Thời sự 19/12/2014 15:48

Ngân hàng "ngại" doanh nghiệp cơ khí

FICA - 11 dự án có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng được hưởng chính sách hỗ trợ, song mới có 3 dự án đã được BIDV đồng ý cho ký hợp đồng tín dụng với số vốn 374 tỷ đồng. Giá trị giải ngân đến thời điểm này mới đạt 60,73 tỷ đồng trương đương 16% hợp đồng tín dụng đã ký.

Sáng ngày 18/12/2014, tại Hội thảo “Tháo gỡ khó khăn, bất cập cho các dự án cơ khí trọng điểm”, Ban tổ chức Hội thảo đánh giá, thời gian qua, giá trị sản xuất công nghiệp ngành cơ khí đã có mức tăng trưởng đáng kể.

Năm 2013 giá trị sản xuất công nghiệp ngành cơ khí đạt khoảng 700 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của toàn ngành công nghiệp. Giá trị xuất khẩu (XK) năm 2013 đạt trên 13 tỷ USD, gấp 6 lần năm 2006. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa phản ánh hết tiềm năng hiện có của doanh nghiệp (DN) cơ khí và chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước. Cụ thể năm 2013, ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng được khoảng 34,5% nhu cầu của thị trường.

Theo các chuyên gia, ngành cơ khí trong nước hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất phải kể đến là việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho các dự án cơ khí trọng điểm.

Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam cho biết, thời gian qua con đường tìm đến nguồn vốn của các DN cơ khí cực kỳ gian nan: “Ban chỉ đạo Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm đã chấp thuận cho 11 dự án được hưởng các chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16/1/2009 về các cơ chế, chính sách, danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm với tổng vốn đầu tư là 9.978,18 tỷ đồng. Tuy nhiên mới có 3 dự án đã được Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) đồng ý cho ký hợp đồng tín dụng với số vốn 374 tỷ đồng. Giá trị giải ngân đến thời điểm này mới đạt 60,73 tỷ đồng trương đương 16% hợp đồng tín dụng đã ký”.

Theo một số doanh nghiệp cơ khí, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là tiếp cận vốn ưu đãi. Ông Phan Tử Giang, Tổng giám đốc Công ty Chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) nêu thực tế, mặc dù các dự án chế tạo giàn khoan dầu khí hay xây dựng căn cứ cho giàn khoan đều thuộc dự án cơ khí trọng điểm của Nhà nước, nhưng đến nay, sau 7 năm đi vào hoạt động, doanh nghiệp vẫn chưa nhận được ưu đãi về mặt tài chính.

Theo quy định, dự án cơ khí trọng điểm được vay ưu đãi 85% tổng số vốn đầu tư dự án. Nhưng với vốn đầu tư giàn khoan dầu khí lên tới từ 200 – 800 triệu USD, việc thu xếp vốn lại càng khó khăn hơn. Ngoài nguyên nhân khách quan là tình hình kinh tế khó khăn, thì còn nguyên nhân từ việc chính sách hỗ trợ còn thiếu đồng bộ.

Ông Phan Tử Giang cho hay, cả 2 dự án chế tạo giàn khoan và xây dựng căn cứ chế tạo giàn khoan đều chưa vay được vốn, vì số vốn quá lớn. Với chính sách hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, ngân hàng trả lời đầu tư xong mới được hỗ trợ lãi suất. Hầu hết các ngân hàng yêu cầu phải chứng minh được hỗ trợ lãi suất thì mới cho vay. Dự án đầu tư từng chịu lãi suất tới 21% trong năm 2010 cho khoản vay 800 tỷ đồng. Vì thế khiến DN khó khăn trong việc trả nợ.

Chính sách tín dụng vẫn là quan trọng nhất

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong ngành cơ khí cũng phản ánh, việc thực hiện quy định về việc chỉ định thầu và giao thầu sản phẩm cơ khí trọng điểm theo quy định cũng còn nhiều điểm bất cập.

Thực tế các thiết bị cho nhà máy nhiệt điện, nhà máy lọc dầu… các dự án quy mô lớn đều đang được áp dụng giao thầu theo hình thức chìa khóa trao tay dẫn đến các doanh nghiệp trong nước hầu như không có cơ hội tham gia cung cấp các thiết bị chính, do năng lực hạn chế và quy mô sản xuất nhỏ. Ngoài ra, còn thiếu giải pháp về chính sách tạo đơn hàng, chính sách bảo hộ cho sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước…

Trước thực trạng này, đại diện Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam cho rằng, các dự án cơ khí trọng điểm cần được ưu đãi về vốn vay, cụ thể mức lãi suất 3%/năm, từ 15-20 năm. Nếu vay ngân hàng thương mại thì Nhà nước cho bù chênh lệch. Với chính sách kích cầu, cần nghiên cứu điều kiện chỉ định thầu theo Luật Đấu thầu 2014. Ngoài ra, cần lựa chọn và tập trung vào các dự án trọng điểm như: Cơ sở đóng giàn khoan, các nhà máy chế tạo động cơ; nhà máy chế tạo thiết bị chính cho các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, công nghiệp khai khoáng, v.v…

Ông Trần Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty Thiết bị điện Đông Anh (EEMC) cũng đưa đề nghị: “Các vật tư, thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định để sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm được áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi 0%; Miễn hoặc giảm tối thiểu 50% thuế nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng để sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm, v.v...”

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương chia sẻ: “Các giải pháp đề xuất rất đúng mục tiêu, song khả thi hay không còn phụ thuộc vào việc nỗ lực của doanh nghiệp và điều chỉnh chính sách kịp thời của cơ quan quản lý Nhà nước. Theo tôi, chính sách tín dụng là quan trọng nhất. Hiện nay lãi suất ưu đãi đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam vẫn là 10,5%/năm thì không khuyến khích được ngành cơ khí. Thứ hai là các chính sách đấu thầu theo Luật Đấu thầu mới cũng phải được áp dụng. Vì Luật cũ không tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ khí trong nước. Doanh nghiệp nước ngoài vào làm công trình, làm tổng thầu EPC thì sẽ làm hết, doanh nghiệp nội chỉ là thầu phụ, không độc lập được”.

Trước đó, ngày 18/06/2014, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam. Trong đó Thủ tướng đã chỉ thị Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ rà soát và sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách cho phù hợp với yêu cầu phát triển ngành cơ khí.

Đồng thời giao cho Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc đề xuất cơ chế chính sách phát triển ngành cơ khí Việt Nam, hướng dẫn và điều phối các doanh nghiệp thành viên tăng cường sự hợp tác, liên kết, tạo sự chuyên môn hóa trong sản xuất nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm cơ khí Việt Nam.

Bích Diệp

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *