Thời sự 03/10/2018 16:48

“Ông Đỗ Mười là người đặc biệt quyết đoán”

“Ông Đỗ Mười là người đặc biệt quyết đoán trong việc làm theo nghị quyết của Đảng. Những gì Đảng đã quyết và giao cho ông làm thì ông làm rất triệt để”, ông Võ Đại Lược nói. 

Một lần đầu năm 1992 ông Võ Đại Lược, khi đó là Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, sang Nga. Biết ông Lược từng thuộc tổ chống lạm phát nên có quan hệ gần gũi với một số lãnh đạo, giám đốc một doanh nghiệp tư nhân là Bracofev, nguyên ủy viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô, mời ăn tối. Chủ nhà nói với ông Lược: “Tôi rất quý Việt Nam nên tôi mách anh cách trả nợ. Đây là thời cơ duy nhất có lợi cho Việt Nam…”

Lúc đó, Việt Nam nợ Liên Xô cũ, tức là nợ Nga, 10 tỷ rúp vàng.

Về Việt Nam, ông Lược nói lại chuyện đó với ông Đỗ Mười. Ông Lược kể, ông Mười nghe xong rồi nói: “Tuần trước tôi vừa chủ trì họp về chủ đề này, không có tiền để trả nên bó tay, dừng không bàn nữa. Bây giờ anh đưa ra ý kiến này hay quá”.

Ông Mười gọi cho Bộ Tài chính đề nghị để ông Lược sang trình bày. Hơn một tuần sau đó Bộ Chính trị họp lại để nghe Bộ Tài chính trình phương án trả nợ… Sau đó, thì có đoàn Việt Nam sang Nga để thảo luận việc này.

Chỉ khoảng 1 tháng sau đó, theo trí nhớ của ông Lược, Nga tuyên bố xóa phần lớn nợ cho Việt Nam. Thêm vài năm sau đó, Việt Nam đã trả hết nợ.

Kể lại chuyện này trong căn phòng làm việc ở trụ sở Viện Triết học, ông Lược nói: “Đây là vấn đề rất lớn liên quan đến việc thuê vịnh Cam Ranh. Nếu ta còn nợ thì chỉ riêng tiền lãi cũng đủ để họ thuê lâu dài”.


Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachov tiếp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười trong chuyến thăm Liên Xô, ngày 7/5/1991, tại điện Kremlin ở thủ đô Moskva

Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachov tiếp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười trong chuyến thăm Liên Xô, ngày 7/5/1991, tại điện Kremlin ở thủ đô Moskva

Ông Lược, giờ đã hơn 80 tuổi và còn rất minh mẫn, nhớ lại một kỷ niệm góp ý cho Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười về việc cấp hộ chiếu cho công dân. Lúc bấy giờ, việc cấp hộ chiếu phổ thông còn tương đối khó khăn. Bản thân ông Lược lúc đó có hộ chiếu công vụ mà mỗi lần đi nước ngoài làm việc phải xin giấy phép của công an mới đi nước ngoài được.

Ông Mười sau đó bàn với Bộ Nội vụ và Bộ Ngoại giao về việc này. Kết quả là đến tháng 7/1993, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phan Văn Khải đã ký Nghị định Số 48-CP về hộ chiếu và thị thực. Văn bản này đã thay thế Nghị định số 389/TTg năm 1959 đã tồn tại 34 năm và gây khó khăn rất nhiều trong việc cấp hộ chiếu cho công dân, đặc biệt sau khi đất nước thống nhất. Chỉ thời gian sau, Mỹ mở Lãnh sự quán ở TP.HCM. “Nay có hộ chiếu rồi thì ai cũng đi nước ngoài được, không còn cảnh khổ sở như trước”, ông Lược nhớ lại.

Hội nhập quốc tế

Vài năm sau Đổi mới nổ ra tranh luận liệu Việt Nam có nên nối lại quan hệ với các định chế tài chính nước ngoài World Bank và IMF. Môt luồng ý kiến áp đảo nói, các tổ chức tài chính đó là của tư bản lập ra, ta theo cộng sản, sao lại tham gia các tổ chức đó. Lập luận của họ đơn giản như thế nhưng lại rất có lý.

Một lần, ông Đỗ Mười hỏi ý kiến ông Võ Đại Lược. Là Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới nên ông Lược có nhiều cơ hội đi nước ngoài và tiếp xúc quốc tế hơn nhiều người khác. Ông Lược đáp: “Việt Nam không thể không tham gia. Tôi đã nghiên cứu rất kỹ các quy định của họ, không có quy định nào là phản động hay chống phá Việt Nam cả”.

Ông Đỗ Mười nói cá nhân ông đồng ý Việt Nam tham gia, nhưng phải thuyết phục thêm Bộ Chính trị. Vì thế, ông Mười yêu cầu ông Nguyễn Mạnh Cầm và ông Lê Văn Triết (Bộ trưởng Thương mại) và các chuyên gia khác đến báo cáo cho Bộ Chính trị. Nhờ những nỗ lực như thế, đến năm 1993 thì Hội nghị Nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam lần đầu tiên tổ chức tại Paris, nối lại lại viện trợ ODA cho Việt Nam.

Sau Đại hội VII năm 1991, ông Đỗ Mười lên làm Tổng Bí thư. Lúc đó, chúng ta cử một đoàn sang Malaysia để tuyên truyền về chính sách và đường hướng phát triển sau Đại hội. Việt Nam chưa vào Asean thời điểm đó.

Trong một cuộc họp, có một học giả đật câu hỏi: “Khi nào thì Việt Nam gia nhập Asean. Các ông cứ nói là sẽ gia nhập Asean vào thời điểm thích hợp, nhưng tôi hỏi, Việt Nam sẽ gia nhập Asean sau 1 năm, 5 năm hay không bao giờ?”. Trưởng đoàn yêu cầu ông Lược, với vai trò là học giả, trả lời cho đỡ nhạy cảm.

Tuy nhiên, ông Lược nói thẳng: “Nếu Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam thì tôi chắc chắn Việt Nam sẽ gia nhập Asean ngay”.

Về Việt Nam, người ta gọi điện sang văn phòng Tổng Bí thư yêu cầu khiển trách ông Võ Đại Lược vì đã trả lời không đúng với phong cách ngoại giao. Tuy nhiên, ông Lược kể, rất may là ông Mười bảo vệ và kết luận là ông Lược trả lời như thế không có gì sai.

Quả nhiên, tất cả sau đó diễn ra đúng với nhận xét đó. Ngày 11 tháng 7 năm 1995 Mỹ tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam thì ngày 28 tháng 7 năm 1995, Việt Nam trở thành thành viên của Asean.

Vào WTO là vấn đề lớn nhất. Năm 1990 ông Lược sang Pháp, một tỷ phú người Pháp nói với ông Lược là Việt Nam phải gia nhập WTO mới có cơ hội phát triển. Ông Lược trình bày cho ông Mười về việc đó.

Theo hồi ký của nguyên Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết được nhà báo Huỳnh Phan ghi lại trên Tuần Việt Nam, vào WTO và ký BTA là cả tiến trình dài và nhờ công của rất nhiều người.

Ông Triết kể, năm 1994 ông Triết được Thủ tướng Võ Văn Kiệt yêu cầu chuẩn bị đề án gia nhập WTO và ký Hiệp định Thương mại Song phương (BTA) với Mỹ. Khi ông Triết trình ra Bộ Chính trị, Tổng bí thư Đỗ Mười đã có những băn khoăn cho rằng Việt Nam chưa đủ điều kiện để gia nhập WTO.

Ông Kiệt đã trả lời: “Đúng Việt Nam không có nhiều hàng hóa, nhưng mình đâu có biết thế giới người ta cần cái gì, cho nên cần phải gia nhập để biết, và từ đó tổ chức lại cơ cấu nền kinh tế, từ đó mình sản xuất và bán đúng cái thế giới đang cần, và nhập từ nước khác những cái mà mình không có và không có lợi thế tự làm. Như vậy nền kinh tế Việt Nam mới “không bị thủng lỗ chỗ”.

Thứ hai là xem ra 108 thành viên của WTO có ba mươi mấy nước còn kém Việt Nam xa. Vậy tại sao Việt Nam lại không dám làm, khi họ dám làm? Mình phải cử người đi học cái không biết để về mình làm.

Thứ ba, mình không am hiểu luật pháp của WTO và các nước thành viên, thì cứ cử người tham gia vào đó để tìm hiểu, từ đó xây dựng luật pháp của mình tương thích với thế giới”.

Sau khi ông Kiệt phát biểu, cộng thêm với ý kiến ủng hộ của ông Phạm Văn Đồng và một số người khác, Tổng Bí thư kết luận “đa số đã ủng hộ, vậy các anh cứ về chuẩn bị làm đơn xin gia nhập WTO”.

Theo ông Lược, câu nổi tiếng nhất của ông Mười, tạo nền tảng cho hội nhập sâu rộng của Việt nam là “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước”.

Ông Lược kể, khi chuẩn bị Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 1991-2000, có nhiều cơ quan cùng tham gia các phương án khác nhau. Tuy nhiên, các phương án này vẫn có chung một quan điểm là phân biệt các thành phần kinh tế như thành phần tư bản tư nhân, thành phần phi xã hội chủ nghĩa, thành phần xã hội chủ nghĩa,…. Lúc đó, nhiều chuyên gia đã khuyên là nên bỏ thành phần phi xã hội chủ nghĩa vì nếu còn phân biệt thành phần đó thì còn rủi ro phải cải tạo nó và tiếp tục phải đấu tranh giai cấp. Ông Mười đồng ý ngay.

Câu chuyện đó ra vấn đề, vì sao cải tạo công thương nghiệp ở Miền Nam trước đó chỉ hơn một thập kỷ lại được thực thi triệt để như vậy?

Ông giải thích: “Ông ấy là người đặc biệt quyết đoán trong việc làm theo nghị quyết của Đảng. Những gì Đảng đã quyết và giao cho ông làm thì ông làm rất triệt để. Nhưng sau này khi giữ vai trò lãnh đạo thì ông lại rất thận trọng dù vẫn quyết đoán”.

Theo ông Lược, dưới thời Tổng Bí thư Đỗ Mười, người ta đã đặt nền móng để phát triển hệ thống ngân hàng thương mại, thị trường chứng khoán và cải cách doanh nghiệp nhà nước.

“Tóm lại, ông Đỗ Mười có công rất lớn là thực hiện chương trình Đổi mới ở Việt Nam từ kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, gia nhập các tổ chức tài chính quốc tế và bình thường hóa quan hệ với các nước”, ông Lược nói.

Tuy nhiên, trong thời đó có hai vấn đề lớn là đất đai là sở hữu toàn dân và kinh tế nhà nước là chủ đạo không được đặt ra để xử lý và cứ kéo dài mãi đến ngày nay.

Liên quan đến Hội nghị Thành Đô mà người ta đồn thổi trên mạng như nào là Việt Nam sẽ trở thành một tỉnh của Trung Quốc, nào sát nhập … tôi hỏi ông Lược xem chuyện đó thực hư ra sao. Ông đáp: “Tôi đã hỏi ông Đỗ Mười vài lần, anh là người đã tham gia Hội nghị và sau đó người ta có bàn tán đến một vài điểm, thực hư ra sao? Ông Mười khẳng định: làm gì có chuyện đó, ai dại gì ký kết như vậy”. Là một nhà nghiên cứu, ông Lược cũng tham khảo thêm nhiều nguồn nhưng không thể tìm ra văn bản nào có nội dung liên quan. Ông Lược nói: “Tôi khẳng định không có văn bản như vậy. Tất cả chỉ là tin đồn hoàn toàn bịa đặt”.

Theo Tư Giang
VietnamNet

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *