Thời sự 20/11/2014 06:52

Ngân hàng là nạn nhân của nợ xấu

Hiện nay đang có nhiều nhận định sai lầm về nguyên nhân và trách nhiệm của ngành ngân hàng đối với nợ xấu. Thứ nhất là đổ lỗi cho ngân hàng gây ra nợ xấu. Thứ hai là đỗ lỗi cho ngân hàng không tích cực xử lý nợ xấu. Và thứ ba là đổ lỗi cho ngân hàng để cho nợ xấu tái diễn.

Đó chỉ là một phần nhỏ của sự thật. Thực tế thì hầu hết các ngân hàng không phải là con nợ xấu, mà là chủ nợ xấu. Các khoản đi vay của ngân hàng là nợ tốt. Ngân hàng vay dân, vay DN, vay tổ chức tín dụng khác hay vay NHNN đều trả nợ đúng thoả thuận, chỉ có DN vay ngân hàng là không trả được và chính điều này đã gây ra nợ xấu. Thủ phạm của nợ xấu là DN và nền kinh tế, mà ngân hàng đóng vai chính là nạn nhân.

Mọi người thường đặt ra câu hỏi, tại sao ngân hàng lại tạo ra nợ xấu kinh khủng như thế, tại sao ngân hàng không thu hồi nợ xấu, tại sao ngân hàng không kê biên tài sản, tịch thu hàng hóa, nhà cửa để bán vì theo luật cũng như thỏa thuận trong hợp đồng, ngân hàng có toàn quyền làm việc đó. Thế nhưng họ đâu biết rằng, ngân hàng làm sao thu nợ khi DN không có tiền, làm sao một mình ngân hàng có thể thu hồi và phát mại được tài sản bảo đảm là nhà đất.

Ngân hàng đang đơn thương độc mã giữa cuộc chiến xử lý nợ xấu. Khi cho vay, ngân hàng là người quyết định đối với khách hàng, nhưng khi đòi nợ thì khách hàng mới là người quyết định. Dân ngân hàng ngậm ngùi, xót xa mà thừa nhận một thực tế rằng, ngân hàng “đứng cho vay, quỳ thu nợ”.

Tiền vốn và sự an toàn của ngân hàng đang bị vi phạm nghiêm trọng khi khách hàng không trả nợ. Các cổ đông nói chung, ông chủ ngân hàng nói riêng đã bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng vốn điều lệ góp vào ngân hàng đang thật sự mất ăn, mất ngủ trước tình trạng không thu hồi được nợ xấu, phải trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận có khi thua cả lãi suất tiết kiệm, rồi nguy cơ bị xoá sổ do phải sáp nhập, phá sản. Vậy, lý gì mà bảo ngành ngân hàng không tích cực xử lý nợ xấu? Hiện nay, việc xử lý nợ xấu luôn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng. Chỉ tiêu thu hồi nợ là sống còn, lực lượng thu hồi nợ đông đảo, chỉ đạo thu hồi nợ quyết liệt…

Nếu người vay lạm dụng tín nhiệm hay lừa đảo, chiếm đoạt tiền của ngân hàng thì đương nhiên phải xử lý hình sự. Nếu cán bộ ngân hàng thực sự sai phạm nghiêm trọng, tham nhũng hay đồng phạm với người vay, thì cũng phải xử phạt về các tội tương ứng. Tuy nhiên, trên thực tế, quá nhiều cán bộ ngân hàng là nạn nhân bị lạm dụng, lừa đảo nhưng lại bị quy kết là tội phạm vi phạm quy định về cho vay hoặc tội phạm cố ý làm trái.

Theo LS Trương Thanh Đức - Chủ tịch Cty Luật BASICO

Diễn đàn doanh nghiệp

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *