Thời sự 26/04/2020 09:11

Nhiều “ông lớn” toàn cầu rời bỏ Trung Quốc, Việt Nam được hưởng lợi?

Giới chuyên gia tin rằng Việt Nam đã sẵn sàng trở thành một trung tâm sản xuất thay thế nhờ vào vị trí gần Trung Quốc và chi phí thấp. Bất động sản khu công nghiệp nhờ thế được hưởng lợi.

Khu công nghiệp Việt hưởng lợi?

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, diện tích đất của các khu công nghiệp (KCN) của Việt Nam đạt 65.900 ha tại thời điểm cuối năm 2019, tăng 1.900 ha so với cuối năm 2018.

Trong tổng số 330 KCN toàn quốc, có 258 KCN đang hoạt động, tăng từ 250 KCN vào cuối năm 2018. Tỷ lệ lấp đầy trung bình trên toàn quốc đạt 74,3% vào cuối năm 2019, tăng 1,3 điểm % so với cuối năm 2018.

Tuy nhiên, báo cáo của VNDirect cho hay, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bắt đầu giảm tốc trong nửa cuối năm 2019 khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung giảm căng thẳng với việc bắt đầu thỏa thuận đàm phán bởi hai bên.

Theo đó, giá cho thuê đất KCN ở miền Nam tăng trưởng chậm lại với mức tăng từ 1,8% - 5,1% trong nửa cuối 2019, thấp hơn nhiều so với mức tăng từ 8,0% -21,4% trong nửa đầu năm 2019.

Nhiều “ông lớn” toàn cầu rời bỏ Trung Quốc, Việt Nam được hưởng lợi? - 1

Một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ đang dịch chuyển dây chuyển sang Đông Nam Á (ảnh minh hoạ: cnsourcelink)

Ở các tỉnh phía Bắc, giá cho thuê đất KCN tại Bắc Ninh diễn biến tương tự với khu vực miền Nam, tăng chậm lại với mức tăng 5,3% trong giai đoạn quý 1/2019 - quý 3/2019 sau khi tăng mạnh 20,3% trong giai đoạn quý 3/2018 - quý 1/2019. Các khu vực khác như Hà Nội, Hải Phòng và Hải Dương có mức tăng giá thuê đất ổn định hơn.

Trong khi đó sự bùng phát của dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực lên triển vọng kinh tế toàn cầu, nhất là đối với các công ty đa quốc gia.

Apple đã công bố điều chỉnh giảm mục tiêu doanh thu quý 1/2020 từ 84 tỷ USD trước đó xuống còn 63 tỷ USD, thấp hơn 25% so với con số dự báo do các nhà máy tại Trung Quốc ngừng hoạt động.

Tuy nhiên, một số công ty vẫn duy trì hoạt động sản xuất khi dịch Covid-19 bùng phát vì các nhà máy của họ được đặt bên ngoài Trung Quốc, chẳng hạn như Samsung với các nhà máy sản xuất đặt tại Việt Nam vẫn duy trì hoạt động ở công suất cao.

Điều đó đã tạo ra một xu hướng mới nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy ở Trung Quốc và Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia hưởng lợi trong ASEAN. Google và Microsoft đang chuyển một số dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và Thái Lan.

Theo thông tin từ Nikkei, Google dự kiến sẽ bắt đầu bán dòng điện thoại Pixel4A và Pixel5 với một phần được sản xuất tại Việt Nam trong nửa cuối năm 2020. Google cũng sẽ bắt đầu bán loa thông minh Nest Mini được sản xuất tại Thái Lan cuối năm nay.

Còn Microsoft dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất dòng máy tính Surface, gồm máy tính để bàn và máy tính xách tay tại Việt Nam trong quý 2/2020.

Việt Nam hấp dẫn nhờ ưu đãi thuế, chi phí rẻ

Theo đánh giá của chuyên gia phân tích từ VNDirect, Việt Nam vẫn là vị trí thu hút chuyển dịch công nghiệp từ Trung Quốc nhờ chi phí hoạt động thấp và ưu đãi thuế.

So với các quốc gia trong khu vực (Phillippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Myanmar) về mức độ thu hút công nghiệp, Việt Nam vẫn là vị trí tiềm năng cho sự chuyển dịch của các công ty nhờ vào giá thuê đất, tiền nhân công, năng lượng và nhà xưởng thấp.

Bên cạnh chi phí hoạt động thấp, Việt Nam đã giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 22% xuống mức 20% vào năm 2016 cho tất cả các công ty trong nước và nước ngoài để tăng cường thu hút sản xuất.

Các công ty trong các KCN cũng được hưởng nhiều ưu đãi, như miễn/giảm thuế và miễn thị thực. Ưu đãi thuế cho các công ty trong các KCN bao gồm miễn thuế từ hai đến bốn năm, giảm thuế trong ba đến 15 năm và miễn thuế nhập khẩu.

Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) được cho sẽ là nhân tố chính để phát triển bất động sản KCN trong giai đoạn tiếp theo. 

Tính đến tháng 3/2020, đã có 12 Hiệp đinh thương mại tự do (FTA) có hiệu lực. Vào ngày 12/2, Nghị viện châu Âu đã phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA). Hai Hiệp định dự kiến sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương trong thập kỷ tới và mở đường cho Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

VNDirect cũng nhận xét, khoảng cách về giá cho thuê giữa các tỉnh cấp 1 (TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An ở phía Nam và Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng ở phía Bắc) và các tỉnh cấp 2 (Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu ở phía Nam và các tỉnh Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nam ở phía bắc) đang dần thu hẹp.

Các tỉnh cấp 2 đang thu hút nhiều khách thuê mới nhờ giá cho thuê tốt và hệ thống cơ sở hạ tầng được bộ được phát triển để liên kết các trung tâm sản xuất với nhau.

Theo JLL, quỹ đất sẵn sàng cho thuê tại các KCN dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trong giai đoạn quý 2 - quý 3/2020 với khoảng 1.890ha, tương đương 4% so với tổng diện tích đất KCN năm 2019.

Quỹ đất mới/mở rộng này chủ yếu tại các tỉnh phía Nam, hầu hết ở Bình Dương, vốn sắp hết nguồn cung. Do nguồn cung đất KCN vẫn hạn chế trong giai đoạn 2020-2021, do đó các công ty có quỹ đất sẵn có lớn sẽ có cơ hội tăng trưởng trong làn sóng dịch chuyển nhà máy tiếp theo.

Mai Chi

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *