Thời sự 22/09/2019 08:45

Nhức nhối căn bệnh sợ sai, cầu an của quan chức

“Bệnh” quan chức sợ sai hay quan chức “cầu an” là những cụm từ được giới chuyên gia kinh tế liên tục đề cập đến trong các bài phỏng vấn trên Dân Trí tuần qua. Tâm lý này không chỉ để lại hệ luỵ lớn với nền kinh tế mà còn ẩn chứa những vấn đề nhức nhối khác.

Quan chức "cầu an": Có công ai cũng nhận, quy trách nhiệm thì là cả tập thể

Nhức nhối căn bệnh sợ sai, cầu an của quan chức - 1

Chuyên gia Phạm Chi Lan

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải chia sẻ với báo Dân Trí những ý kiến xung quanh về chủ đề mà Dân Trí đang nêu ra là xu hướng quan chức "co rụm", "cầu an" vì sợ trách nhiệm, sợ sai; sếp doanh nghiệp Nhà nước "cầu thân", "phòng thủ" không dám làm, sợ trách nhiệm khiến nền kinh tế có điểm nghẽn vì năng lực yếu kém của cán bộ .

Có một thực tế là công chức vào Nhà nước rồi thì làm hay không làm không sao cả, thậm chí những người nào làm hăng hái, tích cực thì nhiều khi dễ bị va chạm, vô tình không đúng quy định thì có tội, còn người làm ít không sao hết.

Hiện nay, người vào Nhà nước được biên chế gần như suốt đời thì tạo ra cho một số người có mưu cầu cho bản thân họ. Nếu làm cái gì có lợi cho mình mà an toàn thì họ làm ngay; còn cái gì có lợi mà không an toàn cho mình thì đắn đo thêm một chút; cái gì không an toàn, không lợi cho mình thì họ không lựa chọn. Mà trong hệ thống của Việt Nam, không làm thì cũng không làm sao cả, cho nên họ chọn những giải pháp an toàn hơn.

Theo bà Lan, hiện nay, ngay cả việc phá sức ì trong bộ phận công chức chúng ta cũng rất khó khăn, nan giải chứ không nói gì đến chuyện kỷ luật, quy trách nhiệm người đứng đầu, người liên quan. Để quy trách nhiệm, kỷ luật, đưa ra khỏi Nhà nước là rất khó khăn, nhiều khâu, thậm chí kỷ luật một người còn phải xét đến gia đình, nhân thân làm yếu tố giảm tội.

Làm ở nhà nước, dù có phân công công việc nhưng bản mô tả công việc không rõ ràng, không minh bạch, không quy trách nhiệm giải trình, khiến cho công chức nhờn luật.

Giải trình sai phạm hiện rất khó khăn để quy trách nhiệm của từng cá nhân. Có công thì có thể có ai đứng đầu nhận lấy, còn trách nhiệm thì thường là chia đều cả tập thể.

"Bệnh" quan chức sợ sai, không dám làm: Lỡ cơ hội, gây thiệt hại kinh tế

Nhức nhối căn bệnh sợ sai, cầu an của quan chức - 2

Cán bộ sai phạm phải bị xử lý nghiêm

Ông Vũ Vinh Phú – chuyên gia kinh tế - nói với Dân trí: Người ta có câu, khi sóng gió mới biết ai vững tay chèo. Đáng lẽ đây là dịp nhìn lại, rút kinh nghiệm, lấy lại niềm tin của người dân về hình ảnh cán bộ công quyền thì một bộ phận lại tỏ ra sợ hãi, cầm chừng trước mọi quyết định.

Một thực tế đáng quan ngại khác, đó là cái đáng làm thì không dám làm. Cái không nên làm lại làm mà còn làm rất nhanh, rất mạnh tay. Đứng sau đó là cả câu chuyện lợi ích nhóm, là tư lợi cá nhân và vô số những vấn đề khác nữa.

Tác hại của việc cán bộ “không dám làm” là thời cơ của người dân, của doanh nghiệp, rộng hơn là cả nền kinh tế bị lỡ mất, gây thiệt hạ cho xã hội, cho địa phương, cho đất nước. Nhiều dự án có thể từ đó mà trì trệ, khó đảm bảo tăng trưởng…

Ông Phú cho rằng, không thể chấp nhận tại bộ máy công quyền mà các cán bộ - những người được gọi là “đầy tớ” là công bộc của dân, ăn lương của dân lại không muốn làm việc, bởi vì họ sợ làm sai, bị xử lý kỷ luật.

Rõ ràng, cán bộ sai phạm phải bị xử lý nghiêm. Nhưng nếu chỉ vì sợ sai, sợ bị xử lý mà những lãnh đạo, công chức đương nhiệm co cụm lại không làm thì cũng là sai.

"Bệnh" quan chức sợ sai không dám làm: Gây mất cơ hội rồi trì trệ kinh tế , "chữa" thế nào?

Nhức nhối căn bệnh sợ sai, cầu an của quan chức - 3

Ông Đỗ Văn Sinh

Ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng: Hành động thực tiễn của mỗi con người phụ thuộc vào năng lực và ý thức cá nhân. Sợ không dám làm thì có thể do ý thức trách nhiệm kém hoặc do cán bộ thiếu năng lực, làm gì cũng sợ sai. Tâm lý sợ hãi tới mức không dám làm, đùn đẩy, né tránh… phản ánh sự kém cỏi về ý thức, trình độ, kiến thức nhận biết đúng sai rất yếu.

Nếu có trình độ, năng lực, trách nhiệm thì anh càng phải cố gắng làm đúng hơn, tốt hơn nhiệm vụ của mình sau hàng loạt vụ bắt bớ xảy ra như thế. Bởi thực chất việc xử lý sai phạm, một phần là nghiêm minh với cái sai, phần khác chính là động lực cho những người khác làm tốt.

Theo ông, việc sợ sai, sợ không dám làm vì những vụ bắt bớ chỉ là một phần nguyên do thôi. Việc triển khai công việc chậm, làm trì trệ, đình đốn nhiều việc, nhiều dự án bắt nguồn từ một số nguyên nhân sâu xa khác.

Khi yếu tố cốt lõi là hệ thống pháp quy còn bất cập thì rất dễ xảy ra tình trạng đùn đẩy, làm không dám làm, không dám quyết, né trách nhiệm. Vấn đề lớn thứ hai, đó là trách nhiệm người đứng đầu. Người xưa có câu “Nhà dột từ nóc”. Cơ quan đó có làm tốt hay không, bộ máy vận hành có thuận hay không nằm một phần rất lớn từ “người đứng đầu”. Vấn đề thứ ba, cũng rất quan trọng đó là: Động lực và kỷ cương.

Thêm nữa, cần có cơ chế để bảo vệ những người dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đừng bao giờ vì tư thù cá nhân, trù dập cán bộ có năng lực. Cán bộ bị thui chột thì hệ quả rất nguy hại cho nền hành chính.

Dốc gần 2.000 tỷ đồng xây đường băng sân bay rồi… “đắp chiếu” (?!)

Nhức nhối căn bệnh sợ sai, cầu an của quan chức - 4

Đường băng số 2 sân bay Cam Ranh 

Trong khi tâm lý “sợ sai” của quan chức đang “làm nóng” mặt báo thì tuần vừa qua, trên Dân Trí cũng đưa tin: Đường cất-hạ cánh (đường băng) số 2 Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh (CHK) do UBND tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách. Tổng mức dự án là 2.000 tỷ đồng, đã hoàn thành và nghiệm thu đảm bảo điều kiện khai thác. Tuy nhiên, đến nay dự án đường băng gần 2.000 tỷ đồng vẫn chưa được khai thác do tỉnh Khánh Hòa chưa bàn giao.

Ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam khẳng định sự cấp bách trong khai thác của sân bay Cam Ranh, phải sớm đưa vào sử dụng đường băng số 2 mới. Sân bay Cam Ranh đang quá tải nghiêm trọng và đường băng số 1 được khai thác từ năm 2004 đang bị xuống cấp, gây nguy cơ mất an toàn hàng không.

Theo ông Thắng, thực chất việc cần thiết nhất bây giờ là bàn giao đường băng để khai thác chứ không phải bàn giao tài sản, bởi việc hình thành giá trị tài sản chỉ được đánh giá đầy đủ khi dự án hoàn thành xong cả giai đoạn 2 theo phê duyệt đầu tư. Khi đó, bàn giao tài sản như thế nào do Chính phủ quyết định.

Yêu cầu Tổng thầu Trung Quốc “chốt” hạn về đích đường sắt Cát Linh - Hà Đông!

Nhức nhối căn bệnh sợ sai, cầu an của quan chức - 5

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (ảnh: Toàn Vũ)

Còn tại một dự án giao thông khác đang được công luận hết sức quan tâm là đường sắt Cát Linh - Hà Đông , theo Bộ GTVT, đến thời điểm hiện tại, khối lượng xây dựng toàn bộ dự án này đạt được 99%, thiết bị đã cơ bản được lắp đặt hoàn chỉnh phục vụ công tác vận hành thử.

Đại diện Bộ GTVT cho biết, thời gian qua, Bộ GTVT và các bên liên quan đã quyết liệt chỉ đạo, nhưng dự án vẫn triển khai rất chậm. Đến nay, dự án vẫn chưa thể hoàn thành chuyển sang chạy thương mại và có nguy cơ kéo dài. Nguyên nhân do tổng thầu chưa thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GTVT.

“Vừa qua, được sự thống nhất cao của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Bộ GTVT đã phối hợp cùng Tham tán công sứ thương mại - Đại sứ quán Trung Quốc tiến hành họp kiểm điểm tình hình thực hiện dự án 2 tuần/lần nhằm đôn đốc, chỉ đạo tổng thầu và các bên liên quan quyết liệt triển khai thực hiện, sớm hoàn thành, bàn giao đưa dự án vào khai thác thương mại.” - Bộ GTVT cho hay.

Mai Chi (tổng hợp)

Nhức nhối căn bệnh sợ sai, cầu an của quan chức - 6

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *