Thời sự 13/06/2014 15:54

M&A ngân hàng sẽ diễn ra mạnh mẽ đến cuối năm

FICA - M&A ngân hàng vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ nhất là khi 2014 được coi là năm bản lề trong lộ trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tổng công ty, tập đoàn Nhà nước.

Đánh giá về ngành ngân hàng tại báo cáo mới nhất, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, xu hướng mua bán, sáp nhập trong ngành đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ và dự kiến tiếp tục được đẩy mạnh từ nay đến cuối năm.

Hiện, NHNN đã tiếp nhận phương án tái cơ cấu của 24/25 NHTMCP và đã phê duyệt phương án tái cơ cấu của 11/25 NHTMCP, đang xem xét phê duyệt phương án tái cơ cấu của 4 NHTMCP khác, chỉ đạo 9 NHTMCP bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung trong phương án tái cơ cấu và yêu cầu 1 ngân hàng còn lại gửi phương án tái cơ cấu về NHNN theo đúng quy định.

 
Qua những diễn biến kể trên, VCBS cho rằng, việc tái cơ cấu không chỉ còn xuất phát một phía từ NHNN mà bản thân các NHTM cũng đã ý thức được việc phải tự tái cơ cấu bản thân để nâng cao tính cạnh tranh. Do vậy, song song với những trường hợp sáp nhập của các đối tượng NH yếu kém, các NH không trong diện yếu kém cũng đã chủ động tìm kiếm đối tác sáp nhập nhằm tăng qui mô và nâng cao tính cạnh tranh. 

Nhóm phân tích nhìn nhận, quá trình này không thể diễn ra trong một sớm một chiều, tuy nhiên đánh giá đây là một thay đổi quan trọng trong ý thức của các NHTM đối với việc tái cơ cấu trong thời gian qua. 

Một số vụ sáp nhập điển hình đang/có thể sẽ diễn ra gồm có: 
- Mekong Bank và Maritime Bank 
- Vietinbank và PGBank 
- Sacombank và Phương Nam 
- VCB xin ý kiến cổ đông về việc sáp nhập với một NH khác 

Với xu hướng này, VCBS cho rằng từ nay đến cuối năm, hoạt động mua bán sáp nhập vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Trong dài hạn, theo kế hoạch tái cơ cấu đến năm 2017, số lượng ngân hàng sẽ giảm từ 39 xuống khoảng 15-17 ngân hàng. Tuy nhiên trước mắt, nhóm phân tích quan tâm nhiều đến hiệu quả hoạt động của các NH sau sáp nhập để đánh giá việc tái cấu trúc có thực sự diễn ra hiệu quả hay không.
 
Bên cạnh đó, năm 2014 cũng là năm bản lề trong lộ trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tổng công ty, tập đoàn Nhà nước. Hoạt động thoái vốn phải được hoàn tất vào năm 2015, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, VCBS cho rằng các hoạt động chuyển nhượng vốn ở quy mô lớn qua hình thức chào bán cổ phiếu ra công chúng cũng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. 

Xu hướng ngân hàng mua lại các công ty tài chính

Cũng tại báo cáo lần này, VCBS đã đề cập đến xu hướng mua lại các công ty tài chính của các NHTM. Theo đó, tiếp nối thương vụ HDBank mua lại Công ty tài chính Việt Société Générale (SGVF) trong năm 2013, ngay trong đầu năm 2014, một số thương vụ cũng đã được công bố, bao gồm:

- SHB đa xin ý kiến cổ đông về việc mua lại một công ty tài chính, theo các nguồn tin báo chí đối tượng của thương vụ này là Công ty Tài chính Vietel – Vinaconex (VVF). 


- Tháng 5/2014, Maritime Bank trở thành cổ đông lớn nhất của công ty tài chính Dệt may sau khi mua lại toàn bộ số cổ phần của tập đoàn Dệt May tại công ty này (64,1%).

Phân tích về xu hướng này, VCBS cho rằng, hiện tượng xuất phát từ việc các ngân hàng muốn phát triển cơ sở khách hàng và đẩy mạnh hoạt động bán lẻ thông qua thâu tóm công ty tài chính. Đối tượng cho vay của các công ty tài chính khá riêng biệt, phục vụ chủ yếu các khách hàng cá nhân nhỏ lẻ với các sản phẩm cho vay tiêu dùng. Đây là phân khúc mà các ngân hàng thương mại đang muốn đẩy mạnh và điều này có thể thực hiện được thông qua mua lại công ty tài chính.

Thêm nữa, nghị định 39/2014/ NĐ-CP đã cho phép công ty tài chính được thực hiện các hoạt động ngân hàng về phát hành thẻ tín dụng, huy động vốn của các tổ chức, bảo lãnh, bao thanh toán. Theo đó, các ngân hàng có thể tận dụng kênh này để cung cấp các sản phẩm bán lẻ và tiện ích thanh toán. 

Hơn nữa, đây cũng là thời điểm thích hợp cho các ngân hàng mua lại các công ty tài chính. Phía “cung” đang ở giai đoạn tăng khi các tập đoàn NN đang được yêu cầu gấp rút hoàn thành thoái vốn đầu tư ngoài ngành, trong đó có phần đầu tư vào các công ty tài chính. Phía “cầu” cũng khởi sắc khi như phân tích ở trên, các ngân hàng có nhiều động lực để mua lại công ty tài chính nhằm phát triển bán lẻ và cho vay tiêu dùng. 

Mai Chi

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *