Thời sự 11/03/2014 07:19

Nhiều giao dịch không được thanh toán bằng tiền mặt từ tháng 3 này

FICA - Kể từ tháng 3 này, các tổ chức và cá nhân không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch chứng khoán trên sở giao dịch chứng khoán; các doanh nghiệp không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch góp vốn và mua bán…

Đây là một trong những quy định của Nghị định số 222/NĐ-CP ngày 31/12/2013 (qui định về thanh toán bằng tiền mặt và quản lý nhà nước về thanh toán bằng tiền mặt trong một số giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Nghị định này chính thức có hiệu lực thi hành kể từ đầu tháng 3/2014, thay thế Nghị định số 161/NĐ-CP ngày 28/12/2006 qui định thanh toán bằng tiền mặt.

 Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng (TCTD) không được sử dụng tiền mặt khi vay và cho vay lẫn nhau.

 

Theo qui định tại Nghị định này, các tổ chức sử dụng vốn nhà nước không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch, trừ một số trường hợp được phép thanh toán bằng tiền mặt theo qui định của Bộ Tài chính hoặc của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Đối với các giao dịch chứng khoán, Nghị định qui định: các tổ chức, cá nhân không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch chứng khoán trên sở giao dịch chứng khoán; các tổ chức, cá nhân không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch chứng khoán đã đăng ký, lưu ký tại trung tâm lưu ký chứng khoán không qua hệ thống giao dịch của sở giao dịch chứng khoán.

Nghị định cũng qui định, các doanh nghiệp không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp. Thậm chí, các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng (TCTD) không được sử dụng tiền mặt khi vay và cho vay lẫn nhau. Khi giải ngân vốn cho vay đối với khách hàng bằng tiền mặt, các TCTD phải thực hiện theo qui định của NHNN.

Như vậy, Nghị định 222/NĐ-CP là một trong số hàng loạt biện pháp của Chính phủ trong việc thúc đẩy hệ thống thanh toán phát triển theo hướng tự do hóa tài chính trong xu thế hội nhập, từng bước đưa hệ thống tài chính Việt Nam phát triển theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Đối với nền kinh tế trong nước, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, Nghị định sẽ thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao tính minh bạch của các giao dịch tài chính, tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý tài chính tiền tệ kiểm soát được lượng tiền trong lưu thông.

“Qua đó, sẽ đưa ra được đánh giá và dự báo chính xác về những diễn biến trên thị trường tài chính, đây là điều kiện tiên quyết để NHNN đưa ra các chính sách và biện pháp có hiệu quả, góp phần bình ổn tình hình thị trường, củng cố lòng tin của thị trường và các nhà đầu tư”, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Về hiệu quả kinh tế, Nghị định 222/NĐ-CP sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng rửa tiền, giảm lãng phí của xã hội cho việc in ấn, kiểm đếm, tiêu hủy tiền mặt. Hơn nữa, theo Ngân hàng Nhà nước, thanh toán không dùng tiền mặt có độ an toàn cao hơn, giảm thiểu những rủi ro trong trường hợp phải mang tiền mặt đi thanh toán.

Với những quy định trên, giao dịch mua bán bất động sản vẫn có thể thanh toán bằng tiền mặt.

An Hạ

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *