Thời sự 26/05/2021 08:10

Một tháng gần 3.000 ca Covid-19, virus mới lây "kinh hoàng" trong không khí

Đợt dịch thứ 4 mới được một tháng song số ca mắc tại nước ta đã gấp 2 lần con số của đợt dịch thứ 3 kéo dài trong 3 tháng. Việt Nam cũng đã có 9 ca tử vong, có cả bệnh nhân trẻ, không có bệnh lý nền.

Một tháng gần 3.000 ca Covid-19

Chỉ trong vòng một tháng bùng phát, nước ta đã ghi nhận gần 3.000 ca Covid-19. Trong khi đó đợt dịch thứ 3 kéo dài 3 tháng, tổng số bệnh nhân là 1.301. Việt Nam đã có nhiều ngày ghi nhận số trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng trên 100 người. Tại ổ dịch trong khu công nghiệp của Bắc Giang, tỷ lệ phát hiện dương tính trong số các mẫu được xét nghiệm có thời điểm lên đến gần 40%.

GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, kết quả giải trình tự gen trong đợt dịch thứ 4 cho thấy, các bệnh nhân ở các tỉnh thành hầu hết đều nhiễm chủng Ấn Độ, riêng tỉnh Hà Nam, Hải Dương không có do liên quan trường hợp nhập cảnh về.

Trong rất nhiều cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh về tốc độ lây nhiễm của biến thể Ấn Độ. Vì thế, Việt Nam đang ở trong tình trạng báo động cao.

"Biến chủng virus SARS-CoV-2 của Anh có tốc độ lây lan nhanh gấp 1,7 lần so với chủng lưu hành trước đó nhưng biến chủng của Ấn Độ còn lây nhanh hơn, đặc biệt khả năng lây nhiễm trong môi trường không khí. Đúng như bối cảnh dịch bệnh ở Việt Nam, những trường hợp tiếp xúc trong không khí, đặc biệt môi trường kín lây lan rất nhanh", Bộ trưởng nói.

Một tháng gần 3.000 ca Covid-19, virus mới lây kinh hoàng trong không khí - 1

Bắc Giang đang là điểm nóng của dịch Covid-19. 

Môi trường kín: Virus SARS-CoV-2 lây trong không khí  

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng Bộ Y tế cũng cho biết biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 ở Ấn Độ có tốc độ lây lan nhanh hơn. Thực tế hiện nay, qua một vài ngày tiếp xúc gần, các ca F1, F2 nhanh chóng trở thành ca F0. Đặc biệt, virus lây mạnh trong môi trường kín.

"Trong môi trường kín, điều hòa, virus lơ lửng trong không khí chứ không rơi xuống, vì thế virus lây mạnh hơn. Điều này có thể thấy rõ trong ổ dịch tại quán bar, trong khu công nghiệp", TS Phu phân tích. 

TS.BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng cho biết thêm so với các biến chủng của virus trước đó, biến thể kép lần này của Ấn Độ lây nhanh hơn nhiều. Chẳng hạn chu kỳ lây nhiễm của đợt dịch xảy ra tại Đà Nẵng đợt tháng 7 năm 2020 là 5-7 ngày thì đợt dịch này chỉ 2-3 ngày.

"36 tiếng sau khi tiếp xúc với mầm bệnh thì một người đã có thể có xét nghiệm dương tính và có trường hợp đã lây cho người khác sau 2 ngày bị phơi nhiễm", TS Thái nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, biến thể mới của Ấn Độ có tăng độc lực hay không thì đến nay chưa có dữ liệu rõ ràng. Tuy nhiên, điều có thể thấy rõ trong đợt dịch thứ 4 này tại nước ta là virus lây lan rất nhanh.

Chùm ca bệnh trong gia đình, công ty

Trong các đợt dịch trước, trong một gia đình thường chỉ phát hiện 1-2 ca mắc nhưng trong đợt dịch này có nhiều trường hợp cả gia đình cùng mắc bệnh như trường hợp 4 người trong một nhà ở Times City (Hà Nội) hay gia đình của cựu Giám đốc Hacinco…

Một tháng gần 3.000 ca Covid-19, virus mới lây kinh hoàng trong không khí - 2

Một điểm cần lưu ý đó là virus này lây trong không khí, trước đó vẫn lây qua cơ chế giọt bắn là chính. Cần hiểu ở đây là lây trong không khí ở môi trường kín, bật điều hòa, không mở cửa thông thoáng khí như các công xưởng kín, trong nhà cũng bật điều hòa suốt… Điều này có thể thấy qua ổ dịch trong khu công nghiệp ở Bắc Giang, rất nhiều F1 thành F0.

Trong các bệnh viện, các khu cách ly, Bộ Y tế luôn phải yêu cầu mở toang cửa dù trời nóng cũng phải chấp nhận để tránh lây chéo. Việc bật điều hòa, môi trường kín khiến virus tồn lưu lâu hơn, dễ lây chéo hơn.

Thời gian ủ bệnh lâu, nhiều bệnh nhân nặng

Thời gian ủ bệnh của biến thể này cũng lâu. Tùy đáp ứng miễn dịch của mỗi người mà có người sau 3-5 ngày, thậm chí 21 ngày mới dương tính, thông thường là 7 ngày. Thời kỳ đầu, rất nhiều F0 âm tính, nhưng khi xét nghiệm lần thứ 2, thậm chí lần thứ 3 thì có kết quả dương tính.

Một điểm đáng chú ý, vì số lượng ca mắc lớn nên số bệnh nhân nặng tăng lên gấp 4 lần. Điều này không phải vì độc lực của virus tăng lên mà vì số người nhiễm tăng cao. Tính trung bình, 80% các ca bệnh là không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ, tỷ lệ có biểu hiện bệnh nặng là 20%.

Các chuyên gia khuyến cáo thực hiện tốt 5K có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm, chuỗi dịch tễ trong cộng đồng. Bên cạnh đó, cần lưu ý mở cửa thông thoáng, hạn chế dùng điều hòa, hạn chế tập trung đông người…

Nam Phương

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *