Thời sự 30/12/2014 15:33

Luật sư Vietinbank phản bác quan điểm buộc tội Huyền Như tham ô

FICA - Sáng 30/12, phiên tòa phúc thẩm đại án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm lừa đảo gần 4.000 tỷ đồng tiếp tục diễn ra phần đối đáp của luật sư.

Các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Vietinbank đã thay phiên nhau đối đáp lại các “cáo buộc” của luật sư đồng nghiệp bảo vệ cho các cá nhân, tổ chức bị Huyền Như lừa đảo trong vụ án này.

 

Luật sư Nguyễn Văn Trung, Đoàn luật sư TPHCM bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp Vietinbank cho rằng, không hiểu lý do nhầm lẫn hay cố ý mà luật sư của ACB luôn nêu ra các căn cứ luật dân sự để nói về vụ án hình sự. Luật sư ACB lại còn nêu ra là ACB đã ủy thác cho nhân viên tại nhiều ngân hàng khác thu lợi rất lớn. “Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề cần lưu ý xem xét lại, đã gửi tiền ở đâu, thu lợi bất chính bao nhiêu, nếu cần thì tịch thu sung công quỹ”, luật sư Trung nói.

 

Huyền Như tại tòa phúc thẩm
Huyền Như tại tòa phúc thẩm

 

Đối với các ý kiến của VKS, luật sư Trung đồng ý với VKS khi xác định bản chất vụ án không có chuyện được cắt xén chi tiết khách quan, chỉ nói phần ngọn, không nói phần gốc. Đại diện VKS cũng xác nhận rằng, VKS chỉ đề nghị chấp nhận 1 phần yêu cầu kháng cáo, hủy 1 phần bản án sơ thẩm chứ không phải đề nghị HĐXX chấp thuận yêu cầu bồi thường của các công ty. Luật sư Vietinbank cho rằng, luật sư của các công ty đòi tiền Vietinbank đã hiểu lầm quan điểm của VKS. “Các công ty này đừng vội mừng, vì có thể khi điều tra, chẳng những không đòi được tiền mà còn trở thành ACB thứ 2”, luật sư Trung nói.

 

Luật sư Trung phản bác nhận định của VKS khi cho rằng đối với hợp đồng ủy thác đầu tư giả mạo của Hưng Yên, SBBS, Bảo hiểm Toàn cầu, xét về chủ quan chỉ giả mạo với Như, còn với họ là thật, nên họ không có lỗi. “Tôi không đồng ý quan điểm này của VKS. Các nguyên đơn dân sự không biết là giả vì họ tin Huyền Như, vì sao tin? Vì đã nhận được lãi suất trong và ngoài hợp đồng. Vì thế ký hợp đồng tại Nhà bè, nhưng lại chuyển tiền vào tài khoản thanh toán tại Vietinbank chi nhánh TP.HCM, rồi giao cho Như chuyển tiền, không cần biết tiền chuyển ra vào ra sao, vì thế bị Như lừa đảo”, luật sư Trung lập luận.

 

Quan điểm của VKS là dù biết hay ko biết, Vietinbank vẫn phải chịu trách nhiệm với nguyên đơn dân sự. Luật sư cho rằng, xử lý như thế này, khác gì các nguyên đơn cứ giao dịch ngầm với Như, nếu có lỗi xảy ra thì Vietinbank chịu trách nhiệm tất.

 

Các bị cáo tại tòa
Các bị cáo tại tòa

 

Luật sư Trung cũng “kéo” trách nhiệm của Ngân hàng TPBank và Maritimebank vào vụ án này khi phản bác quan điểm của VKS là 2 ngân hàng này chỉ là pháp nhân độc lập, không liên quan trong phạm vi phúc thẩm. “Rõ ràng trong hồ sơ vụ án, thẩm vấn, 2 ngân hàng này không khác gì với Navibank và ACB, chỉ khác là ủy thác cho công ty thay vì cho cá nhân. Thực chất đây là nguồn tiền của 2 ngân hàng. NHNN đã có công văn số 325, công văn số 27 nêu rõ hành vi sai phạm của 2 ngân hàng này. Nên chí ít 2 ngân hàng này cũng phải là người có quyền lợi liên quan. Theo điều 19 Bộ luật tố tụng hình sự quy định, mọi người đều có quyền bình đẳng đưa ra yêu cầu, dân chủ nhằm làm sáng rõ sự thật khách quan của vụ án.

 

Nhưng tài liệu chúng tôi nêu ra đều có trong hồ sơ vụ án, vì thế nếu không xem xét về 2 ngân hàng này là không làm rõ sự thật khách quan của vụ án.

Luật sư cũng cho rằng, việc VKS đề nghị hủy 1 phần bản án sơ thẩm để điều tra lại, theo hướng Huyền Như phạm tội tham ô tài sản, buộc Vietinbank bồi thường 1.085 tỷ đồng cho các công ty trong vụ án này đã vượt quá thẩm quyền của VKSND tối cao, không phù hợp quy định pháp luật. Luật sư Trung đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của các nguyên đơn dân sự và giữ nguyên án sơ thẩm.

 

Bảo vệ cho Vietinbank sáng nay, luật sư Trương Thị Hòa cũng đối đáp phản bác các ý kiến của luật sư bảo vệ cho công ty bảo hiểm Toàn Cầu. Luật sư Hòa khẳng định chỉ có Huyền Như đã trực tiếp giao dịch với bảo hiểm Toàn Cầu và thực hiện các giao dịch giả tạo. Nếu công ty ủy thác đầu tư thì phải có quyết định của đại hội cổ đông. Đằng này, Toàn Cầu không chứng minh được. Động cơ mục đích của công ty Toàn Cầu thể hiện rất rõ trong 5 hợp đồng là muốn số tiền phát sinh lợi. Đó không phải là mục đích mở tài khoản để kinh doanh, chuyển tiền.

 

Luật sư Trương Xuân Tám bảo vệ cho Vietinbank đề nghị khởi tố ngay tại tòa vụ án Cố ý làm trái xảy ra tại TPBank và Maritimebank theo điều 104 Bộ luật Hình sự. Luật sư Tám cũng bổ sung đề nghị khởi tố hành vi làm trái của Navibank. “Nếu không khởi tố tại phiên tòa, phải kiến nghị cơ quan điều tra khởi tố và trả lời người tố giác là tôi bằng văn bản”, luật sư Tám nói.

 

Luật sư này cũng phản bác yêu cầu bồi thường thiệt hại của công ty chứng khoán Phương Đông (ORS). “Tôi cho rằng việc thay đổi kháng cáo của ORS là không hợp lệ, vì có thể thay đổi kháng cáo nhưng không được theo hướng bất lợi. Trong đơn kháng cáo, ORS không yêu cầu Vietinbank bồi thường, trong phiên tòa lại yêu cầu Vietinbank bồi thường là không phù hợp”, luật sư Tám nói.

 

Cũng trong buổi sáng nay, luật sư Lê Hồng Nguyên và Nguyễn Thị Bắc bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank đã có phần đối đáp các ý kiến của luật sư đồng nghiệp khi đòi Vietinbank phải trả tiền. Hai luật sư của Vietinbank bảo lưu toàn bộ quan điểm bào chữa của mình.

 

Luật sư Phan Trung Hoài bào chữa cho các bị cáo Võ Anh Tuấn, Tuyết Anh, Ngọc Quyên, Hương Giang đề nghị HĐXX cân nhắc lại hành vi của các bị cáo khi định tội danh, khung hình phạt. Luật sư bào chữa cho bị cáo Đoàn Lê Du đề nghị hủy bán án liên quan đến bị cáo Du để điều tra xét xử lại.

Công Quang – Trung Kiên
Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *