Thời sự 27/05/2015 16:36

Lợi nhuận ngân hàng “teo tóp” vì đề phòng nợ xấu

FICA - Mặc dù thu nhập lãi thuần tăng 19,1%, lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng 21,5%, song chênh lệch thu chi của toàn hệ thống ngân hàng trong quý I lại giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2014 do chi phí dự phòng tăng mạnh 71,3%.

Các ngân hàng phải nâng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 70% so với quý I/2014
 
Theo đánh giá tại bản Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) trình Chính phủ tại kỳ họp thường kỳ tháng 5, hiệu quả kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) cải thiện trong quý I/2015. Cụ thể, thu nhập lãi thuần tăng 19,1%, lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng 21,5%. 
 
Tuy nhiên, chênh lệch thu chi của toàn hệ thống giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2014, đạt 9.935 tỷ đồng do các tổ chức tín dụng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Theo đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 71,3% so với quý I/2014
 
Thanh khoản trên liên ngân hàng ổn định trong 5 tháng đầu năm 2015. Khối lượng giao dịch trên thị trường liên ngân hàng giảm đáng kể so với thời điểm cuối năm 2014. Lãi suất VND qua đêm liên ngân hàng hạ nhiệt trong những tuần đầu tháng 5 ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuyên bố điều chỉnh tỷ giá thêm 1%. 
 
Do thanh khoản được đảm báo nên tiền gửi của các TCTD khác và đi vay các TCTD khác giảm 11,5%, tỷ trọng vốn liên ngân hàng/tổng nguồn vốn giảm từ 13,9% (tháng 12/2014) xuống 12,4% (tháng 3/2015). 
 
Gian đoạn đầu năm, lãi suất đang chịu sức ép do huy động của hệ thống TCTD tăng chậm hơn cho vay. Tính đến 31/3/2015 tổng huy động chỉ đạt 4.557 nghìn tỷ đồng tăng 0,98% so với đầu năm. Trong đó, vốn huy động bằng VND tăng 1,9%, bằng ngoại tệ giảm 4,9%. Trong khi đó, tổng tín dụng đạt 3.826 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với đầu năm. Trong đó, cho vay bằng VND tăng 2,4%, cho vay bằng ngoại tệ giảm 0,9%. 
 
Tăng trưởng huy động thấp trong khi tăng trưởng tín dụng khá đã làm tỷ lệ cho vay/huy động tăng nhẹ lên 84%, cao hơn mức 83% của thời điểm tháng 12/2014. Đáng chú ý là tỷ lệ cho vay/huy động ngoại tệ là 87%, cao hơn hẳn mức 83,4% cuối năm 2014, nguyên nhân do huy động tiền gửi ngoại tệ giảm 4,94% so với cuối năm 2014.
 
Báo cáo của UBGSTCQG cũng cho thấy, lợi suất trái phiếu Chính phủ (TPCP) có xu hướng tăng kể từ tháng 3/2015, gây khó khăn cho huy động TPCP. Lũy kế từ đầu năm, tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu TPCP đạt 64,5% và chỉ đạt 31,7% kế hoạch phát hành TPCP của cả năm.
 
Ngoài nguyên nhân lãi suất, huy động TPCP chậm còn do dòng tiền đầu tư dài hạn của các nhà đầu tư còn hạn chế, các NHTM quan tâm nhiều tới TPCP kỳ hạn dưới 5 năm nhằm đảm bảo tốt hơn danh mục đầu tư. Bên canh đó, các NHTM ưu tiên đẩy mạnh tín dụng. Với tốc độ huy động TPCP hiện tại, UBTSTCQG cho rằng, áp lực huy động vốn đối với Kho bạc Nhà nước trong những tháng tiếp theo sẽ không nhỏ. 
 
Bích Diệp
Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *