Thời sự 08/06/2014 07:43

Nhà đầu tư ngoại muốn tăng quyền kiểm soát ngân hàng

Bỏ giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần (room) cho nhà đầu tư nước ngoài, sớm có quy định mới về cấp phép hoạt động của ngân hàng, gia hạn giấy phép cho các sản phẩm phái sinh...

Yêu cầu tiếp tục cải cách thủ tục hành chính

Đánh giá cao những thành tựu, như giảm lạm phát, giảm lãi suất, giữ ổn định thị trường vàng, ngoại hối, xử lý nợ xấu… mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đạt được thời gian qua, song ông Sumit Dutta, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, đại diện Nhóm công tác ngân hàng thẳng thắn nhận xét, vẫn còn nhiều vấn đề cần được giải quyết.

  Nhà đầu tư ngoại muốn tăng quyền kiểm soát ngân hàng  
  Nhóm ngân hàng nước ngoài nêu nhiều kiến nghị với Chính phủ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2014 tổ chức ngày 5/6  

Cụ thể, bày tỏ lo ngại về thông tin NHNN đang tạm dừng việc sửa đổi, bổ sung giấy phép cho đến khi quy định mới về cấp phép được ban hành, ông Sumit Dutta cho rằng: “Việc này tạo ra nhiều rủi ro pháp lý đối với các ngân hàng. Chúng tôi rất mong nhận được thông tin cập nhật của NHNN về vấn đề này và hy vọng các hướng dẫn, quy định về việc cấp lại, sửa đổi, bổ sung giấy phép sẽ nhanh chóng được ban hành”.

Liên quan đến giấy phép cho sản phẩm phái sinh hàng hóa, đại diện nhiều ngân hàng nước ngoài nhận xét, hiện NHNN chỉ cho phép tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp sản phẩm phái sinh hàng hoá trên cơ sở thí điểm với thời hạn một năm và việc gia hạn các giấy phép thí điểm này phải được sự chấp thuận của NHNN. Như vậy có nghĩa là, NHNN có thể sẽ không cho phép gia hạn các giấy phép thí điểm trên.

“Nếu điều này xảy ra, các nhà xuất nhập khẩu trong nước có thể sẽ không có các công cụ để bảo hiểm các rủi ro biến động mạnh của giá cả hàng hoá. Chúng tôi đề nghị NHNN tiếp tục cho phép các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện các sản phẩm phái sinh hàng hoá để hỗ trợ các các nhà xuất nhập khẩu”, ông Sumit Dutta kiến nghị.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng nước ngoài cũng nhận định, dù xuất khẩu có tăng mạnh, sản xuất phục hồi và kinh tế vĩ mô ổn định, thì năm 2014 vẫn được xem là một năm khó khăn cho Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ cần cắt giảm tối đa thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và ngân hàng.

Đơn cử, hiện các doanh nghiệp đều sử dụng tờ khai hải quan điện tử (ECD) để thực hiện thủ tục hải quan. Các tờ khai hải quan điện tử này đã chứa đựng toàn bộ thông tin liên quan đến hàng hóa nhập khẩu, như đơn đặt hàng/hợp đồng mua bán/hóa đơn… và các thông tin này đã được xác nhận bởi cơ quan hải quan. Do đó, NHNN nên cho phép các ngân hàng chỉ cần dựa vào tờ khai điện tử để thực hiện thanh toán hàng nhập khẩu, thay vì phải dựa vào hàng loạt tài liệu khác.

Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng đề nghị NHNN nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể trong lĩnh vực quản lý ngoại hối, phòng chống rửa tiền…

Muốn tăng quyền kiểm soát tại ngân hàng 

Tuy không phải là vấn đề mới, song tại VBF lần này, kiến nghị nới room tiếp tục được đưa ra. Ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại  Việt Nam (EuroCham) cho rằng, theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), từ năm 2012, các nhà đầu tư nước ngoài có quyền thành lập công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.

Tuy nhiên, đến nay, theo quy định hiện hành, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 49% cổ phần của các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam (trừ công ty chứng khoán). Đặc biệt, trong lĩnh vực ngân hàng, giới hạn về sở hữu nước ngoài vẫn không rõ ràng (theo Nghị định 01/2014/NĐ - CP).

“Có hai trở ngại chính để khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài thuộc lĩnh vực ngân hàng tham gia, đó là việc tham gia vào các hoạt động của ngân hàng địa phương và thiếu tiếng nói tại hội đồng quản trị. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài không chỉ quan tâm tới giới hạn sở hữu, mà còn lo ngại về quyền kiểm soát thực tế tại các tổ chức tín dụng Việt Nam”, ông Tomaso Andreatta lo ngại. 

Đại diện EuroCham cũng cho rằng, khi thực hiện mua bán và sáp nhập (M&A), các ngân hàng luôn có nhu cầu hỗ trợ về vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế. Tuy nhiên, sự hỗ trợ đó sẽ không được thực hiện, nếu nhà đầu  tư nước ngoài không được kiểm soát hoạt động của ngân hàng.

“Chúng tôi kêu gọi việc loại bỏ giới hạn sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng trong nước, đồng thời tăng thêm mức độ hoạt động và tầm kiểm soát của nhà đầu tư nước ngoài trong sự chỉ đạo của tổ chức tín dụng”, ông Tomaso Andreatta nhấn mạnh.

Theo Thùy Liên

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *