Thời sự 02/12/2021 22:19

Những tiết lộ ban đầu về gói hỗ trợ, kích thích kinh tế đang được mong đợi

Bàn về gói hỗ trợ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, chúng ta không sợ tăng trần nợ công mà vấn đề là sử dụng hiệu quả, đưa vào đâu, mục đích gì, hấp thu ra sao...

Những tiết lộ ban đầu về gói hỗ trợ, kích thích kinh tế đang được mong đợi - 1

Gói hỗ trợ được thiết kế trong bối cảnh cả doanh nghiệp, người dân đều hết sức khó khăn dưới tác động của đại dịch Covid-19 (Ảnh: Mạnh Quân).

Quốc hội bàn về gói hỗ trợ trong kỳ họp bất thường cuối năm

Trước thềm "Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững" sắp diễn ra ngày 5/12, lãnh đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện Kinh tế Việt Nam đã có những chia sẻ ban đầu về gói hỗ trợ phục hồi kinh tế xã hội đang rất được dư luận quan tâm.

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết gói hỗ trợ phục hồi kinh tế là một trong 5 nội dung dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại phiên họp bất thường sắp tới.

Theo ông Thanh, gói hỗ trợ được thiết kế trong bối cảnh cả doanh nghiệp, người dân đều hết sức khó khăn dưới tác động của đại dịch Covid-19. Thời gian qua, dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, việc tiếp tục ban hành gói hỗ trợ phục hồi kinh tế là cần thiết.

"Đến hiện tại, gói này chưa được Chính phủ trình sang. Theo chương trình thẩm tra của Ủy ban Kinh tế ngày mai (3/12) thì nội dung đề án chính sách tài khóa, tiền tệ vẫn chưa có. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động từ sớm từ xa, Quốc hội và Chính phủ cùng các chuyên gia và nhà khoa học đã bàn nhiều về nội dung này", ông Thanh cho biết.

Ngày 5/12 sắp tới, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 bàn về phục hồi và phát triển bền vững cũng được tổ chức với mục đích là lắng nghe các chuyên gia về cách giải quyết gói hỗ trợ này như thế nào để phù hợp, đáp ứng phục hồi kinh tế thời gian tới, ông Thanh thông tin.

Những tiết lộ ban đầu về gói hỗ trợ, kích thích kinh tế đang được mong đợi - 2

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chia sẻ thông tin về gói hỗ trợ (Ảnh: QH).

Cũng theo ông Thanh, trong bối cảnh đặc biệt thì cũng cần có những cơ chế chính sách đặc biệt. Đối với lo ngại gói hỗ trợ tác động làm tăng nợ công, ông Thanh nêu quan điểm: Chúng ta không sợ tăng trần nợ công hay chi tiêu mà vấn đề là sử dụng hiệu quả, đưa vào đâu, mục đích gì, hấp thu ra sao, hiệu quả ra sao. Đây mới là vấn đề quan trọng.

Lãnh đạo Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, có ý kiến cho rằng gói hỗ trợ phải nhanh, lan tỏa, tích cực, tập trung trong hai năm. Theo đó, mỗi năm tăng bội chi 1% GDP. Theo tính toán của các chuyên gia, với liều lượng tăng 1% GDP bội chi, các mức an toàn về nợ công, nợ chính phủ và nợ nước ngoài vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Ngoài ra, gói hỗ trợ, theo ông Thanh, phải có trọng tâm có trọng điểm, tác động cả cung lẫn cầu. Về độ lớn, độ dài thế nào thì diễn đàn này cũng bàn luận về quy mô gói này là bao nhiêu, trong đó tính toán tài khóa và tiền tệ sẽ là bao nhiêu.

Ông Thanh cho biết, có ý kiến cho rằng theo kinh nghiệm quốc tế thì tài khóa 65%, tiền tệ 35%. Đối với các gói của Việt Nam trong hai năm 2020-2021 khoảng 4% GDP, trong đó 2,9% tài khóa và 1,1% là tiền tệ, cơ cấu gần giống với quốc tế. Hiện dư địa về tài khóa còn nhiều hơn tiền tệ.

Còn về độ dài, ông Thanh cho biết có thể tập trung 2 năm tới, trong đó năm 2022 tập trung phục hồi và 2023 là đầu tư kích thích tăng trưởng. Về nguồn huy động thì phải cân nhắc trên cơ sở khả năng trả nợ, bảo đảm tính khả thi và đáp ứng mức độ hấp thu của nền kinh tế.

"Quốc hội cũng đã yêu cầu phải quản lý rủi ro, công khai, minh bạch, tránh trục lợi chính sách, tránh phân tán, chống tham nhũng, lợi ích nhóm ở gói hỗ trợ này", ông Thanh nhấn mạnh.

Quy mô gói hỗ trợ phải đủ lớn, đủ dài

Thông tin thêm về gói hỗ trợ, ông Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng quy mô gói hỗ trợ phải đủ lớn về quy mô mới có tác dụng, còn nếu gói hỗ trợ nhỏ quá sẽ không đủ lượng, không đảm bảo tác động.

"Còn quy mô ở mức độ nào thì phải tính toán. Qua rà soát thì chúng ta có một số lĩnh vực có không gian để tận dụng. Ví dụ như trần nợ công còn dư địa, đến nay khoảng 43,7% GDP. Tất nhiên chúng ta cũng không nên tận dụng quá để dẫn đến hệ lụy…", ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng tiết lộ thêm: "Chúng tôi tính toán quy mô gói hỗ trợ này không tới 10% GDP như các nước xung quanh chúng ta nhưng cũng phải 6-8% GDP". Về việc chi vào đâu, ông Tuấn cho biết sẽ có những đối tượng được ưu tiên của gói hỗ trợ này.

"Khủng hoảng này xuất phát từ dịch bệnh, tức là nguyên nhân phi kinh tế thì chữa trị cũng phải tập trung vào các vấn đề khác như y tế, y tế dự phòng, y tế cơ sở và cho đến vấn đề đời sống người lao động, doanh nghiệp… chứ không phải cứ nhăm nhăm khủng hoảng kinh tế thì chỉ hỗ trợ kinh tế, mà phải là hỗ trợ kinh tế và xã hội", ông Tuấn nói.

Cũng theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chúng ta cũng nên rà soát lại các trọng tâm, chia ra hai mục tiêu ngắn hạn (giải quyết trước mắt) và sau đó là trung hạn, dài hạn (rà soát lại các động lực tăng trưởng).

Nếu phân chia như vậy, theo ông Tuấn, trọng tâm ngắn hạn sẽ hỗ trợ doanh nghiệp ở các khía cạnh như giảm thuế, phí, bảo hiểm, các loại chi phí khác doanh nghiệp phải đóng…

"Doanh nghiệp cầm cự đến giai đoạn này là oải lắm rồi, không can thiệp sớm thì sẽ hy sinh nhiều, thậm chí cả doanh nghiệp khỏe. Cũng gần 2 năm rồi!", ông Tuấn nói và cho rằng con số khoảng 10.000 doanh nghiệp rời thị trường mỗi tháng rất đáng báo động.

Ngoài các yếu tố trên, ông Tuấn cũng nhấn mạnh việc hỗ trợ tín dụng rất quan trọng. Bên cạnh đó là việc tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ chuyển đổi số, tiếp cận lao động, thông tin cùng các vấn đề đầu vào khác.

Nguyễn Mạnh - Quang Phong

Chuyên mục: Thời sự , Vĩ Mô

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *