nhiều quy định, chính sách còn vướng mắc, luẩn quẩn. Theo ông ở cấp Bộ, địa phương sẽ phải làm gì để dự án không chậm chễ?

- Để các dự án đầu tư công không chậm tiến độ, chúng ta cần thường xuyên tổ chức đánh giá tiến độ thực hiện các dự án.

Đối với những dự án thực hiện không đúng tiến độ thì quyết định điều chỉnh để chuyển vốn cho những dự án có tiến độ triển khai nhanh hơn.

Đặc biệt, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công.  Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với công tác giải ngân, ngăn chặn những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, bảo đảm đầu tư công được công khai, minh bạch, hiệu quả.

Nguyễn Tuyền

(Lược ghi)

Sau 34 năm “Đổi mới”, kinh tế Việt Nam đạt thành tựu rực rỡ, lịch sử - 2

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *