Thời sự 05/01/2015 07:50

Nhiều thách thức cho các ngân hàng trong năm 2015

Hiện tượng giải quyết nợ xấu tại Việt Nam cũng ví như một người ra sức chạy thật nhanh, nhưng hình như cố gắng chạy càng nhanh thì cũng chỉ chạy ở nguyên một chỗ. Cuối cùng là không có hiệu quả.

Năm 2015 được dự đoán không phải là một năm dễ dàng cho ngành ngân hàng, nếu không muốn nói còn khó khăn. Những cơ hội và thuận lợi chỉ có thể nắm bắt nếu hệ thống ngân hàng thật sự khỏe mạnh và được tái cơ cấu một cách quyết liệt.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu về các vấn đề này.

Nhu cầu vay là có thật

PV: Năm 2014 là một năm khó khăn đối với các ngân hàng, thậm chí có nhiều ngân hàng dự đoán là lỗ. Ông đánh giá thế nào về hiện tượng này?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Việc các ngân hàng báo lỗ năm 2014 có lẽ không có điều gì lạ. Có một số nguyên nhân dẫn đến việc ngân hàng bị lỗ hoặc có lãi thấp trong năm nay, không tăng trưởng được tín dụng như mong muốn. Đối với toàn hệ thống thì mục tiêu 12% cho cả năm là có thể đạt được, nhưng chỉ trong vài tháng cuối năm là tăng trưởng tín dụng (TD) bật lên còn 3 quý đầu tăng trưởng TD không khả quan. Thành ra trong năm vừa rồi các ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn ở đầu ra, mà không có TD thì làm gì có doanh thu. Có đến 80% doanh thu của các ngân hàng tại Việt Nam là đến từ lợi nhuận cho vay. Nếu mà cho vay gặp trở ngại thì lợi nhuận của các ngân hàng sẽ bị giảm.

Trong khi đó, chi phí của ngân hàng khó mà có thể thuyên giảm ngay được. Chính vì vậy là lợi nhuận năm nay rất thấp. Mặt khác năm nay ngân hàng phải phân loại nợ theo đúng tiêu chí mới và thiết lập dự phòng rủi ro cao. Đây là điều làm tăng chi phí hoạt động của ngân hàng, do đó làm cho lợi nhuận giảm. Ngoài ra, còn có một số yếu tố gián tiếp là nền kinh tế của Việt Nam hiện tại vẫn còn trì trệ, thể hiện qua chỉ số lạm phát rất thấp trong 11 tháng của năm 2014.

TS Nguyễn Trí Hiếu

PV: Nhưng không ít chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do các ngân hàng không lường hết các rủi ro, tham huy động vốn, không quản trị được dẫn đến có kết quả kinh doanh kém, thưa ông?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Tôi đồng ý một nửa về yếu tố đó, quản trị rủi ro của các ngân hàng Việt Nan còn kém, chính vì điều đó mà dẫn đến lợi nhuận thấp. Quản trị rủi ro yếu kém thể hiện qua những cho vay và đầu tư không sinh lời, rủi ro nhiều. Có 3 loại rủi ro lớn nhất là rủi ro TD, rủi ro thị trường và rủi ro nghiệp vụ. Trong 3 loại rủi ro đó thì rủi ro thị trường TD và đầu tư và rủi ro thị trường (tác động đến lãi suất và giá thị trường của các khoản đầu tư) là vấn đề sống còn của các ngân hàng.

Cứ huy động vốn ào ào rồi không sử dụng thì phải chịu rủi ro về lãi suất cộng với quản lý yếu kém, sử dụng đồng vốn không hiệu quả… hiện tượng đó quả thật đang diễn ra trong một số ngân hàng. Các vấn đề về lãi suất, kỳ hạn, độ chênh kỳ hạn, độ chênh về tài sản thì các ngân hàng còn quản lý yếu kém. Chính vì vậy mà họ không giữ vững được khả năng sinh lời và đưa ngân hàng vào tình trạng lỗ hoặc lời rất thấp. Mặc dù năm nay các ngân hàng cũng đã quan tâm tới độ rủi ro TD, họ cũng đã chặt chẽ hơn trong vấn đề khảo sát tín dụng và phê chuẩn nó một cách thích hợp hơn, cẩn trọng hơn.

PV: Nhưng trong 2 tháng vừa qua, TD tăng nhanh. Liệu đây có là sự tăng ảo không, thưa ông?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Tôi không loại trừ khả năng một vài ngân hàng dùng biện pháp kỹ thuật để đạt mục tiêu tăng trưởng TD, nhưng nhu cầu vay là có thật trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, ngay cả tăng trưởng TD trong vài tháng cuối năm là phát sinh từ nhu cầu thực tế, thì việc tăng trưởng kiểu “nước rút” này không có tác dụng cho cả năm mà chỉ có tác dụng cho sản xuất kinh doanh cho thời gian sắp tới. Tôi nghĩ chúng ta nên đặt mục tiệu tăng trưởng TD bình quân cho cả năm để có bức tranh chính xác, chứ không nên đặt mục tiêu tuyệt đối vì rõ ràng là chúng ta có thể dễ dàng đạt mục tiêu nếu chỉ cần đến cuối năm chạy nước rút là được.

Cần “nâng cấp” cho các quỹ bảo lãnh

PV: Ngân hàng thừa tiền, không có người vay, còn doanh nghiệp (DN) thì vẫn luôn kêu khó tiếp cận vốn. Nghịch lý này đã diễn ra khá lâu. Theo ông, tại sao vấn đề này không thể giải quyết được?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Việc hai bên không gặp nhau là hiện tượng từ nhiều năm và cho đến giờ này chưa giải quyết được. Một bên thì thừa tiền, muốn cho vay nhưng mà lại không tìm được người cho vay, bên kia thì đang thiếu tiền, rất cần tiền nhưng lại không tìm được ngân hàng cho mình vay. Kiểu như một ông nhà giàu có tiền nhưng đi tìm bạn đồng hành thì không có, một ông thì rất nghèo đi tìm một ông bạn nhà giàu chơi cùng cũng không được. Hai anh mỗi bên đứng ở một bờ sông không tài nào tạo được nhịp cầu gặp nhau.

Tại sao lại có hiện tượng đó? Đơn giản là các ngân hàng trước kia thì quá rộng tay lao vào đầu tư cho vay bừa bãi, đầu tư chéo gây ra hậu quả và từ đó họ lại co rút lại một cách quá trớn. Về phía các DN cũng vậy, DN không tìm được ngân hàng cũng là do DN quá yếu kém, không có báo cáo tài chính minh bạch và không có tài sản bảo đảm để tạo lòng tin được cho các ngân hàng, rồi có những vấn đề sai phạm của DN khi đi vay.

Đã từng có hiện tượng, DN đem tài sản thế chấp các ngân hàng, nhưng khi gặp khó khăn thì có đến 3 ngân hàng kéo nhau đến tranh dành nhau. Đó là lỗi của DN, đó là sự lừa đảo. Thành ra, DN khó nhận được sự giúp đỡ của ngân hàng. Mặt khác, năm nay có hơn 50 nghìn DN phá sản, trong tình trạng DN yếu kém như vậy thì ngân hàng họ không dám cho vay. Thành ra hai bên không có nhịp cầu gặp nhau, đó là lỗi của cả bên ngân hàng và cả bên DN. Vấn đề của mình là làm sao giải quyết được vấn đề đó.

PV: Rõ ràng nếu không bắc được nhịp cầu thì sẽ có ảnh hướng lớn đến sự phát triển kinh tế, thưa ông?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Đúng vậy. Trước hết là nói về vai trò của Nhà nước, Nhà nước cũng rất muốn hai bên gặp nhau. Vì hai bên gặp nhau thì Nhà nước mới có thuế. Các DN làm tốt thì mới đóng thuế thành ra đó cũng là quyền lợi của Nhà nước. Nhà nước cũng đã ra chính sách này, kế hoạch kia, kêu gọi… mà vẫn không được. Tuy nhiên, điều mà tôi luôn cổ vũ là Nhà nước làm vai trò bảo lãnh, có thể đứng ra bảo lãnh cho các DN vừa và nhỏ để đi vay tiền của các ngân hàng.

Thực tế thì vai trò bảo lãnh Chính phủ cũng đã và đang thực hiện rồi, nhưng mà thực hiện ở trong một giới hạn rất là bé nhỏ và hiệu quả chưa cao. Có một số quỹ TD ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... và một số quỹ ở các tỉnh. Nhưng quỹ bảo lãnh TD có vốn điều lệ quá ít và cách bảo lãnh cho các DN không thích hợp. Trên nguyên tắc, quỹ tín dụng vận hành như sau, khi một DN tới vay ngân hàng và ngân hàng không dám cho vay vì DN đó quá yếu.

Ngân hàng cần một ai đó đứng ra bảo lãnh thì mới cho vay, trong trường hợp nếu anh DN đó không trả được món vay thì anh đứng ra bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho DN. Sức mạnh tài chính và uy tín của quỹ bảo lãnh TD thay thế cho sức khỏe tài chính yếu đuối và uy tín thấp của DN và chính nhận được sự thay thế đó mà ngân hàng dám cho DN vay. Ở Mỹ có một quỹ TD như vậy và hoạt động rất là hiệu quả (Cơ quan Tài trợ tiểu thương SBA - Small Business Administration). Đây là cơ quan hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ và được chính phủ liên bang tài trợ. Hằng năm Quốc hội Mỹ quyết định cho quỹ này một khoản ngân sách thông qua chính phủ liên bang và quỹ sử dụng ngân sách đó để bảo lãnh cho các DN vừa và nhỏ.

Việt Nam phải thực hiện như thế. Để có thể phát huy được vai trò của quỹ này, Chính phủ cần phải có gói hỗ trợ tài chính, tăng cường tiềm lực tài chính cho các quỹ bảo lãnh, đồng thời thiết lập những chỉ tiêu và điều kiện bảo lãnh cho vay đối với các DN dễ dàng hơn, vẫn đảm bảo khả năng thu hồi vốn. Vai trò của Quốc hội và Chính phủ rất quan trọng trong việc này.

Không có đất cho ngân hàng yếu kém

PV: Năm 2014, trọng tâm của ngân hàng là giải quyết nợ xấu và sở hữu chéo. Họ đã làm được gì và đạt được hiệu quả ra sao, thưa ông?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Hiện tượng giải quyết nợ xấu tại Việt Nam cũng ví như một người ra sức chạy thật nhanh, nhưng hình như cố gắng chạy càng nhanh thì cũng chỉ chạy ở nguyên một chỗ. Cuối cùng là không có hiệu quả.

Ngân hành Nhà nước đã thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho công tác xử lý nợ quốc gia. Cho đến giờ VAMC thu hồi được một số ít nợ trong tổng số hơn 125.000 tỉ nợ xấu mua từ các tổ chức TD. Nhưng phần còn lại vẫn nằm ở đấy và sau 5 năm không giải quyết được thì đống nợ đó sẽ trở lại ngân hàng. Các ngân hàng thương mại cũng sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Nhưng nói chung tất cả những nỗ lực đó chưa đủ để giải quyết vấn đề nợ xấu của Việt Nam.

Tín dụng của DongA Bank đến cuối tháng 9 vẫn tăng trưởng âm

PV: VAMC đã xử lý nợ xấu được hơn 125.000 tỉ. Đây có thể xem như là một thành tích tốt, thưa ông?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Việc VAMC mua 125.000 tỉ đồng nợ xấu từ các tổ chức tín dụng có thể xem là việc xử lý kỹ thuật, có nghĩa là đem nợ xấu từ cơ thể tổ chức tín dụng sang VAMC. Tại VAMC chỉ có khoảng 4% trong tổng số nợ đã mua là được xử lý, có nghĩa là thu hồi được bẳng cách thanh lý tài sản bảo đảm hay con nợ thi hành nghĩa vụ trả nợ. Nếu xem việc xử lý nợ là tiêu chí để xác định thành tích thì có thể nói sau một năm hoạt động VAMC chưa tạo được thành tích đáng kể. Tuy nhiên, nỗ lực của VAMC trong việc giải quyết nợ xấu là rất đáng kể và đáng ca ngợi.

PV: Vậy theo ông có nên để cho một vài ngân hàng phá sản?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Thủ tướng cũng như Quốc hội đã từng nghĩ đến việc cho ngân hàng phá sản. Ngay như ngân hàng Trung ương cũng đưa ra vấn đề đó. Đây là chủ trương hợp lý, theo xu hướng thị trường anh nào khỏe thì sống, yếu thì bị thị trường loại bỏ. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này chưa có ngân hàng bị phá sản vì sợ rằng một ngân hàng phá sản sẽ có tác động dây chuyền và có thể dẫn đến khủng hoảng của cả hệ thống.

Về lâu dài và theo đúng khuynh hướng một nền kinh tế thị trường thì việc cho ngân hàng yếu kém và mất thanh khoản phá sản là điều bắt buộc. Tại thời điểm này việc đó có nên thực hiện không, tôi muốn dành câu trả lời cho cơ quan chủ quản.

PV: Năm nay có 2 vụ án về tổ chức tín dụng và ngân hàng rất lớn. Ông có cho rằng đây là những bài học kinh nghiệm cho các ngân hàng?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Những vụ như “bầu” Kiên hay Huyền Như có thể xử lý trước khi sự việc trầm trọng. Bởi vì khi thanh tra nắm được rồi, biết sai phạm thì phải điều chỉnh ngay lúc đó.

“Bầu” Kiên có thể sai lầm như thế không phải đùng một cái xảy ra mà đó là cả một quá trình. Các cơ quan thanh tra phải chặn đứng những quyết định sai lầm của hội đồng quản trị, ngăn chặn ngay trước khi sai phạm xảy ra. Tôi nghĩ “bầu” Kiên lợi dụng vị thế của nhóm lợi ích và uy tín của chính ông ta để làm lợi cho quyền lợi của họ trong cả một quá trình hoạt động lâu dài. Rồi đâu phải chỉ có một Huyền Như, mà còn bao nhiêu cán bộ khác của ngân hàng. Những sai phạm này đã mang tính hệ thống và được thực hiện trong một thời gian dài. Đáng lẽ phải quyết liệt xử lý những sai phạm này từ lâu rồi. Không phải đợi đến “bầu” Kiên, Huyền Như xuất hiện mới làm… Phải “đánh chuột” nhưng vì mình sợ vỡ bình, không mạnh tay. Đến khi trở thành vấn đề nghiêm trọng thì mới giải quyết và khi đó đã tạo ra tổn thất rất lớn cho xã hội.

PV: Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục định hướng tín dụng theo hướng mở rộng để tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN và phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh. Theo đó, định hướng tăng trưởng TD trong năm 2015 là 13-15% so với định hướng 12-14% đặt ra cho năm 2014. Theo ông, điều này sẽ tác động như thế nào đến các DN trong năm 2015?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Tôi nghĩ chỉ tiêu tăng trưởng 13-15% cho năm 2015 là khả thi vì những điều kiện kinh tế vĩ mô và sự ổn định của tiền đồng trong năm tới. Nhưng như tôi đã đề xuất đây phải là mục tiêu bình quân cho cả năm chứ không thể lặp lại trường hợp của năm nay và vài năm trước là đến cuối năm mới chạy nước rút để đạt chỉ tiêu.

Tuy nhiên, chúng ta sẽ đứng trước những thử thách rất lớn trong năm 2015. Ngành ngân hàng sẽ đi vào một quỹ đạo mới qua sự tác động của Thông tư 36, qua đó các ngân hàng sẽ phải xiết chặt hơn hoạt động TD, tuân thủ các tiêu chí mới để tiến đến các Công ước Basel II, loại bỏ đầu tư chéo, sở hữu chéo và tăng cường thực hiện các chuẩn mực của quản trị DN (corporate governance).

Tôi dự báo năm 2015 sẽ không phải là một năm dễ dàng cho ngành ngân hàng, nếu không muốn nói còn khó khăn hơn so với 2014. Dĩ nhiên giá dầu sụt giảm sâu sẽ có lợi cho Việt Nam, việc tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương sẽ tạo nhiều thuận lợi cho việc hội nhập và ngoại thương. Nhưng những cơ hội và thuận lợi đó chỉ có thể nắm bắt nếu ngành ngân hàng thật sự khỏe mạnh và được tái cơ cấu một cách quyết liệt. Mong rằng khi khép lại năm 2015 chúng ta sẽ lạc quan hơn để nhìn vào nền kinh tế và ngành ngân hàng hơn là cảm nhận của chúng ta tại thời điểm này về năm 2014.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Trên cơ sở bám sát mục tiêu của Quốc hội tại Nghị quyết số 77/2014/QH13 ngày 10/11/2014 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kết quả đạt được trong điều hành năm 2014, NHNN xác định mục tiêu và các giải pháp lớn về điều hành chính sách tiền tệ năm 2015 như sau: Điều hành chủ động và linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, không chủ quan với lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đảm bảo an toàn thanh khoản của các tổ chức tín dụng. Điều hành lãi suất và tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đặc biệt là diễn biến của lạm phát, bảo đảm giá trị đồng Việt Nam, tiếp tục khắc phục tình trạng đôla hóa, vàng hóa trong nền kinh tế.

Thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục triển khai các chương trình gắn kết tín dụng ngân hàng với chính sách ngành kinh tế, chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đảm bảo thực hiện đúng lộ trình của Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tăng cường phối hợp với các chính sách vĩ mô khác. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu định hướng điều hành: Tín dụng tăng khoảng 13-15% nhưng được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ; lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường tiền tệ và ngoại hối.

 

Theo Lê Hà (thực hiện)

Năng lượng mới

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *