Thời sự 20/08/2014 09:31

Nợ xấu "nhảy múa" tăng giảm đúng quy trình?

6 tháng đầu năm, nợ xấu của các ngân hàng đồng loạt tăng, cùng với chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lớn.

Nợ xấu tăng mạnh

Cụ thể, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng Á châu (ACB), Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank)… đều nằm trong nhóm ngân hàng có mức nợ xấu quá 3%”; Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng đã ngấp nghé khi ở mức 2,94%.

Nợ xấu của Vietinbank  tại thời điểm 30/6 là 9.575 tỉ đồng, tăng tới hơn 2,4 lần so với cuối năm 2013 trong khi suốt thời gian dài trước 2014, nợ xấu của Vietinbank luôn được công khai chỉ là 1% và lãnh đạo ngân hàng đã tỏ ra tự tin về chất lượng tài sản của ngân hàng.

Tình hình chung, nợ xấu tại hầu hết các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính tính đến 30/6/2014 đều tăng, có những bước tăng mạnh và có những thành viên đã vượt 5%, thậm chí từ 7-8%... Theo đó, mức bình quân hệ thống đến tháng 6/2014 (hiện chưa công bố) có thể cũng đã tăng mạnh sau khi giảm dưới 4% cuối 2013.

Trước đó, tại Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm của Ngân hàng nhà nước, Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng thừa nhận, tình hình xử lý nợ xấu có vẻ như chậm lại trong thời gian qua.

Thống đốc cũng thông tin, Công ty quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) đã mua được trên dưới 50.000 tỷ đồng nợ xấu và kế hoạch năm nay sẽ mua khoảng 70.000 – 100.000 tỷ đồng.

Những khoản nợ xấu của khu vực doanh nghiệp Nhà nước  có thể sẽ phải dùng ngân sách để trả
Những khoản nợ xấu của khu vực doanh nghiệp Nhà nước có thể sẽ phải dùng ngân sách để trả

Mặc dù trước đó, Thống đốc Nguyễn Văn Bình trong phần trả lời gửi tới cử tri quan tâm đến vấn đề xử lý nợ xấu trong kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 12 đã đưa ra những thông tin cho thấy sự khả quan trong việc áp dụng nhóm giải pháp xử lý nợ xấu thời gian qua.

Cụ thể, VAMC đã mua được tổng số nợ xấu của các ngân hàng với số dư nợ gốc 39.307 tỷ đồng và giá mua là 32.739 tỷ đồng, chiếm khoảng 40-50% nợ xấu của các TCTD.

"Về phía ngành Ngân hàng, NHNN và các TCTD đã, đang cơ cấu lại nợ, tiếp tục hỗ trợ vốn tín dụng cho khách hàng vay phục hồi sản xuất kinh doanh, xử lý nợ xấu bằng dự phòng rủi ro, thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu qua VAMC, tăng cường chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu gia tăng, hoàn thiện cơ chế, chính sách…", Thống đốc trả lời cử tri.

Thế nhưng chỉ sau khi bế mạc Quốc hội 1 tuần, con số công bố về nợ xấu chính thức được NHNN đưa ra cho thấy sự đáng ngại nghiêm trọng về nợ xấu.

Theo đó tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng liên tiếp tăng và chính thức vượt mốc 4%.

Cụ thể, sau khi giảm rất mạnh từ 4,55% tháng 11/2013 xuống chỉ còn 3,61% tháng 12/2013 (tháng chốt sổ cuối năm và cao điểm bán lại nợ xấu cho VAMC), nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đã liên tiếp tăng qua các tháng đầu năm 2014.

Tháng 1/2014, nợ xấu tăng trở lại và lên mức 3,74%, tháng 2 lên 3,86%, tháng 3 lên 3,93% và số liệu cập nhật mới nhất và gần nhất đến tháng 4/2014 đã chính thức vượt mốc 4% với 4,03%.

Nợ tập đoàn nhà nước chiếm 50% GDP

Trên thực tế, báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đưa ra vào cuối năm 2013 đã cho rằng, yếu kém của doanh nghiệp Nhà nước đã gây tác động tiêu cực lên bức tranh nợ xấu - vốn đã rất ảm đạm do suy giảm kinh tế.

Trích dẫn số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, báo cáo cho biết, đến cuối 2012, nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước (chưa tính Vinashin) chiếm 11,8% tổng nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng và 5% dư nợ đối với doanh nghiệp Nhà nước.

Với số liệu trên, nhóm chuyên gia ước tính nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước khoảng 24.950 tỷ đồng. Con số này chưa bao gồm nợ xấu của Vinashin tại các tổ chức tín dụng trong nước (ước tính khoảng 19.800 tỷ đồng năm 2010) và nợ đã được cơ cấu lại theo Quyết định 780 của Ngân hàng Nhà nước (ước chiếm khoảng 10% tổng dư nợ năm 2012).

"Theo tính toán này thì nợ xấu và nợ cơ cấu lại của khu vực doanh nghiệp Nhà nước năm 2012, bao gồm các khoản của Vinashin sẽ vào khoảng 44.750 tỷ đồng. Nếu như phần khu vực doanh nghiệp Nhà nước còn lại (không kể Vinashin) chiếm 15% số nợ đã được cơ cấu lại (ước khoảng 28.300 tỷ đồng) thì tổng số nợ xấu và nợ cơ cấu lại của khu vực doanh nghiệp Nhà nước sẽ khoảng hơn 73.000 tỷ đồng", các chuyên gia tính toán.

Các khoản nợ xấu nêu trên cũng được đánh giá là rất khó giải quyết. "Doanh nghiệp tư nhân có thể dễ dàng bán tài sản hoặc nhượng cổ phần cho các doanh nghiệp khác để có tiền trả nợ ngân hàng. Nhưng doanh nghiệp Nhà nước rất khó có thể bán theo giá thị trường trong giai đoạn kinh tế suy giảm.

Vì vậy, các khoản nợ mà các doanh nghiệp Nhà nước vay thường phải trông đợi vào sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước dưới các hình thức xóa nợ, khoanh nợ, chuyển nợ, bổ sung vốn...", báo cáo chỉ ra.

Cũng trong năm 2012, theo báo cáo của Chính phủ gửi đến Quốc hội, 127 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - công ty con có tổng số nợ phải trả là gần 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với 2011, tương đương 50% GDP.

Trong đó, nợ ngân hàng của riêng những "ông lớn" này chiếm 1/3 tổng dư nợ của cả nền kinh tế. Cụ thể, khoản nợ vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng của các tập đoàn, tổng công ty là 402.955 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2011, tương ứng 1/3 tổng dư nợ của cả nền kinh tế.

Có số nợ vay tương đối lớn là Tập đoàn Dầu khí PVN 124.499 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực EVN 103.194 tỷ, Tổng công ty Hàng hải 31.681 tỷ…

Các tập đoàn, tổng công ty cũng đang nợ nước ngoài 315.851 tỷ đồng, vay ngắn hạn là 70.659 tỷ, dài  hạn là 245.192 tỷ. Trong đó, vay lại vốn ODA của Chính phủ là 54,574 tỷ đồng, vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh là 150.681 tỷ, còn lại các doanh nghiệp tự vay, tự trả.

Theo Hà Anh 

Đất Việt

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *