Thời sự 08/07/2014 14:10

Lừa đảo như trở bàn tay tại lâu đài của đại gia miền Tây

Đại gia Lâm Ngọc Khuân dùng tiền vay ngân hàng xây lâu đài làm văn phòng và nợ nhà thầu hàng tỉ đồng nhưng tài sản này đã được chuyển sở hữu khi cơ quan điều tra vào cuộc.

“Đại án” tại Công ty Phương Nam và các ngân hàng có liên quan chưa kết thúc nhưng lâu đài của ông Khuân đã được dịch chuyển chủ sở hữu và đang là nhà hàng khách sạn.

Điều này khó tin nhưng đã xảy ra tại Sóc Trăng khi nhà chức trách bóc gỡ “đại án” liên quan đến Công ty cổ phần Chế biến thủy sản Phương Nam (Thủy sản Phương Nam) với các ngân hàng.

Cần nhắc kết luận điều tra có thông tin liên quan đến lâu đài lớn nhất Sóc Trăng của đại gia thủy sản được cho là “ở lại Mỹ trị bệnh”, bỏ lại khoản nợ trên 1.700 tỉ đồng khiến hàng loạt ngân hàng và nhà thầu xây dựng điêu đứng.

Theo đó, từ năm 2008-2011, Lâm Ngọc Khuân và vợ Trần Thị Mỹ xây dựng biệt thự cho gia đình tại km 2127, quốc lộ 1A, khóm 2, phường 7, TP Sóc Trăng. Thực tế đây là lâu đài và số tiền có được để xây là vốn vay của các tổ chức tín dụng.

Trong quá trình xây dựng, Khuân chỉ đạo Phó giám đốc Trịnh Thị Hồng Phượng và nguyên kế toán Lâm Minh Mẫn lập hợp đồng thi công với nội dung “xây văn phòng Công ty Phương Nam” để lấy trên 28 tỉ đồng trả cho nhà thầu và mua nguyên vật liệu.

Trong đó, Khuân ký 23 chứng từ chi trên 12,1 tỉ đồng, con gái Lâm Ngọc Hân ký 20 chứng từ chi trên 4 tỉ đồng, Phượng ký 21 chứng từ chi trên 8,4 tỉ đồng…

Trong hồ sơ này, Mẫn ký ở mục kế toán trưởng 73 chứng từ trị giá trên 26 tỉ đồng, Nguyễn Thị Ánh Đào ký 7 chứng từ trên 1,7 tỉ đồng.

Sau khi lâu đài được xây xong, hành vi lừa đảo của ông Khuân được thấy rõ hơn khi vợ chồng này không cùng đứng tên tài sản hoặc mang tên công ty (vì mục đích xây văn phòng công ty) mà chuyển cho duy nhất một người sở hữu.

Cụ thể, Khuân - Mỹ làm thủ tục hợp thức hóa cho duy nhất bà Mỹ đứng tên, sở hữu lâu đài. Không lâu sau, vợ chồng này làm thủ tục ủy quyền cho con trai tất cả tài sản ở Việt Nam trước khi sang Mỹ.

Phát hiện điều này, nhà thầu xây dựng lâu đài bị ông Khuân bội tín, không trả nợ nhiều tỉ đồng đã gửi công văn đến Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Sóc Trăng yêu cầu ngăn chặn việc chuyển quyền sử dụng đất từ bà Mỹ sang Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh Sóc Trăng.

Ngày 9.9.2013, ông Lương Hùng Lân, Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Sở Tài nguyên – Môi trường Sóc Trăng trả lời nhà thầu rằng việc chuyển nhượng này không liên quan đến nhà thầu và Công ty Phương Nam bởi tài sản là của cá nhân bà Mỹ.

Một số ý kiến cho rằng, như vậy có thể hình dung rằng nếu ai đó muốn lừa đảo như ông Khuân thì chỉ cần vay tiền vài ngân hàng để xây lâu đài với mục đích làm văn phòng công ty. Sau đó chuyển tài sản này cho vợ con và cầm cố ngân hàng lấy tiếp tiền tỉ rồi đi Mỹ thì xem như xong chuyện!?.
 

Qua sự việc này cần phải chỉ ra một điều là Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất không chỉ nhìn vào giấy chứng nhận mang tên cá nhân bà Mỹ là có thể chuyển quyền cho ngân hàng được, bởi thời điểm cuối năm 2013 là lúc “dầu sôi lửa bỏng” vì Bộ Công an đang điều tra vụ án tại Phương Nam và những đơn vị liên quan.

Trong đó, hồ sơ thể hiện vốn để hình thành nên lâu đài của vợ chồng ông Khuân là vay của các tổ chức tín dụng và đã bị chiếm dụng.

Các tổ chức tín dụng này bị ông Khuân và đồng phạm lừa và hợp đồng xây lâu đài thể hiện rõ là xây văn phòng Công ty Phương Nam thì không thể nói tài sản này không liên quan đến Thủy sản Phương Nam.

Lãnh đạo Thủy sản Phương Nam nói gì?

Theo nguồn tin của phóng viên, sau khi chuyển tên tài sản cho vợ, lâu đài lớn nhất Sóc Trăng được gia đình ông Khuân thế chấp vay Vietcombank chi nhánh Sóc Trăng khoảng 38 tỉ đồng.

Khi Phương Nam có dấu hiệu vỡ nợ, cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ sai phạm của các cá nhân có liên quan thì tòa lâu đài được ngân hàng thu hồi nợ và định giá khoảng 42 tỉ đồng.
 
Có được tài sản này, tòa lâu đài nhanh chóng cho một công ty xây dựng thuê để mở nhà hàng, khách sạn. Việc dịch chuyển chủ sở hữu như thế này, ông Trần Văn Trí, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Phương Nam (người "tiếp quản" Phương Nam sau này) cho là “tẩu tán tài sản”.
 

Theo ông Trí, khi vụ án chưa kết thúc thì tất cả những tài sản liên quan không ai có quyền bán, dịch chuyển chủ sở hữu, nếu làm ngược lại là trái pháp luật.

Ông này còn kể rằng căn nhà tại khu Phú Mỹ Hưng (TP.HCM) ông Khuân thế chấp cho một ngân hàng để vay 20 tỉ đồng nhưng khi ngân hàng thu hồi nợ đem bán chỉ 12 tỉ đồng và ghi nợ lại cho Công ty Phương Nam 8 tỉ đồng là không thể chấp nhận được.

“Công ty Phương Nam không chối bỏ trách nhiệm trả nợ nhà thầu bởi lâu đài được xây dựng trên cơ sở hợp đồng ký kết là xây văn phòng, nhà khách cho công ty.

Vì vậy, nếu ngân hàng lấy lâu đài này thì phải trừ ra số tiền dư gần 4 tỉ để trả nhà thầu. Nếu ngân hàng không trừ số tiền dư ra để trả nợ nhà thầu thì phải giao lâu đài lại cho Phương Nam quản lý để công ty trả nợ đối tác, tránh bị thưa kiện gây ảnh hưởng đến kinh doanh”, ông Trí nêu quan điểm.

Theo ông Trí, đó là cách hợp tác quá tốt của công ty với chủ nợ ngân hàng bởi nếu căn cứ theo pháp luật mà xử lý thì ngân hàng không có quyền lấy lâu đài khi vụ án chưa kết thúc.
 
Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Sở Tài nguyên – Môi trường Sóc Trăng cho rằng tòa lâu đài không liên quan đến Thủy sản Phương Nam trong khi nhà thầu bị công ty nợ tiền nhiều tỉ đồng chưa trả.

Từ đó, ông Trí đề nghị cơ quan pháp luật vào cuộc làm rõ dấu hiệu dịch chuyển chủ sở hữu tài sản bởi tất cả tài sản thế chấp ngân hàng, nếu muốn bán thì đấu giá công khai chứ ngân hàng không có quyền tự định giá để thu hồi nợ. Khi đó, cá nhân nào làm sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Theo Hàm Yên

Một thế giới

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *