Thời sự 21/11/2018 16:14

Ngành gỗ có hoàn toàn được lợi từ chiến tranh thương mại?

“Sẽ không quá khi nói rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã mở ra cánh cửa cho các nhà sản xuất gỗ Việt Nam, và các con số cho thấy Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội này”, báo cáo của VDSC cho biết.

Trong một báo cáo vừa mới phát hành, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, Mỹ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm gần đây, và cũng là một trong số những nước mà Việt Nam đang duy trì được thặng dư thương mại trong xuất-nhập khẩu.

Theo Cục thống kê Hoa Kỳ, trong 9 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 36,3 tỷ USD, trong khi giá trị nhập khẩu hàng Mỹ vào Việt Nam dừng ở mức 7 tỷ USD.

Với thặng dư thương mại 29 tỷ USD, Việt Nam trở thành một nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường màu mỡ này lại khá nhạy cảm với những vấn đề địa chính trị.

Góp phần vào mức thặng dư 38 tỷ USD vào năm 2017, gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam chiếm khoảng 10%, và đây cũng là mặt hàng quan trọng bậc nhất giúp Việt Nam duy trì được thặng dư thương mại với thị trường khắt khe Mỹ, theo VDSC.

Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam

Thương mại Việt –Mỹ: Mảnh đất màu mỡ cho xuất khẩu gỗ Việt Nam

VDSC cho biết, với đặc tính bền, đẹp và phù hợp nhiều loại khí hậu, gỗ luôn là lựa chọn hàng đầu của các gia đình Mỹ khi họ xây dựng căn nhà của mình. Thực tế, nhu cầu sử dụng gỗ tại đất nước đa khí hậu – đa văn hóa này chưa bao giờ giảm sút. Việc này đã giúp các nước xuất khẩu như Việt Nam khám phá và thâm nhập vào thị trường Mỹ một cách nhanh chóng.

Số liệu cho thấy, trong chín tháng đầu năm 2018, Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 43% giá trị xuất khẩu. Giá trị tại thị trường này thậm chí gấp đôi so với nước nhập khẩu lớn thứ hai - Hàn Quốc, với chỉ 20% giá trị xuất khẩu gỗ.

Giá trị xuất khẩu gỗ sang Mỹ đang có xu hướng tăng từ năm 2015 đến năm 2017. Đối lập, giá trị nhập khẩu hầu như không có thay đổi đáng kể nào. Cụ thể, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ đạt 2,6 tỷ USD trong năm 2015 và đã tăng gần 20%, lên 2,8 tỷ USD năm 2017.

Ngược lại, giá trị nhập khẩu chỉ dao động ở mức khoảng 0,2 tỷ USD từ năm 2015 đến năm 2017, và việc này giúp cho cán cân thương mại giữa hai nước nghiêng về phía Việt Nam. Hơn nữa, trong ba năm qua, thặng dư xuất – nhập khẩu gỗ đã tăng nhẹ từ 2,3 tỷ USD năm 2015 lên 2,8 tỷ USD trong năm 2017. Trong 6 tháng/2016, thặng dư thương mại đạt mức 1,5 tỷ USD.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ: Xuất khẩu thành phẩm gỗ, nhập khẩu nguyên liệu gỗ

Trong 6 tháng/2018, giá trị xuất khẩu gỗ vào thị trường Mỹ đạt 1,6 tỷ USD, trong khi giá trị nhập khẩu chỉ dừng ở 0,1 tỷ USD. Chênh lệch lớn giữa giá trị xuất khẩu và nhập khẩu phát sinh từ sự khác biệt về tỷ trọng hàng hóa các mặt hàng trong xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam.

Trong ba năm gần đây, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thành phẩm gỗ (ví dụ như đồ nội thất bằng gỗ, ghế gỗ), và nhập khẩu nguyên liệu gỗ (gỗ ván, gỗ xẻ) – mặt hàng có giá trị thấp hơn gỗ thành phẩm.

Có thể thấy là hơn 90% giá trị xuất khẩu là sản phẩm gỗ, trong khi đó phần lớn giá trị nhập khẩu bao gồm gỗ dùng làm nguyên liệu đầu vào sản xuất.

Thông tin thu thập của VDSC cho thấy, đồ gỗ nội thất đã và đang tạo ra giá trị thặng dư cho thương mại gỗ Việt – Mỹ.

Thị trường Mỹ đón nhận hàng loạt chủng loại đồ gỗ đến từ Việt Nam, từ đồ làm bếp tới đồ trong phòng ngủ. Đồ gỗ nội thất sử dụng trong phòng ngủ là những mặt hàng có giá trị cao nhất, với 364,5 triệu USD. Bên cạnh đó, ghế gỗ, với giá trị xuất khẩu khoảng 354 triệu USD trong 6T2018, cũng là những sản phẩm mà người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng.

Thời gian qua, việc xuất khẩu đồ gỗ từ Việt Nam vào Mỹ còn được gặp thuận lợi do cuộc tranh thương mại Mỹ - Trung, khi các sản phẩm của Trung Quốc phải đối mặt với hàng loạt rào cản thuế quan và mất dần lợi thế cạnh tranh.

Các sản phẩm chính mà Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ bao gồm gỗ xẻ và gỗ tròn. Việt Nam nhập khẩu mặt hàng này phục vụ cho nguyên liệu đầu vào để sản xuất ra thành phẩm.

“Sẽ không quá khi nói rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã mở ra cánh cửa cho các nhà sản xuất gỗ Việt Nam, và các con số cho thấy Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội này”, báo cáo này cho biết.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại đã mang tầm toàn cầu, và tác động của nó lên Việt Nam, dù tích cực hay tiêu cực, vẫn còn là một ẩn số. Đặc biệt là khi Mỹ đang muốn tăng vị thế sản xuất trong nước và làm giảm bớt thâm hụt cán cân thương mại, thì một nước đang có tỉ trọng xuất khẩu lớn vào Mỹ như Việt Nam rõ ràng không thể nằm ngoài vòng cuộc chiến.

Vì vậy, theo VDSC, Việt Nam cần chuẩn bị cho một kế hoạch dài hơi, cũng như tìm kiếm những thị trường mới để phát triển ngành gỗ Việt.

Mai Chi

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *