Thời sự 18/02/2014 07:54

Lo quay vòng lãi suất thấp

Hạ lãi suất doanh nghiệp tiếp cận vốn vay giá rẻ, điều này thiết thực giúp nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu chạy theo tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá, vô hình trung, không khéo ngân hàng sẽ rơi vào tình cảnh “gậy ông lại đập lưng ông”.

Dự báo lĩnh vực tiền tệ năm 2014 vẫn tiềm ẩn sóng ngầm.

Lạm dụng vốn rẻ

Nguồn tin của Tiền Phong, những ngày áp Tết, thay vì phải chuẩn bị sẵn hàng chục ngàn tỷ đồng cho thanh khoản qua hình thức tái cấp vốn hoặc cho vay trên thị trường liên ngân hàng bằng mọi giá thì tiền gần như vẫn nguyên trong kho của Ngân hàng Nhà nước (đến ngày 12/12/2013 tổng phương tiện thanh toán tăng 14,64% so với cuối năm 2012, huy động vốn tăng 15,61%).

Nhưng lại xuất hiện một hiện tượng bất thường khiến cơ quan quản lý phải cuống quít “tuýt còi”. Ấy là chính bởi dư thừa nguồn vốn, khát khách tốt vay tiền nên một số nhà băng đã rộng tay ưu đãi vốn giá rẻ cho một số doanh nghiệp, khách hàng vốn được xem là “hàng khủng”.

“Có những khoản vay lên đến cả trăm tỷ với lãi suất cực rẻ chỉ 5-6%; thế là thay vì giải ngân dự án như đã cam kết các doanh nghiệp trên lại gửi tiền sang nhà băng khác hưởng chênh lệch. Kiểm tra từ trên chúng tôi phát hiện ra, vì vậy phải gọi các ngân hàng lên cảnh cáo và cấm để xảy ra tình trạng trên” - một cán bộ nói.

“Năm 2013 có 60.000 doanh nghiệp phá sản, bù lại có hơn 70.000 được thành lập mới. Tuy nhiên, cần lưu ý khối mới thành lập sẽ chưa có lợi nhuận ngay trong khi khối phả sán đã khiến nền kinh tế thiệt hại rất mạnh từ thu nhập từ thuế. Kinh nghiệm chung, tăng trưởng tín dụng của khối ngân hàng khoảng 10% là ổn nhưng đó phải đảm bảo chất lượng và không có nợ xấu. Năm 2014, nếu các ngân hàng có thể quản lý dòng vốn tính với 6% thì lãi suất cho ra 9% là được, mức lãi suất đó sẽ giúp ích nhiều cho doanh nghiệp và nền kinh tế”, khối chuyên gia nhìn nhận.

Phân tích thêm với Tiền Phong vị này thừa nhận: áp lực tăng trưởng tín dụng cuối năm 2013 cũng như chiến lược cạnh tranh giành khách đã đẩy một số nhà băng có nguồn vốn giá rẻ vào động thái sẵn sàng cho vay ngang giá vốn chấp nhận không có lợi nhuận hoặc lấy công làm lãi “Cái họ được sẽ là khách hàng tốt; dự án dài hơi. Còn cái không được nhìn thấy nhãn tiền là chính các khách hàng tốt đó sẽ lợi dụng tranh thủ kiếm lời. Điều này làm méo mó thị trường tiền tệ”- vị này nói.

Chợt nhớ, cách đây chưa lâu, lãnh đạo một nhà băng tình cờ để lộ lãi suất khoản vay của hợp đồng vài trăm tỷ đồng với một doanh nghiệp “khủng” chỉ dừng ở mức con số hơn 6%/năm - mức rẻ không tưởng. 

Sau này, để đỡ lời cho thông tin trót chia sẻ, vị lãnh đạo này cho hay đó chỉ là ưu đãi hi hữu. Theo ông, vốn giá rẻ này cũng có điều kiện đi kèm, ví như doanh nghiệp phải sử dụng dịch vụ tài chính của nhà băng đó, hay đơn giản dòng tiền của doanh nghiệp khi thu về phải “chảy” qua tài khoản ngân hàng.

Năm 2013 qua đi dư thừa thanh khoản đã khiến ngân hàng đang lui vào thế khó khi đầu vào huy động được nhiều; cho vay ra thì ít. Rồi tỷ giá đứng yên không biến động khiến các nhà băng đứng ngồi không yên trong việc tìm kiếm lợi nhuận. Việc tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống cả năm đã đạt trên 11%, tăng 2,5% so với kết quả được công bố hôm 22/12/2013 là 9,5% khiến người ta bất ngờ. Với câu chuyện trên, phải chăng đã đến lúc xem lại cơ cấu và phương tiện tăng tín dụng của một số nhà băng thời gian qua?

Cạnh tranh vẫn kén khách

Câu chuyện lãi suất sẽ giảm từ 1-2%/năm được người đứng đầu ngành ngân hàng Thống đốc Nguyễn Văn Bình tuyên bố và xem là thông điệp niềm tin của năm 2014. Phân tích chung con số này có thể biến thành hiện thực nhưng đường đi sẽ không trải hoa hồng mà cần lường trước chông gai.

“Hạ lãi suất không phải là cây đũa thần để cứu doanh nghiệp. Vì có xuống đến 5%/năm mà nếu không đủ điều kiện vay và không vay được thì với doanh nghiệp hạ cũng chẳng để làm gì”- ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng lưu ý. Theo ông, dẫu có hạ thế nào, một ngân hàng vẫn phải đảm bảo giữ biên độ +- 3% chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra (ở thời kỳ hưng thịnh phải 5-6%) nếu biên độ lợi nhuận thấp dưới 1% khi đó ngân hàng sẽ tự triệt tiêu mình. Chưa kể, nếu cho vay bằng mọi giá để có khách trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn chết như ngả rạ hiện tại, nếu không khéo chưa xử lý xong món nợ xấu cũ này, ngân hàng lại “đút chân” vào món nợ khác.

Từ lưu ý của chuyên gia này chợt nhớ tới câu chuyện cuối năm, giám đốc một ngân hàng thương mại cấp tỉnh đã chia sẻ áp lực mệt mỏi trong cuộc chiến cạnh tranh và giữ khách hàng. 

Vị này kể để giữ được khách hàng bây giờ là cả một nghệ thuật. “Làm ăn nghiêm túc thôi chưa đủ, nhiều khi cần phải có quan hệ. Nhưng ngay cả trong quan hệ cũng có vô số phức tạp. Giả dụ như đầu năm ngoái, vì rất muốn kéo dự án đầu tư về nên lãnh đạo tỉnh nhà đã giới thiệu và đề nghị ngân hàng thẩm định khoản vay trên 1.000 tỷ. Sau khi xem xét kỹ hồ sơ, làm việc với doanh nghiệp vài lần chúng tôi quyết định nói lời từ chối bằng được dù đang rất muốn cho vay thêm ra. Cuối cùng, đúng là doanh nghiệp đã mất khả năng tài chính từ lâu. Nếu khi đó ngân hàng rót tiền vào, khoản vay giờ sẽ trở thành nợ cực xấu”- vị cán bộ ngân hàng kể

Hết tháng 1/2014, tăng trưởng tín dụng vẫn âm 0,5% so với 31/12/2013. Tại hội nghị Chính phủ thường kỳ tháng 1/2014, Thống đốc Nguyễn Văn Bình báo cáo với Chính phủ, trong dịp Tết, Ngân hàng Nhà nước đã mua được trên 2 tỷ USD, đưa trạng thái dự trữ ngoại hối ròng ở mức 28 tỷ USD, còn nếu tính tổng thể thì lên tới trên 30 tỷ USD.

Theo Khánh Huyền
Tiền Phong

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *