Thời sự 27/05/2014 07:10

LienVietPostBank đang "dọa" Agribank?

Với những "mánh" riêng ở thị trường nông thôn, nhất là cách làm ngược đời: nhắm vào người nghèo để huy động vốn và nhanh tay biến mạng lưới bưu điện văn hóa xã thành đại lý ngân hàng, LienVietPostBank đang trở thành ngân hàng TMCP tiên phong chiếm lĩnh thị trường nông thôn, "đe dọa" vị thế của ông lớn Agribank.

“Tôi ngộ ra: huy động vốn phải từ người nghèo”

Trả lời câu hỏi của phóng viên về những rủi ro khi cho vay  lĩnh vực nông nghiệp, TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho biết, năm 2013 vừa qua, LienVietPostBank không hề có món nợ xấu nào khi cho vay lĩnh vực này.

“Ai cũng lo ngại cho vay nông nghiệp rủi ro sẽ lớn, nhưng năm vừa qua, chúng tôi cho vay lĩnh vực này rất nhiều, cụ thể là đưa về nông thôn 40% vốn lưu động và đó là quyết định đúng đắn. Nếu cho vay ở thành thị, chắc chắn nợ sẽ cao hơn. Thực tế cho vay lĩnh vực nông nghiệp của LienVietPostBank cho thấy, nợ xấu rất thấp vì nông dân rất coi trọng chữ tín và không ai bỏ nhà, dù có thua lỗ, họ vẫn sản xuất, khoanh nợ, làm lại để trả nợ. Sở dĩ làm được như vậy là do chúng tôi khi vay đã kết hợp với Hội Cựu chiến binh và Bưu điện văn hóa xã, họ biết rõ đối tượng nào làm ăn thật nên khả năng nợ xấu ít xảy ra”, ông Hưởng nói.

Không chỉ cho vay, mà nông thôn cũng là địa bàn lý tưởng để huy động vốn. Lãnh đạo LienVietPostBank cho biết: “Tôi làm ngân hàng bao nhiêu năm mới ngộ ra một điều rất bình thường: huy động vốn dài hạn phải huy động của người nghèo. Vì người nghèo có thói quen tích cóp, gửi tiết kiệm để đấy cho con cháu, không có ý định lấy ra ngay. Trong khi ở các thành phố, những người có vốn lớn thường thay đổi liên tục”, ông Hưởng nói.

Dĩ nhiên, đi về nông thôn, lợi nhuận thu về thấp hơn các lĩnh vực khác. Đơn cử, LienVietPostBank đầu tư 40% vốn cho khu vực nông thôn, song lợi nhuận dĩ nhiên sẽ không phải là 40%. Song ngân hàng sẽ được ở nhiều yếu tố, mà yếu tố lớn nhất là giành được chỗ đứng vững chắc ở một thị trường nhiều tiềm năng.

Đầu tư về nông thôn, ngân hàng phải có "mánh"

Tuy nhiên, thị trường nông thôn là mảnh đất hầu như chưa được các ngân hàng khai phá, song không phải ngân hàng nào cũng có thể đi về lĩnh vực nông thôn. Bởi đây là lĩnh vực lợi nhuận thấp, đòi hỏi chi phí cao, nhân lực lớn. Nếu vẫn hoạt động theo kiểu truyền thống, đầu tư về nông thôn, ngân hàng cầm chắc thua lỗ.

LienVietPostBank có cách làm rất khác: biến 10.000 điểm bưu cục và bưu điện văn hóa xã thành các đại lý ngân hàng, nơi có thể cung cấp tất cả dịch vụ ngân hàng cho khách hàng. Với cách làm này, LienVietPostBank chỉ cần trả thêm một phần lương cho nhân viên bưu điện là có thể duy trì đại lý ngân hàng của mình.

Ví dụ đơn giản, Agribank chi nhánh Quảng Ngãi có 500 nhân viên. Trong khi đó, LienVietPostBank chỉ phải trả lương cho vài chục nhân viên của chi nhánh ngân hàng ở tỉnh, còn lại là hàng loạt đại lý ngân hàng với chi phí thấp. Chỉ cần làm phép tính đơn giản cũng có thể thấy, hiệu quả của mô hình đại lý ngân hàng cao hơn rất nhiều.

Chính những lợi thế này mà khi được hỏi, LienVietPostBank có sợ sự cạnh tranh của Agribank, ông Nguyễn Đức Hưởng đã trả lời: “Quan điểm của LienVietPostBank là không có đối thủ, chỉ có đối tác. Hơn nữa, thị trường nông thôn cũng rất rộng lớn, nên LienVietPostBank cũng như các ngân hàng khác nên đồng hành với Agribank nhiều hơn nữa".

Được biết, mô hình ngân hàng - bưu điện đã hình thành rất nhiều nước trên thế giới và vệc tận dụng mạng lưới bưu chính để phát triển thị trường của ngân hàng là giải pháp hiệu quả. Bởi không có nước nào mà hệ thống ngân hàng có thể phủ sóng rộng khắp cả nước như ngành bưu chính, nhất là các vùng sâu, vùng xa.

Tháng 10/2013, LienVietPostBank, VietNamPost và La Poste Group cũng đã ký kết Hợp động tư vấn kỹ thuật và chuyển giao công gnhệ đẩy nhanh quá trình xây dựng mô hình ngân hàng bưu đienẹ theo chuẩn quốc tế mà trọng tâm là xây dựng mô hình Phòng Giao dịch Bưu điện kiểu mẫu, Thương vụ “tay ba” này được giới chuyên gia đánh giá là bước đi khôn ngoan của LienVietPostBank, đặc biệt là quy mô mạng lưới “1 năm = 100 năm”.

Mặc dù sở hữu mạng lưới rộng khắp, song ông Hưởng cũng cho rằng, vẫn chưa phục vụ hết được khách hàng ở nông thôn nên có mọc thêm một số ngân hàng nữa thì cũng không lo thiếu thị trường. Thực tế hiện nay, khu vực nông thôn là nơi chịu lãi suất cao nhất vì người dân khó tiếp cận vốn ngân hàng, luôn phải vay nóng rồi bán lúa non để trả nợ.  

“Một ngân hàng lao vào bán buôn thì có thể chết rất nhanh nhưng một ngân hàng bán lẻ và tiết kiệm, góp nhiều cái nhỏ thành to thì luôn ổn định và bền vững, vì đây là ngân hàng của nền kinh tế thật”, ông Hưởng nói.

Theo Thùy Liên
Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *