Thời sự 06/12/2018 15:50

Nhiều quốc gia thèm muốn tốc độ tăng trưởng của du lịch Việt Nam

Theo chuyên gia, tốc độ tăng trưởng lượt khách quốc tế hàng năm là 30% trong 3 năm qua - con số rất nhiều quốc gia mong muốn; xếp thứ 6 trong top 10 điểm đến phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới trong năm 2017. 

Đại diện Tập đoàn Tư vấn toàn cầu Boston (BCG) cho rằng, Việt Nam đến nay đã thấy sự tăng trưởng ấn tượng trong ngành du lịch.

Đại diện Tập đoàn Tư vấn toàn cầu Boston (BCG) cho rằng, Việt Nam đến nay đã thấy sự tăng trưởng ấn tượng trong ngành du lịch.

Mục tiêu 45 tỷ USD năm 2025

Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam, ông Lê Quang Tùng - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam cho biết, trong những năm qua, du lịch trong phạm vi toàn cầu tăng trưởng liên tục, trở thành ngành kinh tế hàng đầu, nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Tổ chức Du lịch Thế giới dự kiến, đến năm 2020 có 7,8 tỷ du khách trên toàn cầu, trong đó, châu Á là khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Việt Nam có nhiều tiềm năng du lịch. Đây là ngành góp phần vào sự phát triển chung của đất nước, nhất là từ sau năm 1986. Từ năm 1990 đến 2017, ngành du lịch nước nhà đã đạt được nhiều thành tựu. Năm 1990, Việt Nam đón 250.000 khách quốc tế, năm 2017 đón trên 13 triệu khách quốc tế, 73 triệu khách nội địa. Từ 1990 đến 2017, khách du lịch quốc tế tăng 52 lần, nội địa 72 lần.

Tuy nhiên, theo báo cáo năng lực cạnh tranh quốc gia toàn cầu, Việt Nam xếp 67/136 nền kinh tế, đứng thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á. Một số hạn chế mà du lịch Việt Nam gặp phải là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn nhân lực còn yếu, năng lực quản lý điểm đến còn thấp, phát triển du lịch chưa gắn với bảo vệ môi trường. Do đó, cần tái cơ cấu du lịch là cần thiết để nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá.

Thứ trưởng cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển ngành du lịch Việt Nam đến 2025 với tổng thu dự kiến sẽ là 45 tỷ USD, đóng góp 10% GDP cả nước, tạo 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp. Theo đó, Chính Phủ đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn đọng trong ngành Du lịch hiện tại... Việc triển khai cụ thể với phương thức ra sao, công tác điều phối của du lịch cả nước như thế nào sẽ là vấn đề then chốt cần giải đáp trong thời gian tới.

Thứ trưởng nhận định, Diễn đàn sẽ đặt nền móng xây dựng và phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Ông Lê Quang Tùng kỳ vọng tại đây, các chuyên gia, doanh nghiệp, các nhà đầu tư sẽ nêu ra những ý kiến, đề xuất, giải pháp để ngành du lịch Việt Nam tìm ra hướng đi mới.

Nhiều quốc gia thèm muốn tốc độ tăng trưởng của Việt Nam

Bà Tuyết Vũ - Đại diện Tập đoàn Tư vấn toàn cầu Boston (BCG) cho rằng, Việt Nam đến nay đã thấy sự tăng trưởng ấn tượng trong ngành du lịch và đạt nhiều thành tựu tự hào. Đơn cử, tốc độ tăng trưởng lượt khách quốc tế hàng năm là 30% trong 3 năm qua - con số rất nhiều quốc gia mong muốn; xếp thứ 6 trong top 10 điểm đến phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới trong năm 2017.

Việt Nam đồng thời thu hút 15 tỷ USD dòng FDI đầu tư vào du lịch tại thời điểm cuối năm 2017, tạo việc làm và thu nhập trực tiếp cho trên 2 triệu người...

"Có thể nói, Việt Nam đã rất thành công, ít nhất trong thập kỷ vừa qua. Mặt khác, ngành Du lịch Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển mà quốc gia này vẫn chưa khai thác hết. Vì thế chúng tôi nhờ đến nhiều đối tác công nghệ lớn để tìm hiểu những tìm kiếm về Việt Nam và thấy có sự tăng trưởng lớn nhưng vẫn có một khoảng trống thiếu hụt cần khoả lấp", bà nói.

Đại diện cho khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch hội đồng Tư vấn Du lịch TAB cho biết, ngành du lịch đã tăng trưởng gấp đôi trong ba năm gần đây. Các doanh nghiệp đầu tư nhiều vào xây dựng khách sạn.

"Đóng góp của ngành du lịch trong tưởng trưởng GDP ba năm qua cực lớn với hơn 22 tỷ USD. Quá trình phát triển ngành du lịch nước nhà cần những giải pháp thực sự, chúng ta cần sự căn cơ và tập trung để đạt được hiệu quả nhất định", ông nói.

Cơ sở hạ tầng cản trở du lịch Việt Nam

Bàn về giải pháp phát triển ngành du lịch, ông Trần Trọng Kiên cho rằng rất nhiều ngành phải tham gia vào cùng du lịch thì ngành du lịch mới phát triển được.

Đồng quan điểm, ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch điều hành Grant Thornton Việt Nam cũng cho rằng, hạn chế của ngành du lịch đó là cơ sở hạ tầng. Mặc dù Việt Nam đã có những thay đổi nhất định nhưng cần nhiều hơn nữa để đón được nhiều du khách hơn. Thị trường Việt Nam cũng đang xếp sau nhiều thị trường khác về tiêu dùng. Tiếp nữa là về công suất của các sân bay, rất nhiều thông tin về các sân bay ở TP HCM, Nha Trang, Phú Quốc giờ đều quá tải.

Ông Kenneth Atkinson khẳng định: "Trong 7, 8 năm tới, Việt Nam sẽ thu hút 30 triệu lượt khách, nhưng chúng ta phải sẵn sàng về cơ sở hạ tầng".

Ông James A.Kaplan - Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Minor cũng chỉ ra rằng, để thành công trong việc tăng lượt khách đến thì các yếu tố về cơ sở hạ tầng, công suất sân bay, nhân lực... cũng là những yếu tố đóng vai trò quan trọng. "Chúng ta phát triển du lịch nhưng cơ sở hạ tầng, nhân lực, môi trường cần được tôn trọng", ông nhấn mạnh.

Cần xã hội hoá hạ tầng sân bay

Tiến sĩ Lương Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc VietStar Airlines cũng khẳng định: "Hạ tầng sân bay là một trong những thách thức lớn đối với đề án phát triển du lịch Việt Nam trong tương lai. Việc này cần phải được lưu tâm lưu ý, cần những động thái tháo gỡ kiên quyết. Nếu không thì hạ tầng sân bay sẽ kìm hãm phát triển du lịch".

Theo đó, từ năm 1975 đến nay, Việt Nam mới chỉ xây mới hoàn toàn và đưa vào hoạt động duy nhất sân bay Phú Quốc và sắp tới thêm một sân bay là Vân Đồn. Các sân bay khác được cải tạo từ sân bay quân sự với khả năng mở rộng hạn chế. Đến nay, Việt Nam mới có 21 sân bay, công suất được 75 triệu khách mỗi năm.

"Công suất 21 sân bay này cộng lại với bằng được một sân bay ở Bangkok. Đây là những con số đáng lo ngại. Năm 2017, hệ thống sân bay phục vụ 95 triệu khách trên thực tế và dự kiến năm nay sẽ là 105 triệu khách. Đó là lý do các sân bay Tân Sơn Nhật, Nội Bài...luôn nằm trong tình trạng quá tải. Giao thông quanh khu vực sân bay cũng vì vậy mà bị quá tải. Điều này tạo hình ảnh xấu cho ngành du lịch Việt Nam", ông Nam cho biết.

Ông Nam đưa ra giải pháp xã hội hóa hạ tầng sân bay tại Việt Nam. Dẫn chứng những trường hợp làm tốt như Vingroup làm đươc ôtô chỉ trong thời gian ngắn, ông cho rằng Nhà nước cần tin tưởng hơn ở khối tư nhân, để họ tham gia vào việc xây dựng và khai thác ngành hàng không, xây mới sân bay để đẩy nhanh tốc độ phát triển ở lĩnh vực này.

Phương Dung

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *