Thời sự 30/07/2019 15:00

Mất 1 năm để "xếp chỗ" cho hơn 6.500 cán bộ của Tổng cục Quản lý thị trường

Đây là thông tin được ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đưa ra khi được báo chí hỏi về việc ổn định bộ máy đơn vị này nhằm thực hiện các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh hàng giả, gian lận thương mại trong nước đang diễn biến hết sức gay gắt thời gian gần đây.

Tại Họp báo chuyên đề về kết quả chống buôn lậu, hàng giả 6 tháng đầu năm 2019 sáng ngày 30/7 tại Hà Nội.

Theo ông Trần Hữu Linh: "Tổng cục Quản lý thị trường hiện mới 10 tháng tuổi, quân số lớn mà ổn định tổ chức tôi xin khẳng định phải mất thời gian, không thể một lực lượng gần 6.500 cán bộ mà trong một tháng hay một quý mà phải mất ít nhất 1 năm".

Mất 1 năm để xếp chỗ cho hơn 6.500 cán bộ của Tổng cục Quản lý thị trường - 1

Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương (thứ 2 từ trái sang) (ảnh Nguyễn Tuyền)

Ông này lý giải: Nâng cấp các Chi cục rời rạc thành Tổng cục, thống nhất ngành dọc xuyên suốt từ Bộ Công thương xuống thì tổ chức phải làm rất nhiều việc, từ ổn định tư tưởng, tổ chức Đảng; bổ nhiệm mới hầu hết các vị trí từ Cục trưởng, Phó Cục trưởng, Phó phòng... số lượng lớn mà phải theo đúng quy trình, đúng tiêu chuẩn từng chức danh, độ tuổi.

"Chúng tôi đặt mục tiêu trong năm đầu phải ổn định tổ chức, đến nay đang tiến hành khẩn trương sắp hoàn thành, cấp đội trưởng phó hầu hết đã xong 63 Cục; Phó Cục trưởng đã bổ nhiệm được gần một nửa", ông Linh thông tin.

Về cơ quan đầu não các Cục, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết: Hiện ở cấp Cục trưởng, một số người là Chi Cục trưởng trước đây lại thiếu tiêu chuẩn lên Cục trưởng, do vậy Tổng cục mới bổ nhiệm được 12 Cục trưởng, còn lại mới là "quyền" Cục trưởng.

"Chúng tôi phấn đấu hết tháng 9/2019, kiện toàn xong hết các chức danh có thể bổ nhiệm hết chức danh".

Được biết tại Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/8/2018, Thủ tướng đã quyết định thành lập Tổng cục Quản lý thị trường, thuộc Bộ Công Thương. Tổng cục được thành lập dựa trên cơ sở nâng cấp Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương và các Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương địa phương.

Ngoài vấn đề tổ chức Tổng cục, tại buổi Họp báo, ông Trần Hữu Linh cũng thông tin về vụ việc lực lượng quản lý thị trường Hà Nội vào tận khách sạn JW Marriott (trên đường Đỗ Đức Dục, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) để làm rõ một doanh nghiệp khai trương nhãn hàng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm.

Ông Linh cho biết: Tôi mới nghe báo cáo vụ việc kiểm tra của quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra nhãn hàng đúng lúc ra mắt khai trương.

"Đối với quy trình kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường chỉ cần có dấu hiệu là kiểm tra. Khi kiểm tra có thể có hoặc không có vi phạm, đây là hoạt động bình thường" ông Linh nói.

Ngoài ra, ông này cho biết ở một số làng nghề ở Hà Nội hiện nay, có hộ kinh doanh, sản xuất hàng nhái hàng giả. Tuy nhiên, khó giải quyết trong thời gian ngắn vì liên quan tới lao động và cuộc sống người dân.

"Sản xuất hàng nhái, hàng giả bị kiểm tra gắt gao nhưng các cơ sở vẫn tìm cách luồn lách là giả nhái chất lượng như rượu, bánh kẹo dịp gần tết nhưng theo thương hiệu riêng của họ", ông Trần Hữu Linh nói.

An Linh

Mất 1 năm để xếp chỗ cho hơn 6.500 cán bộ của Tổng cục Quản lý thị trường - 2

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *