Thời sự 02/05/2015 17:42

Ngân hàng “đua” lập công ty tài chính

FICA – Mới đây, cổ đông ACB đã thông qua phương án thành lập mới hoặc mua lại 1 công ty tài chính có vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Trước đó, HDBank đã mua lại 100% vốn của Công ty Tài chính Việt Société Générale (SGVF), Maritime Bank,

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2015 diễn ra ngày 22/4 vừa rồi của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã thông qua phương án thành lập Công ty TNHH MTV Tài chính Tổng hợp Ngân hàng Á Châu (Công ty Tài chính ACB) hoặc mua lại một công ty tài chính có vốn điều lệ 500 tỷ đồng.

Theo phương án này, sau khi Công ty Tài chính ACB được cấp phép thành lập, Công ty cho thuê Tài chính Ngân hàng Á Châu (ACB Leasing) sẽ đồng thời xin phép NHNN sáp nhập vào Công ty Tài chính ACB. Dự kiến sau khi thành lập, lợi nhuận sau thuế năm đầu của Công ty Tài chính ACB là 69,4 tỷ đồng, năm thứ hai là 81,9 tỷ và 96,3 tỷ đồng trong năm thứ 3.

Theo phân tích của Ban lãnh đạo ACB, Việt Nam với gần 90 triệu dân có thu nhập không ngừng cải thiện và yêu cầu chất lượng cuộc sống ngày càng cao thì sẽ phát sinh nhiều nhu cầu tài chính tiêu dùng.

Dẫn báo cáo của Công ty Truyền thông tài chính Stox Plus (phát hành đầu năm 2014), Ban lãnh đạo ACB cho biết, tổng quy mô của thị trường tài chính tiêu dùng năm 2013 đạt gần 188.000 tỷ đồng – tương đương 8,88 tỷ USD, với mức tăng trưởng trên 12%, và chỉ chiếm 5,4% GDP.

Cũng theo thống kê của công ty này, quy mô dư nợ chủ yếu là các khoản cho vay tiêu dùng có bảo đảm bằng tài sản như vay mua nhà, sửa chữa, nâng cấp nhà ở, vay mua ô tô... và được thực hiện bởi hệ thống ngân hàng thương mại. Trong khi đó, các khoản vay tín chấp tiêu dùng với giá trị thấp như xe máy, điện thoại, đồ gia dụng... lại có quy mô khá khiêm tốn, chỉ 4% trên tổng số dư nợ, do công ty tài chính tiêu dùng đảm nhận. Do đó thị trường tài chính tiêu dùng còn nhiều tiềm năng cơ hội để phát triển.

Ban lãnh đạo ACB cũng nhận định, hiện nay, hoạt động tín dụng tiêu dùng của ngân hàng thương mại và công ty tài chính đan xen nhau do đều cung cấp các sản phẩm như cho vay trả góp để mua xe máy, trang thiết bị gia đình, cho vay phục vụ đời sống...

Nhận thấy được thị trương tiềm năng này, nhiều ngân hàng và công ty tài chính đều chú trọng phát triển lĩnh vực này để gia tăng tỷ suât lợi nhuận.

Việc thành lập công ty tài chính thông qua hình thức sát nhâp, mua lại hiện phổ biến tại Việt Nam. Ví dụ, HDBank đã mua lại 100% vốn của Công ty Tài chính Việt Société Générale (SGVF). Trước HDBank, Công ty Tài chính Fullerton Financial Holdings (FFH), công ty con của Tập đoàn Temasek (Singapore) đã nâng mức sở hữu cổ phần tại Mekong Bank (MDB) từ 15% lên 20%. VPBank mua lại Công ty TNHH MTV Tài chính Than khoáng sản Việt Nam. Maritime Bank trở thành cổ đông lớn nhất của Công ty Tài chính Dệt may.

Xu hướng sáp nhập, mua lại cua các ngân hàng thương mại đối vơi công ty tài chính có phần diễn ra quyết liệt nhưng cũng gặp trở ngại do tình hình tài chính của một số công ty tài chính hiện chưa tốt. Nếu ngân hàng thương mại mua lại sẽ tốn nhiều chi phí khắc phục. Do đó, tự thành lập các công ty tài chính trực thuộc cũng là cách các ngân hàng thương mại xem xét, chọn lựa.

Các công ty tài chính tiêu dùng hiện nay đều đang hướng vào cho vay tín chấp tiêu dùng ở ba sản phẩm dịch vụ chính: mua xe máy trả góp, mua sắm gia dụng, cho vay tiêu dùng cá nhân. Mỗi công ty tài chính đều có định hướng sản phẩm riêng. Home Credit, HDFinance, FE Credit tập trung vào lĩnh vực cho vay mua xe máy, thiết bị điện tử. Prudential nhắm vào cho vay chi tiêu cá nhân. ACS Việt Nam hướng đến những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu. Công ty Tài chính Toyota chuyên cho vay mua ôtô để hỗ trợ cho hoạt động bán xe, không tập trung phát triển các loại hình tín dụng tiêu dùng khác.

Cuộc cạnh tranh giành thị phần tín dụng tiêu dùng đang diên ra mạnh. Thực tế, lãi suất cho vay của các ngân hàng thấp hơn so với các công ty tài chính. Tuy nhiên, về thủ tục thì các công ty tài chính có thể giải quyết nhanh chóng hơn so vơi ngân hàng thương mại đã góp phần thúc đẩy gia tăng số lượng khách hàng.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã có dự thảo Thông tư quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, và dự thảo Thông tư quy định về hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính. Hai thông tư nói trên, một khi được ban hành thì các ngân hàng thương mại có thể sẽ không còn được cho vay tiêu dùng, tùy theo lộ trình do Ngân hàng Nhà nước quy định.

Tuy nhiên, Ngân hàng thương mại được thành lập công ty tài chính để cho vay tiêu dùng. Do đó,  để chuẩn bị cho việc ACB tiếp tục hoạt động kinh doanh về cho vay tiêu dùng sau khi có các thông tư nói trên, Ban lãnh đạo ACB cho rằng, ngân hàng cần thiết phải thành lập mới một công ty tài chính. “Trong trường hợp vì điều kiện khách quan mà không thể thành lập mới thì cần phải mua lại một công ty tài chính hiện có trên thị trường” – Ban lãnh đạo ACB tính toán.

Mai Chi

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *