Thời sự 22/05/2020 15:29

Phát hiện hơn 2.000 dự án chi sai ngân sách, "qua mặt" Chính phủ

Qua kiểm toán 2.055 dự án có sai sót, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 14.729 tỷ đồng. Đáng nói, có tình trạng cho phép lập dự án BOT trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

Liên quan đến vấn đề chi ngân sách nhà nước, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) có báo cáo gửi Quốc hội cho biết: Năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) giao chi tiết kế hoạch vốn (KHV) đầu tư phát triển năm 2018 nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) 5 lần sau ngày 20/12/2017.

Bộ KH&ĐT bố trí KHV cho một số dự án chưa đúng đối tượng và thứ tự ưu tiên; giao vốn dự phòng ngân sách trung ương (NSTW) hỗ trợ cho một số dự án chưa phù hợp quy định của Luật NSNN. Đặc biệt, tiếp tục giao 2.364 tỷ đồng KHV ngoài nước cho 4 dự án đường cao tốc do Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc làm chủ đầu tư không đúng Nghị quyết của Quốc hội.

Phát hiện hơn 2.000 dự án chi sai ngân sách, qua mặt Chính phủ - 1

Bộ KH&ĐT giao 2.364 tỷ đồng kế hoạch vốn ngoài nước cho 4 dự án đường cao tốc do Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc làm chủ đầu tư không đúng Nghị quyết của Quốc hội (ảnh: VnEconomy)

Theo cơ quan kiểm toán, vẫn còn tình trạng một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa chi tiết danh mục ngay từ đầu năm; phân bổ thiếu căn cứ hoặc chưa sát thực tế, chưa đủ điều kiện, không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; bố trí vốn còn dàn trải và ứng trước kế hoạch vốn sai quy định.

Đơn cử là 15/45 địa phương ứng trước dự toán NSTW nhưng chưa bố trí để thu hồi 10.843 tỷ đồng, còn 34/45 địa phương được kiểm toán có số tạm ứng quá hạn chưa thu hồi đến 31/12/2018 là 7.534 tỷ đồng; tạm ứng sai quy định 122 tỷ đồng; ngân sách địa phương (NSĐP) tạm ứng từ NSTW kéo dài, quá thời hạn nhưng chưa thu hồi 5.059 tỷ đồng.

Bộ Tài chính tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2017 đối với sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp đào tạo và dạy nghề cho các địa phương theo tiêu chí dân số không phù hợp dẫn đến xác định số bổ sung cân đối năm đầu thời kỳ ổn định từ NSTW cho các địa phương trên cơ sở trên cơ sở quỹ lương không đảm bảo tính công bằng, khách quan. 

KTNN cho hay, còn nhiều sai sót, tồn tại trong quản lý chi đầu tư từ khâu thẩm định, phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dự án; tổ chức đấu thầu, thực hiện dự án; nghiệm thu, thanh và quyết toán... Qua kiểm toán 2.055 dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 14.729 tỷ đồng. Ngoài ra, qua kiểm toán 9 dự án BOT và 29 dự án BT tại các địa phương cho thấy còn hạn chế trong cơ chế, chính sách và quản lý đối với các dự án này.

“Nổi bật là cho phép lập dự án BOT trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án; không thực hiện quy trình lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án, không tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư và hầu hết chỉ định nhà thầu thi công; công tác thu xếp vốn tín dụng của nhà đầu tư chưa đảm bảo quy định hợp đồng BOT hoặc chưa đảm bảo tiến độ thực hiện dự án; hầu hết các dự án BT và các dự án đối ứng đều chậm tiến độ so với hợp đồng.

Giao đất cho nhà đầu tư thanh toán dự án chưa phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án đối ứng không qua đấu giá theo quy định của Luật Đất đai 2013; xác định đơn giá đất chưa phù hợp; xác định giá đất để giao cho nhà đầu tư tại một số dự án còn tồn tại, bất cập” - báo cáo KTNN nêu rõ.

Công tác sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi còn tồn tại như: Việc đàm phán, ký kết Hiệp định vay vốn gặp những ràng buộc bất lợi; đăng ký nhu cầu vốn vượt khả năng thực hiện; nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, thậm chí không có khả năng giải ngân; điều chỉnh dự án có tiêu chí dự án quan trọng quốc gia khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo và báo cáo Quốc hội; hầu hết các bộ, ngành địa phương chậm hoặc không báo cáo tình hình tiếp nhận và sử dụng vốn ODA...

Ngoài ra, Bộ Tài chính tổng hợp đưa vào quyết toán NSNN năm 2018 một số khoản chi từ nguồn viện trợ không hoàn lại chưa được cấp có thẩm quyền phân bổ chi tiết cho các bộ, ngành, cơ quan trung ương 5.370 tỷ đồng.

Áp lực vì nợ công gia tăng

Dư nợ công đến 31/12/2018 là 3.232.411 tỷ đồng, bằng 58,3% GDP thực hiện; nợ Chính phủ 2.767.229 tỷ đồng, bằng 49,9% GDP thực hiện. Mặc dù các chỉ tiêu nợ công, nợ chính phủ so với GDP tiếp tục giảm so với các năm trước nhưng dư nợ công năm 2018 tiếp tục gia tăng 159.117 tỷ đồng tương đương 5,18% so với năm 2017.

Nợ công tăng dẫn đến áp lực về nghĩa vụ nợ ngày càng cao đối với NSNN, trong đó chi trả nợ lãi 104.443 tỷ đồng bằng 146% tổng chi đầu tư phát triển của NSTW và bằng 68,2% bội chi NSNN năm 2018.

Một số dự án vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, không trả nợ đúng hạn, để quá hạn, phải khoanh nợ; năm 2018 còn phải ứng Quỹ tích lũy trả nợ để trả nợ cho 2 dự án Chính phủ bảo lãnh 1.184 tỷ đồng.

Châu Như Quỳnh 

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *