Thời sự 12/01/2014 09:25

Nới “room”: Ngân hàng yếu là miếng mồi

Ngoài những ngân hàng yếu kém, hầu hết các ngân hàng đã cạn “room” cho vốn ngoại. Do đó, Nghị định 01/2014/NĐ-CP khó có thể tạo ra làn sóng vốn ngoại đổ vào lĩnh vực ngân hàng.

Nhiều ngân hàng đã cạn “room”

Theo Nghị định 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được nâng lên 20% (quy định cũ là 15%); tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam.

Chiểu theo quy định trên, nhiều ngân hàng trong nước đã cạn “room” vốn ngoại.

 

 VPBank cùng nhiều ngân hàng lớn khác đang tìm kiếm cổ đông

chiến lược nước ngoài mới để tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, quản trị.

Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng An Bình (ABBank) cho biết, hiện ABBank đã bán 20% vốn cho Maybank và 10% vốn cho IFC. Như vậy, Nghị định 01/2014/NĐ-CP không tác động đến ngân hàng này, vì “room ” đã cạn. Trước đó, ông Tiền kỳ vọng, room vốn ngoại sẽ được nới lên 49%, giúp các ngân hàng nội cải thiện năng lực tài chính và quản trị.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cũng tỏ ra thất vọng, vì tỷ lệ sở hữu cổ phần được nới không đáng kể. Theo vị này, gần một nửa ngân hàng nội trên thị trường hầu như không có cơ hội bán thêm vốn cho đối tác ngoại, sau khi Nghị định 01/2014/NĐ-CP ra đời.

Theo tìm hiểu của phóng viên  hiện nay, rất nhiều ngân hàng đã hết “room” vốn ngoại hoặc đã có nhà đầu tư chiến lược sở hữu 20% vốn. Chẳng hạn, BNP Paribas sở hữu 20% vốn điều lệ của OCB, Commonwealth Bank of Australia sở hữu 20% vốn điều lệ của VIB, HSBC sở hữu 20% vốn của Techcombank, Societe Generale sở hữu 20% vốn của SeABank, United Overseas Bank sở hữu 20% vốn của Southern Bank, BTMU sở hữu gần 20% vốn của VietinBank…

Tất nhiên, trên thị trường, vẫn còn nhiều ngân hàng chưa có đối tác chiến lược nước ngoài. Mới đây, sau khi sạch bóng vốn ngoại, VPBank tuyên bố đang tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài mới. Tổng giám đốc VPBank, ông Nguyễn Đức Vinh cho biết, hiện đã có một số nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng quan tâm, tiếp xúc và thương thảo với VPBank.

Một trường hợp khác cũng đang tìm đối tác ngoại là HDBank. Với số vốn điều lệ lên tới 8.100 tỷ đồng (sau khi sáp nhập DaiAbank), nếu bán 30% vốn cho nước ngoài, đây sẽ là thương vụ khủng.

Ngoài VPBank, HDBank, không ít ngân hàng khác cũng âm thầm tìm đối tác ngoại. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào chào bán cổ phần cũng được đối tác ngoại quan tâm, nhất là khi thông tin hoạt động của các ngân hàng chưa minh bạch, trong khi “room” 20% là quá nhỏ.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, Nghị định 01/2014/NĐ-CP chưa thể tạo ra làn sóng vốn ngoại đổ vào lĩnh vực ngân hàng.

Ngân hàng yếu khó hút vốn nếu không “bán đứt”

Theo ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam, nếu chỉ cho vốn ngoại nắm 20 - 25% cổ phần thì sẽ rất khó thay đổi quản trị của ngân hàng đó. Do vậy, nhà đầu tư ngoại muốn có một tỷ lệ cao hơn.

Đồng quan điểm này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, với Nghị định 01/2014/NĐ-CP, điểm hấp dẫn nhất với các nhà đầu tư ngoại là các ngân hàng yếu kém. Tuy Nghị định 01/2014/NĐ-CP không nêu rõ tỷ lệ sở hữu của nước ngoài với ngân hàng yếu kém (Thủ tướng sẽ quy định tùy từng trường hợp cụ thể), song quy định “mở” như trong Nghị định, có thể không ngoại trừ việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép “bán đứt” 100% ngân hàng yếu cho nước ngoài. Và cũng chỉ khi bán từ 51% vốn trở lên, vốn ngoại mới quan tâm mua lại ngân hàng yếu kém.

Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCharm) cho rằng, sẽ là giấc mơ viển vông nếu nghĩ nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng mua lại những ngân hàng hoạt động trì trệ và rơi vào khó khăn nhất, với tỷ lệ 49%. Với những ngân hàng này, nhà đầu tư phải nắm quyền kiểm soát, thay đổi toàn bộ quản trị, điều hành mới mong đem lại hiệu quả.

Rất có thể, tới đây, GPBank sẽ là ngân hàng nội đầu tiên bán 100% cổ phần cho Ngân hàng UOB của Singapore. Thương vụ này, nếu diễn ra, sẽ trở thành động lực cho vốn ngoại tham gia tái cơ cấu ngân hàng Việt Nam.

Theo chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, với các ngân hàng yếu kém, việc nới mạnh “room”, thậm chí bán đứt cho ngân hàng nước ngoài là rất cần thiết, nên NHNN cần thoáng hơn trong nới “room” các đối tượng này.

Tương tự, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, với các ngân hàng yếu kém, việc nới tỷ lệ sở hữu lên 49 - 100% là hợp lý, nhằm tận dụng nguồn lực tài chính và quản trị của nước ngoài để tái cơ cấu hệ thống. Tuy nhiên, TS. Vũ Đình Ánh cũng tán thành việc thận trọng trong nới “room” với toàn hệ thống.

Theo Hà Tâm
Báo Đầu tư

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *