Thời sự 06/11/2020 08:29

Máy móc, thiết bị, phụ tùng Trung Quốc ồ ạt về Việt Nam

Kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị và phụ tùng của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng hơn 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, mặt hàng này từ các nước phương Tây về Việt Nam lại suy giảm.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 9/2020, Việt Nam nhập máy móc, thiết bị Trung Quốc trị giá hơn 11,5 tỷ USD, chiếm 43,5% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này (hơn 26,4 tỷ USD), đưa Trung Quốc trở thành nhà cung cấp máy móc, thiết bị, phụ tùng số 1 cho Việt Nam.

Máy móc, thiết bị, phụ tùng Trung Quốc ồ ạt về Việt Nam - 1

Máy móc Trung Quốc đổ bộ ồ ạt Việt Nam bất chấp đại dịch Covid-19 (Ảnh minh họa)

So với cùng kỳ năm 2019, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc về Việt Nam đã tăng hơn 1 tỷ USD. Trung Quốc là đối tác duy nhất có kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị tăng ở Việt Nam, trong khi hầu hết các đối tác khác đều giảm do đại dịch Covid-19.

Cụ thể như, kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng từ Đức về Việt Nam giảm hơn 200 triệu USD, từ mức 1,3 tỷ USD 9 tháng năm 2019 xuống còn gần 1,1 tỷ USD 9 tháng năm 2020.

Tương tự, kim ngạch nhập khẩu máy móc của Hàn Quốc cũng giảm từ 4,6 tỷ USD xuống còn 4,4 tỷ USD, giảm 200 triệu USD.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu máy móc từ Mỹ và Pháp vốn đã ít ỏi nay lại bị giảm. Cụ thể, các máy móc, thiết bị của Mỹ nhập về Việt Nam 9 tháng năm 2020 chỉ đạt hơn 780 triệu USD, giảm 10 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch mặt hàng này nhập từ Pháp cũng chỉ ghi nhận gần 140 triệu USD, giảm hơn 30 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Với Nhật Bản, dù là nhà đầu tư số 1 vào doanh nghiệp công nghiệp ở Việt Nam nhưng kim ngạch nhập khẩu máy móc về Việt Nam cũng giảm. 9 tháng năm 2020 nước ta nhập khẩu máy móc từ Nhật Bản chỉ đạt 3,3 tỷ USD, giảm 200 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu nhập khẩu máy móc, linh kiện từ các nước phát triển, trung tâm công nghiệp lớn của thế giới về Việt Nam suy giảm khá mạnh một phần do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Một phần khác là do các doanh nghiệp Việt dễ mua máy móc, công nghệ từ Trung Quốc để khỏa lấp chỗ trống trong các đơn hàng mua từ các nước phát triển.

Bên cạnh đó, việc khó tiếp cận với máy móc công nghệ đời đầu, công nghệ F1, công nghệ lõi của các nước phát triển do các nước lo ngại Việt Nam thiếu thực thi sở hữu trí tuệ đã và đang khiến các nhà cung ứng tại châu Âu, một số đối tác phát triển chần chừ, hạn chế.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là Việt Nam hiện nhận vốn đầu tư lớn từ Nhật, Hàn, nhưng tỷ lệ nhập khẩu máy móc, công nghệ của các nước này không cao. Trong khi đó, vốn đầu tư Trung Quốc chỉ đứng thứ 4 hoặc thứ 5 ở Việt Nam, nhưng lại có kim ngạch nhập khẩu các loại máy móc, linh kiện và thiết bị lớn nhất ở Việt Nam.

Theo các chuyên gia kinh tế, thực tế trên rất đáng lo ngại. Bởi doanh nghiệp, nhà máy tại Việt Nam vẫn chủ yếu tiếp cận máy móc đời cũ, công nghệ không phải đời đầu của các nước phát triển mà qua giai đoạn chuyển giao cho công ty thứ 2. Bên cạnh đó, dù doanh nghiệp Việt có được tham gia vào chuỗi chuyển giao máy móc, công nghệ nhưng không có chỗ để mua được công nghệ nguồn.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc nhập khẩu máy móc, thiết bị và linh kiện từ Trung Quốc luôn chiếm tỷ trọng cao, tăng dần qua các năm là chỉ dấu cho thấy doanh nghiệp tại Việt Nam (cả FDI và doanh nghiệp Việt) vẫn quá phụ thuộc vào máy móc, thiết bị từ công xưởng Trung Quốc.

Đây là vấn đề có tính chất hai mặt. Một mặt là khiến doanh nghiệp ngại đầu tư nghiên cứu vì máy móc, linh kiện từ Trung Quốc sẵn có lại giá rẻ. Nhưng mặt khác đó là rủi ro khi doanh nghiệp Việt chỉ được tiếp cận công nghệ cũ khiến khó có động cơ thay đổi, chuyển mình để tiếp cận công nghệ mới từ các nước phát triển.

Theo bà Lan, hiện Hiệp định EVFTA đã được ký kết và đi vào thực hiện, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường nhập khẩu máy móc và cam kết sở hữu trí tuệ đối với công nghệ, máy móc từ châu Âu. Nếu chỉ chuộng máy móc Trung Quốc với giá rẻ, tiến trình cải thiện khả năng tiếp cận máy móc châu Âu sẽ khó khăn cho doanh nghiệp Việt bởi chi phí mua kỹ thuật, máy móc từ EU sẽ đội suất đầu tư. Nếu không giải quyết bài toán này sẽ rất khó để thay đổi công nghệ, khó được nhà cung ứng cho tiếp cận các máy móc tiên tiến hơn.

Ngoài nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị và phụ tùng tăng mạnh, kim ngạch của hầu hết các mặt hàng khác Việt Nam vẫn duy trì nhập khẩu rất lớn từ Trung Quốc. Cụ thể, với điện thoại và linh kiện, Việt Nam duy trì kim ngạch nhập khẩu hơn 5,4 tỷ USD, chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

So với tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này 9 tháng năm 2020 là hơn 10,6 tỷ USD, kim ngạch nhập điện thoại, linh kiện Trung Quốc hiện chiếm hơn 50%. Con số rất lớn cho thấy điện thoại xuất xứ từ Trung Quốc như Oppo, Xiaomi, Huawei...cùng nhiều linh kiện điện thoại khác vẫn cấp tập về Việt Nam.

Cùng với đó, các mặt hàng như nguyên liệu vải, nguyên liệu cho dệt may, da giày cũng duy trì kim ngạch nhập khẩu vào Việt Nam bất chấp đại dịch. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, hết 9 tháng, Việt Nam nhập từ Trung Quốc hơn 5,1 tỷ USD giá trị vải vóc, cùng 1,8 tỷ USD là nguyên liệu dệt may, da giày.

Kim ngạch các mặt hàng này luôn duy trì ở ngưỡng cao so với các năm cho thấy các doanh nghiệp dệt may, da giày Việt Nam ít chủ động vùng nguyên liệu, vật liệu trong nước, điều này có thể là tín hiệu xấu nếu các nước thành viên EU hay các nước thuộc CPTPP ngăn chặn hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam do đầu vào nguyên liệu không phải là trong nước sản xuất hoặc nước thứ 3 hợp pháp.

An Linh

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *